Sẽ tiếp tục… tầm tầm
Văn hóa - Ngày đăng : 07:54, 17/10/2010
Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV (VFC) và Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS), hai đơn vị mạnh nhất trong lĩnh vực này dù có chạy hết công suất cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, sự tham gia của các hãng tư nhân là cần thiết và phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Số tập phim tăng lên rất nhiều nhưng cũng chỉ là con số thống kê, vấn đề nằm ở chất lượng.
TFS và VFC, với bề dày kinh nghiệm cùng đội ngũ chuyên nghiệp từ đạo diễn, quay phim, họa sỹ thiết kế... nhiều năm qua đã sản xuất rất nhiều phim được khán giả yêu thích, thậm chí gây "sốt" trong khán giả, nay "bỗng dưng nhường sân" cho các đơn vị xã hội hóa. Cũng không có gì là khó hiểu. Ở góc độ kinh tế, "nhường sân" đồng nghĩa với "miếng cơm manh áo" bị san sẻ, song nhà đài phát phim của các đơn vị xã hội hóa có nhiều cái lợi: không phải bỏ tiền đầu tư (vì hợp tác với các đơn vị xã hội hóa theo phương thức đổi thời lượng quảng cáo lấy phim), có nhiều nguồn để lựa chọn. "Ngồi mát ăn bát vàng" như thế, đài nào chẳng muốn thêm "giờ vàng". Song, khi phim tư nhân "tung tác" trên sóng một thời gian thì không chỉ nhà đài mà cả khán giả cũng nhận ra sự bất cập. Làm nhanh để tiết kiệm kinh phí đã dẫn đến làm ẩu, chọn diễn viên "không có số" để bớt tiền cát xê; bối cảnh giản đơn... Và để hội đồng kiểm duyệt dễ dàng thông qua, hầu hết các đơn vị xã hội hóa làm phim giải trí với mô típ quen thuộc: tình yêu tay ba hay chuyện éo le. Khi được hỏi vì sao không đụng đến đề tài nông thôn với những rạn nứt về tâm lý, lối sống hay những vấn đề đô thị ngày hôm nay, một nhà sản xuất xã hội hóa trả lời: "Chẳng ai bỏ tiền ra để rồi lại húc đầu vào đá. Nếu hội đồng duyệt yêu cầu sửa là may, còn bị ách lại không cho phát sóng thì hãng phá sản luôn. Chúng tôi dành các phim hầm hập hơi thở cuộc sống hôm nay, các phim có vấn đề cho VFC và TFS vì tiền họ làm phim là của Nhà nước...".
Khi các nhà làm phim xã hội hóa tự kiểm duyệt mình, lại thêm hội đồng duyệt phim các đài nhiều khi sẵn sàng nhân nhượng về chất lượng nhưng lại "soi" rất kỹ phim có đề tài "nhạy cảm", mối lo "an toàn" cao hơn nhu cầu thẩm mỹ của khán giả, thì phim truyền hình Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là những tác phẩm giải trí tầm tầm với diễn viên "đèm đẹp" ăn mặc "đèm đẹp"...