Góp ý kiến vào văn kiện trình Đại hội XI của Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 18/10/2010
Ông Trần Công Huyền (Cổ Nhuế - Từ Liêm):
Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai
Đất đai gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong dự thảo Báo cáo chính trị nói về tam nông mà không bàn kỹ đến đất đai, coi như chưa đề cập đến gốc của vấn đề. Từ khi Đảng lãnh đạo cách mạng thành công, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, luôn đi kèm với quyền lợi của nông dân được thể hiện rõ nhất là quyền làm chủ ruộng đất. Hiện nay, có nơi người nông dân không thiết tha với đồng ruộng. Văn kiện cần xác định rõ, đổi mới và hoàn thiện thể chế các quyền về đất đai phải xuất phát từ sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, nông dân và chủ đầu tư. Nhưng không chỉ có thế bởi thực sự hiện nay đang diễn ra một sự cải cách về ruộng đất. Diện tích đất nông nghiệp của người nông dân ngày càng bị thu hẹp do chuyển mục đích sử dụng, phục vụ đô thị hóa, có đất nhưng không thể canh tác do ô nhiễm môi trường… Vì vậy, Đảng cần lãnh đạo nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai, không những khẳng định quyền làm chủ về đất đối với các đối tượng sử dụng, mà còn xác định mức hạn điền, thời hạn sử dụng, xác định quyền quản lý như một nguồn lực có thể đầu tư vào quá trình kinh doanh để tạo sự đồng thuận xã hội, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Đình, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ):
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững chưa đủ mà còn phải phát triển đồng bộ
Tôi nhất trí với phần mở đầu của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội (2011-2020), xin bổ sung một số ý kiến: Về đánh giá những thành tựu và hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua thực hiện chiến lược 2001 - 2010. Trong phần đánh giá những hạn chế, yếu kém, theo tôi cần chỉ rõ thêm nguyên nhân do Nhà nước chưa thực hiện tốt chức năng quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như mục tiêu đề ra; đầu tư phát triển kinh tế chưa cân đối; quản lý môi trường thiếu chặt chẽ, việc kiểm tra, giám sát xử lý chưa nghiêm; công tác quản lý đất đai còn yếu; nhiều cơ chế, chính sách chậm bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng. Về quan điểm phát triển, tôi nhất trí với 5 quan điểm nêu trong dự thảo; các quan điểm này phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, quan điểm 1, không chỉ có phát triển kinh tế nhanh gắn với phát triển bền vững, mà còn phải phát triển đồng bộ. Vì muốn phát triển nhanh, nhưng không phát triển đồng bộ thì sẽ không thể phát triển bền vững được. Trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chỉ tiêu GDP đạt trên 3.000 - 3.200 USD/bình quân đầu người là quá cao vì trong 10 năm (2001 - 2010) mới đạt 1.200 USD/bình quân đầu người.
Ths. Lương Vân Hà (Học viện Ngân hàng):
Đổi mới giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH
Giáo dục - đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đưa đất nước ta tiến lên. Trong các văn kiện của Đảng tại các kỳ ĐH trước đây luôn xác định quan điểm, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo tôi, đổi mới giáo dục là vấn đề vĩ mô cần được thực hiện lâu dài và được triển khai một cách đồng bộ trên nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ, tập trung ở những vấn đề sau: Thứ nhất, cần đổi mới chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy phù hợp cho mọi bậc học, ngành học, tránh tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở lấy người học làm trung tâm từ việc áp đặt một chiều của người dạy sang sử dụng phương pháp dạy tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo học tập của người học, học gắn với hành. Thứ ba, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ nói chung; học sinh, sinh viên nói riêng trở thành những người "vừa hồng vừa chuyên".
Ngoài ra, đổi mới giáo dục - đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu CNH, HĐH cũng cần phải đổi mới cách thức quản lý giáo dục - đào tạo, có sự đầu tư thỏa đáng cho hệ thống hỗ trợ dạy và học; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo; có cơ chế, chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học giỏi nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục trong nước.