Huy động tối đa mọi nguồn lực ứng phó với mưa lũ
Đời sống - Ngày đăng : 14:32, 18/10/2010
Lực lượng cứu hộ tiếp cận người dân vùng bị ngập lụt tại Lệ Thủy, Quảng Bình |
Nhiều bộ, ngành vào cuộc
Để hỗ trợ các tỉnh miền Trung ứng phó với mưa to, lũ lớn đang diễn biến phức tạp, ngày 16/10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với mưa, lũ tại tỉnh Hà Tĩnh; đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực tiếp kiểm tra mức độ an toàn hồ Kẻ Gỗ và các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập đoàn công tác do Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn, phối hợp với các cơ quan chức năng đến huyện Hương Khê ứng phó với tình hình lũ lụt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cấp phát thuốc cloramine B cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo cấp thuốc, áo phao, phao tròn, nhà bạt cho các tỉnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chiến dịch “Tháng nhắn tin ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung” qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1405. Theo đó, tất cả người dân chỉ cần soạn tin nhắn “UH” gửi về số 1405 là đã đóng góp 5.000 đồng cho đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề trong hai đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến với các đài khu vực và Trung tâm các tỉnh để nhận định về diễn biến mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Sơ tán hàng trăm nghìn dân
Tính đến 15h ngày 17/10, Hà Tĩnh đã huy động 40 xuồng cao tốc và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ, sơ tán đến nơi an toàn được 17.000 hộ (68.000 người).
Cứu trợ đồng bào vùng lũ tại Hà Tĩnh - Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Tối 17/10, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, xã vùng lũ sáng 18/10 cấp ngay 50 tấn mì ăn liền, lương khô, hàng ngàn thùng nước đóng chai cho nhân dân vùng lũ.
Trao đổi với PV Cổng TT ĐT Chính phủ, ông Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, do lũ lớn, kèm nước biển dâng nên thị xã Cửa lò bị ngập sâu tới 1,5m nước, 9 xã ngoài đê của khu vực Nam Đàn cũng bị ngập tới nóc nhà.
Đê Sông Lam tại xã Nam Hưng có nguy cơ vỡ, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo di dời được 700 hộ với hơn 1.000 người đến nơi an toàn. Ngay trong đêm qua (17/10), các lực lượng hộ đê đã xử lý an toàn tránh vỡ đê tại xã Nam Hưng.
Tỉnh Nghệ An huy động lực lượng tại chỗ để cứu trợ đồng bào vùng lũ quyết không để người dân nào bị thiếu đói do mưa lũ gây nên.
Tại Quảng Bình, ông Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết mấy ngày qua, tỉnh chưa kịp khắc phục xong hậu quả cơn lũ lịch sử đầu tháng 10 nay lại phải hứng chịu một trận lũ nữa, những gì mà bà con vùng lũ nhận được từ công tác cứu trợ đã bị trôi theo dòng nước.
Rút kinh nghiệm cơn lũ trước, tỉnh đã huy động kịp thời các phương tiện thủy di dời nhanh bà con ra khỏi khu vực nguy hiểm nên hạn chế được mất mát về người.
Tính đến 18h ngày 17/10, tỉnh Quảng Bình, đã sơ tán đến nơi an toàn được 10.626 hộ (47.997 người) với sự trợ giúp của 30 xuồng, ca nô, hàng chục xe các loại, 300 cán bộ, chiến sỹ, 200 đoàn viên thanh niên…
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết đã có 20 người chết, trong đó Nghệ An 8 người, Hà Tĩnh 10 người, Quảng Bình 2 người. Ngoài ra, tại Thừa Thiên Huế, có 1 người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông. Ngoài ra, vẫn chưa xác minh được danh tính của 1 người mất tích tại Quảng Bình.
Trên 152 nghìn ngôi nhà đang bị ngập, trong đó hơn một nửa là tại Hà Tĩnh.
Tuyến đường sắt Bắc Nam đang bị ngập tại 14 điểm (Quảng Bình 2 điểm, Hà Tĩnh 12 điểm). Ngành đường sắt phải tăng bo khách đoạn từ Vinh đến Đồng Hới.
Sáng 18/10, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh Nguyễn Trân cho biết quốc lộ IA đoạn từ thị xã Hồng Lĩnh đến Đèo Ngang qua Quảng Bình đã thông xe.
Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã thông xe.
Mưa chuyển dịch ra phía Nghệ An và Thanh Hóa
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 17/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to.
Từ 13 giờ, lượng mưa từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã giảm, mưa lớn chuyển dịch ra phía Nghệ An và Nam Thanh Hóa. Lượng mưa phổ biến ở mức 150 - 250mm. Một số nơi mưa rất to như Nam Đàn 567mm, Hòn Ngư: 523mm…
Đêm ngày 17, rạng sáng ngày 18, mưa đã giảm, từ tỉnh Hà Tĩnh trở vào mưa nhỏ, từ phía Nam Thanh Hóa đến Nam Nghệ An có mưa vừa, một số nơi còn mưa to.
Vì vậy, lũ trên các sông ở Nghệ An đang lên, các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đang xuống.
Ảnh vị trí và đường đi cơn bão của cơn bão Megi - Ảnh: nchmf.gov.vn |
Chiều tối nay, siêu bão đi vào Biển Đông
Về tình hình cơn bão Megi, hồi 7 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 123,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 - 221 km một giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Như vậy khoảng chiều tối và đêm nay (18/8) bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Biển động dữ dội.