Xuất bản tập thơ Xuân Quỳnh song ngữ Việt-Pháp
Văn hóa - Ngày đăng : 10:55, 20/10/2010
Bìa tập thơ song ngữ Việt-Pháp. (Nguồn: TT&VH) |
Tuyển tập 32 bài thơ của nữ sỹ Xuân Quỳnh (1942-1988) vừa được dịch và in song ngữ Việt-Pháp với một tiêu đề lạ "Nếu ngày mai... Si demain..." Tiêu đề này là từ câu thơ “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” của Xuân Quỳnh.
Trong 32 bài có bài thơ đầu tay "Chồi biếc," có bài thơ cuối cùng "Thời gian trắng" và những bài thơ quen thuộc như "Thuyền và biển," "Sóng," "Thơ tình cuối mùa Thu," "Tự hát."
Dịch giả tập thơ, Nguyễn Minh Phương, cho biết cô từng dịch bài của một số nhà thơ khác như Nguyễn Duy, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Trương Nam Hương, Đỗ Trung Lai, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh.
Đến với thơ Xuân Quỳnh vào cuối năm 2009, lúc đầu Minh Phương chỉ định chọn dịch một số bài đăng trên báo nhưng rồi cô nhận thấy thật khó chọn vì thích nhiều bài quá. Vì vậy cô nảy ra ý định dịch hẳn một tuyển tập nhỏ thơ Xuân Quỳnh và kết quả là "Nếu ngày mai... Si demain..." ra đời hôm nay.
Bản dịch của Minh Phương đã được sự hiệu đính nhà giáo Đặng Trần Thường và một người Pháp là Pierre Montagu.
Em ruột của nhà thơ Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ, đã cung cấp cho Minh Phương nhiều tài liệu về cuộc đời và tác phẩm của Xuân Quỳnh, cũng như giúp cô liên hệ với con trai của nhà thơ để xin phép bản quyền dịch và xuất bản. Bản thảo đã được Pierre Enckell, nhà báo và nhà ngôn ngữ học Pháp, nhận đọc và viết lời tựa rất tinh tế.
Công ty Telecom Technology Consultant International (TTCI) đã tài trợ để tập thơ được in ra ở Nhà xuất bản Thế ciới với số lượng 500 bản, trong đó TTCI lấy 200 bản mang sang Pháp tiêu thụ.
Tập thơ "Nếu ngày mai... Si demain..." là một nỗ lực cá nhân đáng quý góp cho việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Nhà báo, nhà ngôn ngữ Pierre Enckell: Xuân Quỳnh nói tất cả và không nói gì cả Sau khi đã đọc hết cả tập thơ, cần phải quay lại bản tiểu sử ở cuối sách để nắm được bản chất nghệ thuật của Xuân Quỳnh. Tiểu sử cho biết, từ năm 13 tuổi bà đã vào học ở trường múa. Phải hiểu điều này rộng hơn. Những bài thơ của bà múa. Nhưng múa là nhịp điệu, là âm nhạc, là... Vâng, tôi hiểu. Nhịp điệu của câu thơ không còn giữ nguyên qua bản dịch tiếng Pháp và âm nhạc của các từ cũng bị biến đổi. Nhưng điều đáng chú ý hơn là những đặc điểm đó được truyền đạt ở đây hết sức rõ ràng, gợi ra được cái chuyển động của vũ công, cái âu yếm, thuần khiết của nhạc công và sự duyên dáng của cả hai. Ta hãy triển khai phép loại suy này thêm chút nữa. Ở đây không có đại cảnh, cũng chẳng có dàn nhạc lớn. Chỉ những cử chỉ mức độ, một tuyến giai điệu thuần túy, không có gì thái quá. Cái khó nhất, đó là đạt tới tính giản dị. Bao nhiêu điệu bộ cho bằng một cái chớp mắt? Xuân Quỳnh nói gì? Nói tất cả và không nói gì cả. Không có gì gây ấn tượng mạnh, nhưng có đủ các gam màu cảm xúc trữ tình. Tôi vui, tôi buồn. Tôi yếu đuối, tôi mạnh mẽ. Tôi bực tức, tôi vui sướng. Tôi yêu anh, tôi được anh yêu. Tôi hoài niệm. Tôi mơ. Tôi sống. Những nhà thơ lớn nhất cũng hiếm khi nói điều khác. Từ tất cả những cái đó, các dịch giả đem lại cho chúng ta một tiếng vọng. Do không biết được thứ tiếng của Xuân Quỳnh, nên chúng ta, những độc giả tiếng Pháp, nhờ họ mà có khả năng đến gần được những bài thơ này và đoán ra sự quyến rũ của chúng. Họ đáng được cám ơn về điều đó. Ngân Xuyên(dịch từ bài tựa của Pierre Enckell) |