Xử lý chưa nghiêm, nguồn lực đầu tư hạn chế
Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 18/10/2010
Từ khi triển khai "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) LVS Nhuệ-Đáy đến năm 2020" đến nay, các nguồn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm vào LVS đã giảm. Song, do năng lực quản lý còn yếu, nguồn lực đầu tư hạn chế, nhất là sự phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa đồng bộ, dẫn đến sự suy thoái môi trường LVS ngày càng nghiêm trọng.
Tiếp nhận 3,8 triệu mét khối nước thải/ngày
LVS Nhuệ-Đáy có diện tích tự nhiên 7.665km2, chảy qua địa phận 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình. Tại hội nghị về BVMT LVS Nhuệ-Đáy vừa được tổ chức tại Nam Định, TS Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, trung bình mỗi ngày, LVS Nhuệ-Đáy phải tiếp nhận khoảng 3,8 triệu mét khối nước thải các loại. Trong đó, có khoảng 2,55 triệu mét khối nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi, 610.000 m3 nước thải sinh hoạt, 636.000m3 nước thải công nghiệp, hơn 15.000m3 nước thải bệnh viện. Trong tổng số 3,8 triệu mét khối nói trên, riêng lượng nước xả thải của Hà Nội đã chiếm 48,8%. Đứng thứ hai là Nam Định với 17,8%, tiếp đó là Hà Nam với 15%...
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy gia tăng ô nhiễm. |
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, hiện nay trên LVS Nhuệ-Đáy có hơn 4.000 doanh nghiệp ở trong 8 khu công nghiệp-cụm công nghiệp (KCN-CCN), 266 cơ sở ngoài KCN-CCN, hơn 450 làng nghề. Hoạt động sản xuất của các cơ sở này đang phát sinh nhiều chất thải. Trong khi đó, nước thải sinh hoạt của hơn 10 triệu cư dân không được xử lý đều đổ thẳng vào các sông hồ trong lưu vực. Đây là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng ô nhiễm. Kết quả khảo sát và quan trắc cho thấy, nguồn nước tại hai dòng sông trên không thể dùng để tưới tiêu cho nông nghiệp. Hàng chục kênh mương trên hệ thống sông đã biến thành dòng nước chết, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Sản lượng nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá bè trên sông đã bị giảm do ô nhiễm nguồn nước mặt...
Không thể hô hào suông
Vấn đề BVMT LVS Nhuệ-Đáy đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các tỉnh, thành phố nằm trong LVS đưa ra từ lâu. Chính phủ đã có đề án tổng thể BVMT sông Nhuệ-Đáy đến năm 2020. Ủy ban BVMT LVS Nhuệ-Đáy cũng được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2009. Tuy nhiên, như thừa nhận của các cơ quan chức năng, vấn đề "cứu" sông Nhuệ-Đáy là rất cấp bách nhưng vô cùng khó khăn.
Theo đại diện của Tổng cục Môi trường, năng lực của cơ quan quản lý về môi trường tại các tỉnh, thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về sự gia tăng ô nhiễm. Các địa phương chưa thống kê, kiểm soát được đầy đủ nguồn thải thuộc địa bàn, vì vậy chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong giám sát, quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT chưa triệt để. Cũng cần nói thêm rằng, một số dự án quan trọng thuộc đề án như đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; quy hoạch và xây dựng bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn; xử lý nước thải bệnh viện; cải tạo những đoạn sông bị ô nhiễm nặng, nạo vét, khơi dòng những đoạn sông quan trọng, kè bờ những đoạn xung yếu... đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho việc BVMT LVS tại 5 tỉnh, thành phố chủ yếu lấy từ nguồn 1% chi ngân sách, không thể đáp ứng nổi.
Một số chuyên gia cho rằng, việc BVMT ở các sông nói trên không thể hô hào suông, mà cần phải hành động quyết liệt. Nhiệm vụ trước mắt là các tỉnh, thành phố phải chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đổ rác thải, phế liệu bừa bãi, lấn chiếm dòng sông nhằm ổn định dòng chảy phù hợp với quy luật tự nhiên và hệ thống công trình thủy lợi dọc hai bờ sông. Về lâu dài, cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến vào hoạt động BVMT lưu vực hai dòng sông này.
Ủy ban BVMT LVS Nhuệ-Đáy được thành lập ngày 31-8-2009, gồm 18 thành viên là đại diện lãnh đạo các Bộ liên quan và UBND 5 tỉnh, thành phố. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hai đoàn thanh tra, kiểm tra công tác BVMT tại 135 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực sông, đã xử lý 101 cơ sở vi phạm Luật BVMT với tổng mức phạt 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay 5 tỉnh và thành phố vẫn chưa xử lý dứt điểm 16 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc danh mục theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |