Chưa đủ sức răn đe

Giáo dục - Ngày đăng : 06:56, 15/10/2010

(HNM) - Ngày hôm qua, 14-10, hai nữ sinh của Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) -


Mức phạt này được đại diện nhà trường cho rằng đủ sức răn đe và đồng thời cũng tạo cơ hội cho học sinh sửa chữa lỗi lầm. Lâu nay, mỗi khi có chuyện tương tự, dư luận thường lên tiếng phê phán gia đình, nhà trường, xã hội chưa làm tròn trách nhiệm giáo dục và cho rằng các em chỉ là "sản phẩm" chưa hoàn chỉnh của nền giáo dục ấy. Vậy trách nhiệm cá nhân của những học sinh ấy ở đâu và vì sao chúng dám làm những điều mà đại đa số bạn bè cùng trang lứa không dám?

Học sinh đánh nhau: Gia tăng và phức tạp


Bồi dưỡng những phẩm chất cao đẹp, xây dựng tình bạn trong sáng cho học sinh là một trong những biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh: Bá Hoạt

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hành vi đánh nhau ở học sinh, nhất là học sinh nữ gần đây có chiều hướng gia tăng. Thống kê mới nhất của ngành giáo dục, từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 7-2010, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Đối tượng tham gia đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp THCS và học sinh THPT. Đây là lứa tuổi mà cơ thể có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết mâu thuẫn, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo.

Chuyện HS đánh nhau không phải là vấn đề của "thời hiện đại" vì thời nào cũng có nhưng điều bất bình thường là giờ đây hiện tượng đánh "hội đồng", nữ sinh làm nhục bạn ngày càng nhiều hơn; học sinh khác đứng xem không những không can ngăn mà còn quay clip phát tán trên mạng và coi đó là "chiến tích"; cấu kết với đối tượng thanh, thiếu niên đã bỏ học ngoài xã hội để tổ chức thành các nhóm đánh nhau có hung khí ở ngoài trường học.

Đã có nhiều ý kiến tại nhiều hội thảo, diễn đàn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực học đường như đạo đức xã hội có những biểu hiện lệch lạc, tác động xấu của mặt trái cơ chế thị trường, của trò chơi điện tử mang tính bạo lực, học sinh ít được trang bị kỹ năng sống, gia đình thiếu quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân hay một "thiếu sót" như lời Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội- TS Nguyễn Tùng Lâm, là chưa bắt những học sinh gây nên" bạo lực học đường" phải chịu trách nhiệm về hành vi của chúng.

Nhẹ trách nhiệm con trẻ, nặng trách nhiệm người lớn

Trên thực tế, học sinh ít phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của chúng. Ví như, đua xe trái phép, công an chỉ giữ xe, bố mẹ mang tiền đến chuộc còn bản thân người đua xe đâu có chịu trách nhiệm gì. Tụ tập bạn bè, đi hành hung gây thương tích cho người khác, chỉ gửi giấy báo về trường, về nhà để giáo dục. Học sinh đánh nhau lại càng là chuyện "quá nhỏ" đối với lực lượng cảnh sát, điều tra xong gửi về nhà trường, gia đình giải quyết tiếp. Cách xử lý này chưa đủ để buộc học sinh có hành vi sai trái phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình và khiến chúng không biết sợ.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường không từ chối kiên trì giáo dục học sinh nhưng trước khi để nhà trường làm chức năng giáo dục, học sinh phải được xã hội, pháp luật buộc chịu trách nhiệm cá nhân. Chỉ có như thế, các hình thức giáo dục của nhà trường mới có tác dụng. Ông lý giải, theo quy luật phát triển nhân cách của học sinh, ở cấp THCS và THPT, các em đã phát triển về tư duy, biết suy luận, cá tính cũng như xu hướng tự khẳng định ngày càng bộc lộ rõ hơn. Do đó, với đối tượng này, quá trình giáo dục thành công chính là làm sao để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân.

Tại một hội thảo bàn về vấn đề học sinh đánh nhau được tổ chức mới đây, Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã đưa ra một số giải pháp để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh phổ thông đánh nhau mang tính bạo lực. Cụ thể là, đối với những trường hợp đánh nhau của học sinh phổ thông, tùy theo mức độ mà có biện pháp xử lý phù hợp, thậm chí sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, dù phạm tội lúc dưới 16 nhưng đã đủ 14 tuổi. Với những trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể xử lý hành chính theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng.

Tuy nhiên, phần lớn các vụ học sinh đánh nhau đều ở mức chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự hay đưa vào trường giáo dưỡng. Bởi thế, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải có những biện pháp bổ sung như giam giữ có thời hạn để giáo dục hay phạt cải tạo lao động công ích… để làm sao cho những học sinh này thấy rằng các em phải chịu trách nhiệm và trả giá về hành vi của mình. Đây cũng là bài học để giáo dục các học sinh khác.

Bên cạnh những hình thức xử lý mang tính pháp luật trên, giải pháp căn cơ hơn để phòng ngừa tình trạng học sinh đánh nhau chính là trả lại cho các nhà trường và giáo viên quyền giáo dục đầy đủ đối với học sinh. Như một cô giáo đã phát biểu trên diễn đàn, hiện nay, giáo viên đã bị thu mất cái roi. Dư luận đã tạo một áp lực lớn cho những người làm công tác giáo dục, khiến thầy cô "ngại" nghiêm khắc với trò, nhà trường cũng né tránh kỷ luật học sinh, thường chỉ gợi ý cho cha mẹ học sinh chuyển trường hoặc hạ hạnh kiểm. Quá trình giáo dục, đặc biệt là giáo dục nhân cách cho một đứa trẻ rất cần tình thương yêu nhưng cũng không thể thiếu "đòn roi".

Theo báo cáo của các sở GD-ĐT địa phương, trong năm học vừa qua, các trường đã kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn (từ 3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) 735 học sinh vì đánh nhau. Nhưng đây có lẽ chỉ là những vụ điển hình mà các nhà trường không thể không kỷ luật.

Vân Vũ