Thách thức lan rộng
Thế giới - Ngày đăng : 07:35, 17/10/2010
Hoạt động của lực lượng NATO tại Afghanistan sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước sự trỗi dậy của tàn quân Taliban. |
Từ đầu năm 2010 đến nay, khi Mỹ chọn Afghanistan, chứ không phải Iraq, là "mặt trận chính" trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế thì hoạt động của Taliban ngày một dày thêm. Trước đây, các vụ tấn công của nhóm phiến quân Hồi giáo này chỉ gói gọn trong phạm vi lãnh thổ Afghanistan, nhưng nay chúng đã liều lĩnh tấn công cả vào "con đường huyết mạch" vận chuyển hậu cần cho liên quân ở Afghanistan qua Pakistan. Các vụ đánh bom đoàn xe chở dầu khi qua Pakistan của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời gian qua là một ví dụ. Chỉ trong đầu tháng 10-2010 này, Taliban đã đốt cháy hơn 100 xe chở nhiên liệu của NATO từ Pakistan chi viện cho Afghanistan.
Còn tại Afghanistan, thiệt hại của lực lượng liên quân cũng như của Chính phủ Kabul cũng đã đến mức đáng lo ngại. Chỉ riêng trong tuần qua, dư luận thế giới đã phải ngỡ ngàng về sự thiệt hại do Taliban gây ra. Ngày 12-10, tại khu vực Đông Afghanistan, gần biên giới Pakistan là nơi phiến quân Taliban hoạt động rất mạnh, một máy bay của NATO đã bị nổ từ bên trong ngay sau khi hạ cánh xuống một căn cứ quân sự nhỏ làm 2 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Cùng ngày, một số phiến quân đã bắn rocket vào khu vực Ghibi Khil thuộc tỉnh Paktika ở Đông Afghanistan, làm 6 người thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ và hai trẻ em. Ngày 10-10, 4 binh sỹ Italy thiệt mạng trong một cuộc phục kích của quân Taliban khiến Bộ trưởng Quốc phòng Italy Ignazio La Russa phải ra tuyên bố xem xét việc sẽ rút lực lượng đồn trú của nước này ở tỉnh Herat, phía Tây Afghanistan vào cuối năm 2011. Trước đó, ngày 8-10, một vụ nổ lớn tại thánh đường Shirkat ở thủ phủ Taluqan của tỉnh Takhar, miền Bắc Afghanistan, làm 15 người thiệt mạng, hơn 20 người bị thương… Bạo lực ở Afghanistan từ đầu năm đến nay đã làm hơn 1.200 dân thường thiệt mạng.
Có thể khẳng định rằng, "bài toán Taliban" trở nên quá khó trong việc tìm lời giải và đáp số. Và nó đã khiến Nhà Trắng phải "bật đèn xanh" ủng hộ nỗ lực đàm phán của Chính phủ Afghanistan nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với các phần tử Taliban. Bởi vậy mà ngày 14-10 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình, cựu Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani đã phải đề nghị NATO trợ giúp các nỗ lực hòa giải mới với Taliban bằng cách ngừng các chiến dịch quân sự tại những khu vực có thể tiến hành các cuộc đàm phán. Hay như việc vị cựu Tổng thống Afghanistan này bày tỏ hoan nghênh thiện chí của các nước láng giềng và các nước khác trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban.
Việc thành lập Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan, ngày 7-10 vừa qua, cũng là điểm mới trong chính sách của ông Hamid Karzai, vị tổng thống thân phương Tây ở Afghanistan. Theo đó, trong số 70 thành viên hội đồng, có các cựu thủ lĩnh phong trào Jihad, hai cựu tổng thống, các cựu thủ lĩnh Taliban, nhiều nghị sỹ, quan chức chính phủ và 8 phụ nữ. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về tính hiệu quả của việc Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF) cũng như Lầu Năm Góc tập trung đông binh lực cho cuộc chiến chống khủng bố ở chiến trường này. Trong một động thái liên quan, ngày 13-10, mặc dù thông qua nghị quyết gia hạn thêm 1 năm sứ mệnh của ISAF tại Afghanistan đến ngày 13-10-2011, nhưng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng phải bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc tổ chức Al Qaeda, phiến quân Taliban cùng các nhóm vũ trang khác đang tăng cường hoạt động khủng bố tại đây.
Sự thật về sự trỗi dậy của Taliban hiện nay là một thách thức đang lan rộng, gây khó khăn không chỉ với chính quyền Kabul mà còn với cả Mỹ và NATO. Trong khi đó, nội bộ quốc gia Nam Á này cũng chưa đạt được những đồng thuận cần thiết. Trong một thông báo phát đi, Ủy ban Tiếp nhận khiếu nại bầu cử của Afghanistan (ECC) cho biết đã nhận 4.149 đơn thư tố cáo gian lận và vi phạm quy định trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 18-9 vừa qua. Hơn 170 ứng cử viên trong tổng số khoảng 2.500 ứng cử viên bị cáo buộc gian lận, trong đó có 25 nghị sĩ đương chức… Dự kiến, kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội này sẽ được công bố vào ngày 30-10 tới.
Khi những vấn đề nội bộ của Afghanistan vẫn chưa yên thì thách thức hiện tại của Taliban với Kabul cũng như liên quân do Mỹ đứng đầu tại đây càng thêm nan giải.