Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An
Chính trị - Ngày đăng : 20:15, 16/10/2010
Ông Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN). |
Ngày 16/10, tại thành phố Vinh, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 450 đại biểu chính thức đại diện cho 162.600 đảng viên trong toàn đảng bộ.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, ông Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương và chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Nghệ An về những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế; đất rộng, có cả biển, đồng bằng và miền núi; tài nguyên phong phú; giao thông thuận tiện; dân số đông; nhân dân có truyền thống hiếu học, cần cù lao động, yêu nước và cách mạng. Nghệ An là quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng, của nhiều bậc hiền tài nổi tiếng, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị lãnh đạo tiền bối của Đảng.
Ông Trương Tấn Sang đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, xác định rõ những tiềm năng, lợi thế; tìm giải pháp khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để trong nhiệm kỳ tới xây dựng Đảng bộ Nghệ An thành Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; phát triển kinh tế xã hội Nghệ An nhanh, bền vững; phấn đấu, đến cuối nhiệm kỳ, Nghệ An có mức thu nhập bình quân đầu người bằng mức bình quân chung của cả nước; phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước như mong muốn của Bác Hồ trong thư gửi Đảng bộ Nghệ An ngày 21/7/1969.
Ông Trương Tấn Sang cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm làm tốt một số vấn đề. Một là tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực, các vùng; quy hoạch sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị; gắn quy hoạch phát triển của tỉnh với quy hoạch phát triển chung của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, quản lý chặt việc thực hiện quy hoạch.
Hai là tỉnh phải tạo được bước phát triển kinh tế có tính chất đột phá nhanh, hiệu quả và bền vững; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, rừng, biển để phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới; phát triển các loại rau màu, cây ăn quả có lợi thế, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến; quan tâm làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao độ che phủ của rừng. Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội.
Ba là kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực cho phát triển kinh tế; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cở sở trường, lớp, trang thiết bị dạy học, các bệnh viện, trung tâm y tế.
Bốn là tỉnh tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Năm là tỉnh tăng cường xông tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Báo cáo chính trị do ông Trần Văn Hẳng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày tại Đại hội nêu rõ trong nhiệm kỳ qua, kinh tế Nghệ An đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, sản xuất kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội không ngừng được tăng cường, nhất là giao thông, đô thị; văn hóa, xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng có tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 34,41% năm 2005 xuống còn 28,47%, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng tăng từ 29,30% lên 33,44%, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 36,29% lên 38,09% năm 2010. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 5 năm đạt trên 5,32%, đạt mục tiêu sản lượng lương thực ổn định ở mức trên 1 triệu tấn/năm, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong ngành nông nghiệp tăng từ 32% năm 2005 lên 38,6% năm 2010.
Thu ngân sách hàng năm tăng khá, dự ước năm 2010 đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Đến nay 20/20 huyện, thành thị và 460 xã có điện lưới quốc gia; tỉnh đã tạo việc làm bình quân cho 34000 người/năm; bình quân mỗi năm giảm được 12.000 đến 14.000 hộ nghèo...
Công tác chính trị, tư tưởng được tăng cường. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Sáng cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hương, hoa tại Khu di tích Kim Liên và Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh./.