Đã có 54 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ
Đời sống - Ngày đăng : 19:46, 18/10/2010
Ngập lụt tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Theo thống kê ban đầu của các địa phương, tính đến 19 giờ ngày 17/10, mưa lũ đã làm 30 người chết, trong đó tỉnh Nghệ An có 12 người, Hà Tĩnh có 13 người, Quảng Bình có 5 người.
Ngoài ra, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông; 1 người mất tích tại Quảng Bình đang được xác minh.
Đặc biệt, sáng 18/10, một chiếc ôtô khách chở 37 người đã bị trôi tại khu vực Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, lực lượng chức năng đã cứu được 17 người, còn 20 người vẫn bị mất tích.
Chiều 18/10, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ các tỉnh miền Trung và công tác đối phó với bão Megi.
Bão Megi đã đi vào phía Đông đảo Luzon (Philippines). Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Như vậy khoảng tối và đêm nay (18/8) bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400km.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ nhân dân vùng lũ, thăm hỏi các gia đình người bị nạn, đồng thời chủ động đối phó với bão Megi, bởi đây là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, bão di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp.
Các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa phải hết sức cảnh giác để triển khai ứng phó phù hợp bởi hiện nay vẫn chưa thể xác định được khu vực đổ bộ trực tiếp của cơn bão Megi.
Các cơ quan chức năng cần thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về tình hình dướng đi của bão để di chuyển đến nơi an toàn. Đối với các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tùy theo diễn biến của bão, chính quyền địa phương quyết định việc cấm biển cho phù hợp. Tuyệt đối không để cho tàu thuyền ở lại trong vùng tâm bão, kể cả đã trú ẩn ở các đảo.
Để chủ động đối phó với bão Megi, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chuẩn bị ngay phương án sơ tán dân một cách chi tiết cụ thể. Các địa phương phải tiến hành việc chặt cây tỉa cành cây, chuẩn bị chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở y tế...
Tại các khu neo đậu tàu thuyền phải bố trí lực lượng hướng dẫn chi tiết việc neo đậu đúng kỹ thuật, tránh va đập làm vỡ tàu và chìm ở nơi neo đậu, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển.
Các địa phương chủ động chuẩn bị ngay các loại vật tư, máy móc, dự phòng như máy phát điện, bộ đàm, xe chuyên dụng có thể đi lại được trong bão nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo đối phó với bão được thông suốt. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng phát sóng đưa tin thường xuyên mọi diễn biến của bão đến tận người dân.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm qua (17/10), lũ trên sông La tại Linh Cảm đã đạt đỉnh là 7,28m và đang dao động ở mức cao. Lũ trên các sông ở Nghệ An đang lên; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình đang xuống.
Dự báo lũ trên các sông ở Nghệ An tiếp tục lên; hạ lưu sông La xuống chậm và duy trì ở mức cao; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống.
Chiều nay (18/10), tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở các lưu vực sông từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục diễn ra nghiêm trọng./.