“Vết thương” trong quan hệ Trung - Nhật
Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 20/10/2010
Đây không phải lần đầu tiên quan hệ giữa hai quốc gia này bị thử thách trước sóng gió do liên quan đến quyền và lợi ích trên biển Hoa Đông. Nguyên nhân sâu xa châm ngòi cho căng thẳng mới những ngày qua bắt nguồn từ vụ va chạm trên biển Hoa Đông ngày 7-9 giữa tàu đánh cá Mân Tấn 5179 (Trung Quốc) với hai tàu tuần tra Yonakuni và Mizuki của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG). Tokyo đã trả tự do cho toàn bộ 14 ngư dân cùng thuyền trưởng tàu cá Chiêm Kỳ Hùng từ cuối tháng 9 vừa qua, nhưng xem ra động thái trên chưa đủ để hạ nhiệt căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ngược lại cuộc khẩu chiến đã vượt ra khỏi khuôn khổ những ngôn từ ngoại giao khi có sự can dự của người dân hai nước.
Cùng với việc hoãn kế hoạch tổ chức "Tuần lễ Nhật Bản tại tỉnh Hà Nam" (Trung Quốc) dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 31-10, tuần qua hơn 2.000 người dân tại thủ phủ Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên đã giương cao cờ và biểu ngữ kêu gọi "bảo vệ chủ quyền Điếu Ngư". Những người quá khích còn tấn công và gây thiệt hại cho một cửa hàng thuộc chuỗi bán lẻ Ito-Yokado của Nhật Bản. Cùng với đó, hàng nghìn sinh viên đại học ở Thiểm Tây và một số tỉnh khác của Trung Quốc cũng xuống đường tuần hành và hô vang khẩu hiệu "Điếu Ngư là của Trung Quốc" và "tẩy chay hàng hóa Nhật Bản".
Đáp lại cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản được cho là lớn nhất kể từ năm 2005 đến nay của Trung Quốc, hàng nghìn người dân Nhật Bản cũng tập trung tại công viên ở Tokyo biểu tình phản đối việc Trung Quốc chiếm quần đảo Senkaku. Tổ chức Nippon Foundation của Nhật Bản cũng vừa quyết định hủy một chương trình thúc đẩy giao lưu quân sự giữa các sỹ quan cấp tá nước này với Trung Quốc. Một số người cho rằng, lâu nay Nhật Bản đã tăng khoản viện trợ ODA để kinh tế Trung Quốc phát triển, nhưng Trung Quốc lại sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường tiềm lực quân sự khi đòi Nhật Bản trao trả quần đảo Senkaku và Okinawa.
Sự kiện tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt giữ trên biển Hoa Đông cũng như một loạt cuộc biểu tình tuần qua không chỉ là "sự cố" đáng tiếc trong quan hệ Trung-Nhật, mà đang là câu chuyện thời sự nóng hổi trên bàn nghị sự của hai nước. Trong bối cảnh uy tín sụt giảm nghiêm trọng hiện nay. Thủ tướng Naoto Kan đang nỗ lực giải quyết "vấn đề Senkaku" để ghi điểm trước cử tri Nhật Bản khi áp lực tăng trưởng đang đè nặng lên nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Ngược lại Trung Quốc muốn giải quyết "vấn đề Điếu Ngư" không chỉ để bảo vệ người dân, lợi ích quốc gia mà còn cho thấy chủ quyền biển đảo đang là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia có lợi ích liên quan trong khu vực và trên thế giới hiện nay.
Như vậy không có nghĩa Trung-Nhật đang sẵn sàng hy sinh quan hệ đối tác. Nhận định này có cơ sở khi Thủ tướng Naoto Kan một mặt kêu gọi Trung Quốc bảo đảm an toàn cho các công dân, công ty của Nhật Bản đang làm ăn tại Trung Quốc sau các cuộc biểu tình vừa qua, mặt khác vẫn tái khẳng định tầm quan trọng của tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc lại kêu gọi người biểu tình tôn trọng luật pháp, nhấn mạnh Trung Quốc chủ trương giải quyết các vấn đề với Nhật Bản "thông qua đối thoại và nỗ lực chung nhằm bảo đảm quan hệ song phương chiến lược cùng có lợi".
Vụ va chạm trên biển Hoa Đông cùng một loạt cuộc biểu tình rầm rộ tuần qua tuy không gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, nhưng đang tạo "vết thương" trong quan hệ Trung-Nhật và có thể gây nhức nhối bất cứ lúc nào nếu hai bên không quyết tâm điều trị triệt để. Một trong những liều thuốc được cho là hữu hiệu để làm lành "vết thương" này là xây dựng lòng tin. Mối quan hệ đối tác cùng có lợi Trung-Nhật chỉ có thể phát triển vững chắc khi nó được xây dựng trên nền tảng niềm tin của cả hai bên.