Có phải do lỗi quy hoạch ?

Xã hội - Ngày đăng : 07:47, 16/10/2010

(HNM)- Nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh đang lún nhanh và không có dấu hiệu dừng lại. Trong 116 tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường thì có 79 tuyến đường bị ảnh hưởng do lún mặt đất... Đây là kết quả của


Lún đến 50cm!

PGS-TS Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học cho biết, những dấu hiệu mặt đất lún ở TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện từ năm 2003. Đó là những vụ sụp đất ở huyện Hóc Môn, quận 9 và hiện tượng các đường ống của nhiều giếng khoan ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Nhà Bè bị lồi lên khỏi mặt đất... Theo PGS-TS Lê Văn Trung, nhóm nghiên cứu đã sử dụng ảnh vệ tinh qua nhiều giai đoạn khác nhau để phân tích cho ra kết quả mặt đất biến dạng trên diện rộng. Thông qua việc sử dụng ảnh vệ tinh rađa thời gian, nhóm nghiên cứu đã xác định, trong các năm 1996 - 1997 TP đã xảy ra lún nhưng mức độ không lớn. Nhưng sau thời gian này thì lún tăng dần, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2004 đến nay. Nhiều khu vực trên địa bàn TP đã có sự thay đổi độ cao rất lớn, lún từ 20 đến 30cm; nhất là khi bị ảnh hưởng của việc thi công xây dựng công trình thì có nơi bị lún đến 50cm. Cụ thể, nhiều phường, xã ở các quận 6, 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún từ 7 tới 10mm/năm; 67 phường, xã thuộc 17 quận, huyện có tốc độ lún khá nhanh (trên 10mm/năm). Đặc biệt, ở một số nơi vùng nội thành (quận 6, 8), ngoại thành (huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) và vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh (quận 2, 7 , 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh và Thủ Đức) có mức lún đáng báo động (trên 15mm/năm).

Kết quả khảo sát của Sở TN&MT TP cho thấy có mối liên hệ giữa hiện tượng lún mặt đất đã xảy ra ở những nơi khai thác, sử dụng nước ngầm lớn như các khu công nghiệp, các công ty khai thác nước ngầm... PSG-TS Trung giải thích, ở các TP phố lớn như Bangkok, Tokyo, Paris, Califonia, Thượng Hải cũng xảy ra hiện tượng lún mặt đất do không kiểm soát được việc khai thác nước ngầm. Ở TP Hồ Chí Minh, từ năm 2000 mực nước ngầm hạ thấp từ 2 đến 3m/năm và liên tục từ 1994 đến 2004 đã hạ sâu 20m, gây tháo khô các tầng chứa nước ngầm nên lún mặt đất là điều tất yếu.

Tăng ngập, gây hỏng công trình

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 116 tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên bị ngập do triều cường có 79 tuyến đường bị ảnh hưởng do lún mặt đất. Ví dụ như đường Trần Khắc Chân (quận 1) trong thời gian từ năm 1990 đến năm 2003 đường bị lún xuống và dù được nâng lên (trong năm 2009) nhưng vẫn thấp hơn mức ở năm 1990 và thấp hơn mực triều. Đường Trần Hưng Đạo có nơi bị lún đến 20cm; đường Nguyễn Văn Luông cao khoảng 1,14m nên thường xuyên ngập do triều, trong khi năm 1990 tuyến đường cao hơn nhiều và tuyến đường này đang được đắp lên có nơi cao cả mét...

Theo PGS-TS Lê Văn Trung, diễn biến lún có mối liên quan với tốc độ phát triển đô thị. Thời điểm nhiều khu vực trên địa bàn TP lún nhanh trùng lắp với khoảng thời gian từ thời điểm tốc độ phát triển đô thị tăng mạnh. Trong đó, hai mốc quan trọng là việc lập thêm 5 quận mới ở thành phố (năm 1997) và việc phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn (năm 1998). Tuy nhiên, điều gây lo ngại là từ 2002 đến nay vùng lún mức độ tăng nhanh. "Lún đất làm ngập do triều tăng, đất nứt nẻ nền, nhiều công trình dân dụng nứt tường, hổng móng, nghiêng... Lún không được tính toán, dự báo chính xác thì mức cốt nền sẽ không phù hợp, gây ra vấn đề dân sinh bức xúc như việc nâng đường, nâng nền nhà và tiêu tốn của cải của xã hội khó thể thống kê nổi. Ngoài ra, lún còn gây hư hỏng các công trình, đặc biệt là các công trình ngầm sẽ được xây dựng, như metro", ông Trung cảnh báo.

Các nhà khoa học kiến nghị, TP Hồ Chí Minh cần giám sát lún mặt đất hằng năm để có những biện pháp kỹ thuật phù hợp cho sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh phát triển nhà cao tầng với mật độ dày đặc như hiện nay cần xây dựng các trường hỗ trợ và phối hợp với các địa phương lân cận trong quản lý, khai thác nước ngầm, lập bản đồ phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm nhằm giữ mức độ lún không quá 5mm/năm. Ngoài ra cần xác định lại toàn bộ độ cao khống chế cơ sở trong bối cảnh nước biển dâng, mặt đất lún làm căn cứ để tính cốt nền trong xây dựng, trong các công trình chống ngập.

Minh Quỳnh