Mấu chốt là liên kết “4 nhà”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 18/10/2010
Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp cùng với các đơn vị của Sở NN&PTNT triển khai mô hình NTTS an toàn tập trung ở xã Đông Mỹ (Thanh Trì), sau hơn một năm triển khai, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm sạch. Tuy nhiên, điều mấu chốt để phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình vẫn là ở sự chặt chẽ của mối liên kết "4 nhà".
Niềm vui được mùa cá ở Đông Mỹ. |
Năng suất cao gấp hai lần
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Hiện nay, Hà Nội có hơn 18.000ha NTTS, năng suất bình quân mới đạt từ 4-5 tấn/ha, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Từ tháng 4- 2010, Trung tâm đã xây dựng mô hình NTTS an toàn tập trung với diện tích 80ha ở xã Đông Mỹ (Thanh Trì), mô hình thành công sẽ nhân rộng ra các huyện có tiềm năng NTTS lớn như Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa… Để mô hình đạt năng suất, hiệu quả cao, Trung tâm đã ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu NTTS I, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Công ty Công nghệ hóa sinh Việt Nam kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa môi trường nuôi, giám sát cảnh báo dịch bệnh, kiểm định chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và hướng dẫn, cung ứng chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi; đồng thời tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật nuôi cá theo quy trình nuôi an toàn, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành, nắm vững từng chu kỳ sản xuất... Bên cạnh đó, bố trí cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ làm đúng quy trình kỹ thuật, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có yêu cầu. Hiện nay, nông dân đã vào vụ thu hoạch, năng suất ước đạt 10 tấn/ha, giá trị đạt 200-250 triệu đồng/ha, tăng gấp hai lần so với nuôi cá truyền thống, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khó khăn về vốn và giống, đầu ra bấp bênh
Anh Nguyễn Văn Báu, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Thủy sản Đông Mỹ cho biết, mặc dù mô hình đạt năng suất và hiệu quả rất cao, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số ít hộ chưa mạnh dạn đầu tư, kỹ thuật nuôi của người dân còn hạn chế, chưa làm tốt việc phòng bệnh và xử lý môi trường nước trong sản xuất nên sản phẩm ở một số trang trại chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Một khó khăn nữa là nhiều hộ không nuôi con giống tại chỗ mà phải nhập từ Trung Quốc nên giá thành cao, việc đầu tư cho sản xuất còn hạn chế do người nuôi thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Do đó, để mô hình nuôi thủy sản sạch cho hiệu quả cao, nông dân cần được vay vốn với chính sách ưu đãi, để mở rộng sản xuất. Các cơ quan chuyên môn cũng nên chuyển hình thức tập huấn sang đào tạo nghề chuyên sâu cho nông dân để họ nắm bắt kỹ thuật NTTS sạch một cách bài bản.
Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, điều mấu chốt để nhân rộng mô hình NTTS sạch ra các huyện khác trên địa bàn TP là ở sự liên kết chặt chẽ "4 nhà" phải rất chặt chẽ. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo, giám sát thực hiện và sự vào cuộc của các DN để hỗ trợ nông dân đầu vào và đầu ra. Các hộ nuôi cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đặc biệt là khâu xử lý môi trường nước trong và sau khi thả cá để đạt hiệu quả cao. Các đơn vị cung ứng con giống, vật tư đầu vào cho nông dân phải cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện cho nông dân được mua vật tư đúng giá, bảo đảm chất lượng và trả chậm một phần thông qua việc xây dựng các đại lý cấp I tại vùng nuôi; ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để tạo ra sự liên kết giúp nông dân ổn định sản xuất…