Ra phố, thấy... mà sợ !
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 16/10/2010
Hôm kia, nhằm đúng bữa cơm chiều, các hộ dân sống dưới chân một công trình xây dựng ở Hà Nội được phen hú vía. Chiếc cần cẩu cao ngất ngưởng vốn dĩ hằng ngày hằng đêm vẫn quay quay trên đầu họ bỗng dưng "giở chứng" gãy gục, kèm theo nó là cả một khối dầm sắt dài mấy chục mét, nặng cả chục tấn, táng thẳng vào mái nhà…
Những chuyện ấy không phải là cá biệt.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhiều công trình xây dựng, giao thông được triển khai. Nhưng cũng xuất hiện nhiều nhà đầu tư, nhà thầu thậm chí cố tình lờ đi những quy chuẩn an toàn, mối an nguy của người dân.
Trước kia, hỏi rằng ra đường sợ gì nhất, hầu hết mọi người đều khẳng định sợ tai nạn giao thông (TNGT). Nhưng bây giờ xem ra không chỉ là TNGT (dù sự thật nó vẫn đáng sợ). Bởi ngoài đường đang có thêm những hiểm họa do chủ quan của chính con người: Sụp cống hố ga - chết người; sờ cột điện, cột ATM - chết người; mắc thòng lọng dây điện trên phố - chết người; rồi sụp hố tử thần, rồi sập cần cẩu, rơi bê tông từ trên cao - cũng chết người… Phải khẳng định: Ra phố bây giờ nguy hiểm thật sự! Ba tháng gần đây, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra 19 vụ sụt lún mà người dân gọi là "hố tử thần", và mới tuần rồi cũng đã có người tử vong do đâm vào nắp cống làm ẩu trên đường. Còn tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn từ trên trời rơi xuống, điển hình như vụ sập cần cẩu ở phố Minh Khai làm 5 người thương vong; vụ cần cẩu đứt cáp trên phố Đại Cồ Việt làm 1 người chết; vụ cần cẩu đổ ở phố Sơn Tây khiến những ngôi nhà bên dưới chỉ còn lại cột và ống khói…
Có thể thấy rõ những vụ "tai nạn" kiểu này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, và xảy ra liên tục đã khiến cho dư luận bàng hoàng. Cũng không ai dám khẳng định trước điều gì tiếp tục xảy ra ở những "cung đường đen", hay từ những chiếc cần cẩu không an toàn. Dư luận đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm trong quản lý các vấn đề này? Báo chí cũng đã điểm mặt chỉ tên các đơn vị liên quan. Chỉ những cơ quan có trách nhiệm là im lặng. Tại TP Hồ Chí Minh, số vụ sụp hố xảy ra liên tục trong một thời gian ngắn, nhưng dường như các cơ quan hữu trách còn đang mải đùn đẩy trách nhiệm nên chưa thấy ai đứng ra xử lý hoặc kiểm tra ngăn chặn. Còn tại Hà Nội, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về "thần chết treo" trên đầu người đi đường, nhưng cũng chưa thấy cơ quan nào lên tiếng quyết liệt về vấn đề này.
Công trình nào cũng được khảo sát, có giám sát thi công, vận hành, kiểm tra chất lượng, rồi mới nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vậy trách nhiệm của các đơn vị liên quan các khâu này ở đâu? Dư luận mong mỏi các cấp quản lý làm tròn trách nhiệm của mình, đừng để người dân mỗi ngày ra đường là một ngày lo sợ.