Tấm lòng của Thủ đô với đồng bào vùng lũ

Chính trị - Ngày đăng : 07:33, 19/10/2010

(HNM)- Lũ chồng lên lũ, những cơn hồng thủy liên tiếp diễn ra, gây nên biết bao thảm cảnh cho đồng bào các tỉnh miền Trung. Cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, ngay sau khi kết thúc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hai đoàn công tác của TP Hà Nội đã về thăm, sẻ chia, động viên, giúp đỡ bà con vượt qua hoạn nạn...


Vượt lũ đến với đồng bào


Đoàn cán bộ thành phố Hà Nội tặng quà cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tỉnh Quảng Trị.
Ảnh: Kiều Oanh

Trong lúc Thủ đô Hà Nội và cả nước đang náo nức đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì mưa lũ ập xuống khúc ruột miền Trung. Với tinh thần "tương thân tương ái", cả nước đã hướng về đồng bào miền Trung, sẻ chia từ vật chất cho tới tinh thần. Một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong nhiều việc làm thiết thực được thành phố triển khai ngay trong dịp Đại lễ là Thường trực Thành ủy Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn như kế hoạch, dành toàn bộ kinh phí 5 tỷ đồng gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai. Ngay sau khi có quyết định của Thành ủy một ngày, hai đoàn cứu trợ, một đoàn do đồng chí Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội dẫn đầu và một đoàn do Chủ tịch UB MTTQ TP Đào Văn Bình dẫn đầu đã về thăm, tặng quà bà con ở 4 trong 5 tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Đây là hành động thiết thực thể hiện sâu sắc tình cảm và trách nhiệm của nhân dân Thủ đô đối với đồng bào miền Trung ruột thịt.

Được đi cùng lãnh đạo thành phố trong chuyến cứu trợ đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị, tôi mới thấm thía hết nỗi vất vả mà bà con vùng lũ phải gánh chịu, cũng như hiểu rõ giá trị của sự sẻ chia trong cơn hoạn nạn. Nơi đoàn đến thăm là những hộ dân sinh sống ven con sông Hiếu và sông Thạch Hãn (ở tỉnh Quảng Trị), các hộ dân sống ven sông Ngự Hàn (ở TP Huế). Đây là những con sông thường ngày thật yên bình, nên thơ, cũng là niềm tự hào về vẻ đẹp quê hương của người dân nơi đây. Vậy mà khi lũ đến, nước sông tràn lên cao hàng mét, nhấn chìm nhà cửa của hàng nghìn hộ dân quanh vùng. Nhiều gia đình vốn đã khó khăn, nay lại càng lâm vào tình trạng bi đát hơn bởi nguồn thu nhập từ ruộng vườn, chăn nuôi đều bị nước cuốn đi.

Sau khi thăm những hộ dân sống ven sông bị ngập nặng, hai đoàn công tác của TP Hà Nội đã đến thăm, tìm hiểu đời sống nhân dân ở các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh); huyện Hương Trà, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế); Đông Hà (Quảng Trị)... Đây là những vùng địa hình trũng, trong mưa lũ đời sống nhân dân cực kỳ khốn khó. Xắn quần lội bùn, lội nước đến với bà con vùng lũ, lãnh đạo TP Hà Nội cùng đoàn công tác không chỉ đem tiền mặt, lương thực, giúp đồng bào khắc phục hoàn cảnh khó khăn trước mắt, mà còn khiến bà con thêm ấm lòng bởi sự cảm thông chia sẻ sâu sắc của cán bộ và nhân dân Thủ đô. Đó là sự cổ vũ, động viên thiết thực nhất, để người dân vùng lũ thêm ý chí, nghị lực đứng dậy sau những mất mát.

Chia sẻ nghĩa tình

Khi chúng tôi đến, là lúc gia đình bà Phạm Thị Thơi, 77 tuổi (ở khu phố 5, phường Đông Lễ, TP Đông Hà) vừa tránh lũ về. Nhìn mảnh vườn khoảng 50m2 chuyên canh rau màu, nguồn thu nhập chính của gia đình đã tan hoang, bà Thơi bộc bạch: "Bây giờ chúng tôi chỉ biết trông đợi vào sự hảo tâm của mọi người, chứ chưa biết lấy gì để tiếp tục sinh sống".

500 nghìn đồng tiền mặt, 5kg gạo, 1 chiếc chăn cho mỗi phần quà gửi tới các hộ đặc biệt khó khăn trong vùng, nhỏ thôi nhưng lại vô cùng thiết thực đối với bà con trong cơn hoạn nạn. Tại khu phố 3, phường Đông Giang, TP Đông Hà, khi tất cả tài sản lớn bé của gia đình đã bị lũ cuốn trôi hết, bà Nguyễn Thị Huệ đã bật khóc, nghẹn ngào nói lời cảm ơn cán bộ và nhân dân Thủ đô khi nhận những phần quà đầy ý nghĩa. Niềm xúc động ấy "lây" sang những người xung quanh. Ông Hoàng Đức Đáo, Chủ tịch MTTQ phường Đông Giang cho biết, trận lụt vừa qua gây thiệt hại cho bà con trong phường trên 3,5 tỷ đồng, đây là con số rất lớn với địa phương. Song, đáng ngại hơn là tại mảnh đất Quảng Trị một thời khói lửa hiện đang còn rất nhiều người già neo đơn chống chọi với mưa lũ trong sự thiếu thốn trăm bề. Cụ Nguyễn Thị Cặn (80 tuổi) ở khu phố 8, phường Đông Lễ là một ví dụ. Cụ bảo, từ ngày chồng cụ đi tập kết, cụ quen sống lay lắt một mình. Vừa rồi ngập lụt lưng nhà, cụ được chính quyền bố trí đưa sang nhà một người dân ở nhờ và chăm lo ăn uống. Ông Phạm Vĩnh, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã có hai trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, nhưng luôn bị quá tải. Cảm thông trước sự hy sinh, cũng như nỗi cực nhọc của các cụ già neo đơn ở nơi đây, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình gợi ý lãnh đạo MTTQ tỉnh lên danh sách các trường hợp như cụ Cặn, gửi ra Thủ đô để thành phố có phương án đề xuất, hỗ trợ việc chăm lo các cụ...

Trong khi Quảng Trị gồng mình trong cơn lũ, thì tại nhiều huyện, thị, xã, phường của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình - nơi đoàn cứu trợ của TP Hà Nội đến thăm, hoàn cảnh của người dân cũng bi đát không kém. Cách trung tâm TP Huế thơ mộng không xa, khi lũ về, cuộc sống của người dân các huyện Quảng Điền và Hương Trà trở nên vô cùng khó khăn. Bởi đây là vùng trũng nên thiệt hại rất nặng nề. Anh Dương Minh Phú, xã Thanh Lương 1, huyện Hương Trà cho biết, mưa lũ đã cướp đi toàn bộ số hoa mầu, gia súc, gia cầm của gia đình anh và người dân nơi đây, khiến anh và mọi người phải đi làm thuê lấy tiền rau cháo qua ngày...

Khó mà có thể kể hết nỗi cơ cực mà đồng bào ở các vùng bị mưa lũ đã và đang phải gánh chịu, song tấm lòng của nhân dân Hà Nội và cả nước đã động viên đồng bào vững tin, bước qua thử thách, khó khăn trước mắt, phấn đấu vươn lên từ trong khốn khó. Ngay trong những ngày này, những chuyến hàng cứu trợ và tấm lòng của nhân dân Thủ đô vẫn đang liên tục đến với khúc ruột miền Trung, sẻ chia đắng cay, mặn nồng tình nghĩa.

Linh Nhi