Nhiều "chuẩn" mà chưa chuẩn

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:22, 15/10/2010

(HNM) - UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam ở các phường đang khẩn trương chỉ đạo các khu phố, tổ dân phố, gia đình văn hóa bước vào "mùa" bình bầu thi đua năm 2010.

Phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) được coi như một biện pháp tích cực góp phần thiết thực nâng cao chất lượng sống trong từng gia đình và khu dân cư. Việc xét duyệt danh hiệu GĐVH diễn ra theo quy trình: Đầu năm các gia đình đăng ký phấn đấu xây dựng GĐVH. Cuối năm gia đình tự đánh giá chấm điểm theo 4 nội dung, sau đó đưa ra tổ dân phố nhận xét. Gia đình nào xứng đáng thì được bà con công nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mỗi phường lại vận dụng theo cách riêng của mình "chẳng ai giống ai" dẫn đến "độ vênh" rất lớn, không phản ánh đúng thực chất phong trào thi đua của mỗi phường. Phường nào làm "chặt tay" thì chỉ đạt 70-80% số hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH. Phường nào sợ "đụng chạm", "mất đoàn kết", lại chạy theo thành tích, cứ "vống" lên cả 100%. Điều đáng nói, không ít địa phương tuy có 100% số hộ đạt GĐVH nhưng nếp sống ở đấy vẫn chưa thực sự có văn hóa, vì vẫn còn hiện tượng đánh cãi nhau, văng tục chửi bậy, mất vệ sinh môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không tôn trọng Luật Giao thông… Vì thế, ở chỗ này hay chỗ khác, phong trào thi đua xây dựng GĐVH trở nên hình thức.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến những điều vô lý trong "Bảng điểm tự chấm GĐVH" mà Ban Mặt trận khu phố vừa phát đến tay người dân. Bà con cho rằng còn nhiều điểm tưởng là "chuẩn" nhưng lại không chuẩn, làm khó cho người dân khi tự đánh giá. Cụ thể, Bảng điểm tự chấm có tới 22 mục, quá tỷ mỷ nên vụn vặt, nhiều mục người dân chỉ làm một việc đơn giản là tự "thưởng" cho mình điểm tối đa. Ví dụ, nội dung I, mục 1: "Ông bà cha mẹ được quan tâm chăm sóc chu đáo" đạt 4 điểm. Dù cho việc quan tâm đối với ông bà, cha mẹ chưa chu đáo, liệu có ai "dũng cảm" tự chấm cho gia đình mình điểm "0"? Tương tự, mục 2-3 cũng ở nội dung này "Vợ chồng bình đẳng, hòa thuận thủy chung" đạt 10 điểm, "Người lớn trong gia đình luôn là gương tốt cho con cháu" đạt 4 điểm. Chắc chắn các gia đình sẽ tự chấm cho mình điểm tối đa. Tương tự, tại nội dung II, mục 3 ghi: "Có phương tiện nghe nhìn cơ bản phục vụ cho việc tiếp nhận thông tin hiện đại". Nếu gia đình (không phải ít) mức sống thuộc diện "chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi", không mua nổi chiếc ti vi, ắt bị mất 2 điểm vì "tội" nghèo! Cũng ở nội dung II, mục 2 - "Sử dụng nước sạch, công trình phụ phù hợp vệ sinh… theo tiêu chí gia đình sức khỏe". Nhiều địa phương thuộc Hà Nội chưa có nước sạch và như thế các gia đình ở đó mất "oan" 3 điểm? Mục 4 "Các gia đình (cưới, tang, giỗ, tết, liên hoan, sinh nhật, mừng thọ…) được tổ chức theo đúng tinh thần các quy ước cưới, tang, lễ, hội". Hà Nội "mùa cưới" bao giờ cũng "cháy" phòng cưới, vì ngày "vui nhất của đời người", đua nhau thuê phòng cưới "xịn", mỗi mâm cỗ cưới (chưa kể đồ uống) cỡ trên dưới 1 triệu đồng; tiền chụp ảnh, quay phim hết hàng chục triệu đồng… Chưa kể người ta lợi dụng ma chay, cưới xin, mừng thọ để… "đền ơn đáp nghĩa" lẫn nhau, nhưng chẳng ai chịu mất 3 điểm khi tự chấm GĐVH…

Với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", lại là người trong cuộc, nhiều hộ dân chúng tôi cùng tham gia tự chấm điểm GĐVH, thấy rất băn khoăn: Một văn bản chỉ gần 2 trang giấy, hướng dẫn nhân dân thực hiện những quy định bình xét danh hiệu GĐVH còn bộc lộ quá nhiều bất cập, cần phải rút kinh nghiệm. Thiết nghĩ, rất cần điều chỉnh "Bảng điểm tự chấm GĐVH" cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể của từng địa phương, để phong trào thi đua xây dựng GĐVH đi vào cuộc sống, tránh hình thức.

Tứ Lê