CPI cả năm 2010 tăng khoảng 8%

Kinh tế - Ngày đăng : 10:55, 20/10/2010

Tình trạng nghiêm trọng hiện nay của VINASHIN chủ yếu là do yếu kém trong quản lý (HNMO) – Sáng 20/10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự báo cả năm giá tiêu dùng tăng khoảng 8%. Tuy chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, đây là một cố gắng lớn.

>>Toàn văn phát biểu của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn


Về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2010, mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao. GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%.

Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.

Năm 2010, có khoảng 85 nghìn doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng; bình quân đạt gần 6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 125% so với năm 2009, góp phần quan trọng phát triển sản xuất kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm mới.

Về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (VINASHIN), Thủ tướng cho biết, tình trạng nghiêm trọng hiện nay của VINASHIN chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của Tập đoàn.

Bộ Chính trị đã nghe Chính phủ báo cáo và đã có kết luận chỉ đạo. Chính phủ đang triển khai thực hiện và đến nay đã có một số kết quả bước đầu. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng cũng cho biết, kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.


Chính sách tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản bảo đảm được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thoả thuận và theo hướng giảm dần; tăng cường giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tính đến hết tháng 9 năm 2010, thị trường chứng khoán đạt mức vốn hóa khoảng 31,6% GDP.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Nhập siêu cả năm khoảng 13,5 tỷ USD, dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2009 và đạt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, mức tăng giá tiêu dùng 9 tháng là 6,46%, dự báo cả năm giá tiêu dùng tăng khoảng 8%. Tuy chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (không quá 7%) nhưng trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, đây là một cố gắng lớn, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nỗ lực bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Cả năm tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm mới; đã đào tạo nghề cho trên 1,7 triệu người. Dự kiến đến cuối năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 40%.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, xuống còn 9,5% .

Có khoảng 80% số xã đạt chuẩn y tế (năm 2009 là 65,36%). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non và các cấp học phổ thông tăng nhanh, 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong phát triển kinh tế, xã hội năm qua. Đó là năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; Hiệu quả đầu tư còn thấp, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng; Thể chế kinh tế thị trường, sự phối hợp giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ; Việc xử lý mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chưa thật hợp lý, tốc độ tăng trưởng tuy đạt khá cao nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn mới cho ổn định kinh tế vĩ mô; Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo còn cao; Thể chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, vừa làm hạn chế hiệu quả quản lý, vừa dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng…

Thủ tướng cho biết, theo nhiều dự báo, năm 2011, kinh tế thế giới tuy tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chưa vững chắc và còn nhiều khó khăn. Nếu không tạo dựng được các yếu tố nội sinh bền vững để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức thì thách thức sẽ lấn át, ảnh hưởng xấu đến ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu của năm 2011 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; trên cơ sở đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Việt Nam đã đạt được mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, nhất là trong việc xử lý các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn còn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị, trong năm 2011, Chính phủ cần ưu tiên tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010.

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 mà Chính phủ đã đề ra là 7-7,5%, nhưng đề nghị cần duy trì chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2011 ở mức tăng không quá 7%, bội chi ngân sách năm 2011 ở mức không quá 5%, đồng thời có biện pháp quyết liệt hơn, tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, cương quyết không nhập các hàng hóa mà trong nước có thể sản xuất hoặc các hàng hóa xa xỉ, đảm bảo nhập siêu không vượt quá mức năm 2010, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu.

Một số chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2011


- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7 - 7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010, giảm nhập siêu xuống dưới 20%.

- Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; Tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5,5%.

- Tăng giá tiêu dùng khoảng 7%.

- Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%

- Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%o.

- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; riêng 63 huyện nghèo giảm 4%. Năm 2011 có khoảng 4% xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống khoảng 17,3%.

- Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người: 19 m2.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 86%.

- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 78%.

V.A