Đổi mới trong kiểm tra đột xuất

Đời sống - Ngày đăng : 07:57, 19/10/2010

(HNM) - Từ tháng 10 này, đoàn kiểm tra đột xuất công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra theo phương pháp mới:


- Việc kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC đã được tiến hành liên tục trong thời gian qua, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện của các đơn vị cũng như hiệu quả của việc kiểm tra đột xuất?


Giao dịch tại bộ phận “một cửa” - “một cửa liên thông” của thị xã Sơn Tây. Ảnh: B.H

- Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của QH, thành phố đã có chủ trương kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC thông qua bộ phận "một cửa" của các đơn vị hành chính trên địa bàn. Do đó, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của thành phố cùng các cơ quan, ban, ngành có liên quan thành lập đoàn kiểm tra đột xuất nhằm đánh giá đúng thực trạng một cách khách quan nhất hoạt động CCHC. Tính đến nay, đoàn đã kiểm tra 50 đơn vị, kết quả sơ bộ cho thấy, các cấp, các ngành, các đơn vị được kiểm tra đều có sự chuyển biến, tổ chức rút kinh nghiệm, điển hình như huyện Từ Liêm, phường Thành Công (Ba Đình)... Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ lãnh đạo các bộ phận, cơ quan đã có chuyển biến tốt hơn, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng về mặt nhân sự cũng như cơ sở vật chất của bộ phận "một cửa". Bản thân các cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận "một cửa" cũng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình. Nhìn chung mặt bằng CCHC trên địa bàn TP Hà Nội chuyển biến khá đồng đều.

- Dù đã có những hiệu quả nhất định, song đoàn vẫn quyết định triển khai phương pháp kiểm tra mới. Ông có thể nói rõ hơn về quy trình và ưu điểm của phương pháp này?

- Hiện tại, Hà Nội có 29 quận, huyện, thị xã với 577 xã, phường, thị trấn. Nếu thực hiện kiểm tra mỗi lần một đơn vị và chỉ họp rút kinh nghiệm cho riêng đơn vị đó như trước đây thì không thể đi hết 100% các đơn vị. Hơn nữa, dù thời gian qua, cán bộ đoàn kiểm tra đã đi nhiều, hướng dẫn cụ thể nhưng chỉ đơn vị được kiểm tra rút kinh nghiệm còn về cơ bản các đơn vị khác vẫn mắc lỗi giống nhau. Theo cách làm mới, chúng tôi chia 29 quận, huyện, thị xã thành 4 cụm gồm những nơi có những điểm tương đồng về kinh tế - xã hội (mỗi cụm có từ 5 đến 9 đơn vị). Thời gian kiểm tra sẽ kéo dài hơn trước đây. Đoàn sẽ dành cả buổi sáng để kiểm tra kỹ các nội dung liên quan đến công tác giải quyết TTHC tại một đơn vị, rồi buổi chiều đoàn mời toàn bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách bộ phận "một cửa" các đơn vị trong cụm cùng dự họp để về rút kinh nghiệm chung, từ đó triển khai tại đơn vị mình cho đúng.

Trước mắt, kế hoạch này sẽ được triển khai với dự tính 2 đơn vị/tháng. Như vậy, sẽ không mất nhiều thời gian để quán triệt, rút kinh nghiệm chung cho tất cả các đơn vị. Tần suất đi sẽ thưa hơn nhưng chắc chắn hiệu quả kiểm tra cao hơn. Cuối năm, đoàn sẽ báo cáo thành phố kết quả và đề xuất phương hướng triển khai trong năm 2011. Việc đổi mới này là bước chuyển biến tốt hơn cả về quy trình và cách làm.

- Mới đây, đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất đơn vị đầu tiên theo cách làm mới, ông đánh giá thế nào về kết quả của buổi "ra quân"?


- Xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) là đơn vị đầu tiên đoàn thực hiện kiểm tra, rút kinh nghiệm theo cách mới. 7/8 lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của các đơn vị trong cụm 1 đã đến dự cho thấy sự nghiêm túc chấp hành của các đơn vị. Họ đánh giá cao cách làm mới này. Tại đây, đại diện các đơn vị có thể học hỏi kinh nghiệm triển khai và thẳng thắn nêu ra các vướng mắc trong quá trình thực hiện để cùng tháo gỡ với sự hướng dẫn của chuyên viên trong các lĩnh vực tư pháp; thanh tra; CCHC; phòng, chống tham nhũng...

- Hậu kiểm là cách làm được đoàn tiến hành trong thời gian qua và đã mang lại hiệu quả. Với cách "kiểm tra đại diện vùng", đoàn có tiếp tục duy trì hậu kiểm không, thưa ông?

- Việc thực hiện cơ chế "một cửa" đáng lẽ các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện từ lâu chứ không thể trông chờ khi nào đoàn kiểm tra đến nhắc nhở mới tiếp thu, sửa sai. Mỗi đơn vị phải có ý thức thực hiện nghiêm các quy định của trung ương và thành phố, học hỏi các đơn vị làm tốt và rút kinh nghiệm cho chính đơn vị mình từ lỗi sai của các đơn vị khác. Đồng thời, các cấp trên trực tiếp phải tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện đồng bộ cho tất cả các đơn vị trên địa bàn thì việc triển khai nghiêm túc công tác CCHC mới đều khắp và thu được hiệu quả cao. Đoàn sẽ tiếp tục duy trì việc hậu kiểm và với những đơn vị đã tham dự họp rút kinh nghiệm của cụm mà vẫn thực hiện không nghiêm túc, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố xem xét, có hình thức xử lý phù hợp.

29 quận, huyện, thị xã của thành phố được chia thành 4 cụm là: cụm 1 gồm các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất, Từ Liêm và thị xã Sơn Tây; cụm 2 gồm các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Trì; cụm 3 gồm các huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm và quận Long Biên; cụm 4 gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông.

Hiền Chi