“Khát vọng Thăng Long” và “cơn khát” phim Việt

Giải trí - Ngày đăng : 08:09, 17/10/2010

(HNM) -

Cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”.


Đáng mừng, câu trả lời là "có". Bối cảnh, trang phục của "Khát vọng Thăng Long" mang đậm hồn Việt xưa vì trước hết, phim được quay hoàn toàn tại Việt Nam. Ngoại cảnh đã được góp nhặt khéo léo từ những ngọn núi, dòng sông, cánh đồng ở Ninh Bình, Hà Nội, Đắc Lắc cùng với "mẹo" quay cảnh nội, quay đêm… Tất cả đã giúp hệ thống bối cảnh theo được câu chuyện, tránh được những lỗi sơ đẳng. Màu phim ở độ tối vừa phải khiến người xem trầm trồ trước những lâu đài, thành quách đậm màu thời gian; những ngôi nhà, quán xá được phủ mái lá, vách tre, rất gần với mô tả xưa về kiến trúc Việt xinh xắn, phù hợp với khí hậu nóng ẩm quanh năm.

"Né" được những đại cảnh chiến trận nhưng nhà làm phim cũng đã làm "mãn nhãn" người xem với những cảnh phi ngựa, bắn cung thể hiện rõ vẻ uy dũng của tướng quân Lý Công Uẩn. Gần gũi nhất là hai cảnh quay liên quan đến đám trẻ cưỡi trâu, cảnh vua Lê Đại Hành cùng các hoàng tử tham gia lễ nhập đồng và cảnh Lý Công Uẩn lúc nhỏ góp phần tái hiện phần nào vùng Đồng bằng Bắc bộ cổ xưa. Một điểm cộng khác của bộ phim chính là diễn xuất ấn tượng của các diễn viên trẻ. Quách Ngọc Ngoan trong vai Lý Công Uẩn đã thể hiện rõ ưu thế về ngoại hình, phong thái và những động tác võ thuật đẹp mắt. Đình Toàn, chàng học trò của NS Thành Lộc cũng làm mọi người sửng sốt với diễn xuất "như lên đồng" của mình. Vai diễn Lê Long Đĩnh của anh hội tụ được sự tàn bạo, điên loạn, hoang mang và cũng đáng thương của kẻ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của bi kịch chính trị mang tính lịch sử.

Có thể nói về mặt hình thức, phim đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu nghe nhìn nhưng cũng vì thế mà người xem có quyền đặt ra những đòi hỏi cao hơn về nội dung phim.

Kịch bản "Khát vọng Thăng Long" tập trung khai thác cuộc đời Lý Công Uẩn trước khi đăng quang, khi những tội ác đằng sau cánh cửa cung cấm làm vỡ tan giấc mộng về một triều đại thái bình mà Lý Công Uẩn vẫn hình dung. Ông rời cung dù Long Đĩnh ra sức giữ lại… Nhưng chính sự lầm than của dân chúng đã làm cho Lý Công Uẩn phải thay đổi. Ông hiểu rằng chỉ có cách phò vua bình thiên hạ thì mới an lòng dân. Nhưng khi trở về, Lý Công Uẩn lại bị giằng xé giữa trách nhiệm với vận mệnh Quốc gia và tình yêu cá nhân… Dường như vì quá tham nhiều nội dung, lại không đủ thời gian nên kịch bản phim đã không đẩy được đến cùng kịch tính của mâu thuẫn giữa tình yêu, tình bạn, lòng trung quân, ái quốc của nhân vật Lý Công Uẩn. Đây có lẽ là tình trạng không thể nào thoát ra của khá nhiều bộ phim Việt Nam nói chung chứ chưa nói đến phim lịch sử - loại phim mà chúng ta không có nhiều kinh nghiệm. Nửa đầu phim chậm đến mức không cần thiết thì nửa sau lại lướt nhanh một cách thái quá, diễn đạt chưa tới chủ đề của bộ phim.

Phần có ý nghĩa nhất, là khi Lý Công Uẩn dời đô lại chỉ được kể bằng hình tĩnh và tiếng thuyết minh, chưa thể hiện được sự hoành tráng như tên gọi Khát vọng Thăng Long.

Và như vậy, "Khát vọng Thăng Long" bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, vẫn mang theo những nỗi băn khoăn lớn về trách nhiệm của điện ảnh Việt Nam nhằm thỏa cơn khát phim lịch sử của công chúng.

Nguyễn Trang