Góp ý kiến vào văn kiện trình Đại hội XI của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 15/10/2010

PGS-TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Giải phóng mọi năng lực, làm giàu chân chính, thu hẹp diện người nghèo Cách tư duy của không ít người lâu nay là phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vì phân hóa giàu nghèo là một nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội. Thực tế cho thấy, sự phân hóa giàu nghèo không hợp lý mới là điều phải quan tâm, còn phân hóa giàu nghèo hợp lý lại là tất yếu khách quan trong quá trình phát triển.

PGS-TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Giải phóng mọi năng lực, làm giàu chân chính, thu hẹp diện người nghèo

Cách tư duy của không ít người lâu nay là phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo vì phân hóa giàu nghèo là một nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội. Thực tế cho thấy, sự phân hóa giàu nghèo không hợp lý mới là điều phải quan tâm, còn phân hóa giàu nghèo hợp lý lại là tất yếu khách quan trong quá trình phát triển.

Bài học về sự đổi mới ở nước ta vừa qua đã nêu tấm gương về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đi liền với chăm lo con người và phát triển xã hội. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam tính bằng số người sống dưới mức 1 đô la Mỹ/ngày khoảng 90% trước đổi mới (trước năm 1986), giảm còn 58% năm 1993, 11% năm 2009, dự báo dưới 9,5% năm 2010. Như vậy, một trong những thành tựu nổi bật của nước ta trong quá trình đổi mới vừa qua được thế giới ca ngợi không phải là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà là thu hẹp diện người nghèo.

Cái mà chúng ta có thể thực hiện được, trong tính thực tế của vấn đề từ nay đến năm 2020 là "Giải phóng mọi năng lực làm giàu, thu hẹp diện người nghèo, đền ơn, đáp nghĩa những người có công, chăm lo những người neo đơn, rủi ro, bệnh tật, nghèo khó…". Trên thực tế, chúng ta đã và đang thực hiện theo nội dung này, nhưng chủ trương, quan điểm thì chưa được thể hiện rõ. Do đó, trong văn kiện lần này cần đề cập một cách cụ thể. Khi đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp, chúng ta sẽ tính tiếp đến các nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Điều quan trọng là kiểm soát và ngăn chặn cho được sự làm giàu bất chính để khuyến khích và tôn vinh sự làm giàu chân chính.

GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội: Cần nhấn mạnh sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên

Dự thảo văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 đã được soạn thảo hoàn chỉnh, sâu sắc và đầy đủ. Tuy nhiên, nên quan tâm một số nét sau: Về chiến lược cần coi trọng và cụ thể hơn mối quan hệ phát triển kinh tế với an ninh chính trị và quốc phòng, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, đặc biệt là những vùng trọng điểm về an ninh quốc gia. Trong phần bài học, cần nhấn mạnh sử dụng tiết kiệm hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, bảo đảm cho phát triển trước mắt và lâu dài. Về các khâu đột phá, nếu lấy giáo dục làm khâu đột phá thì các phần sau phải kèm có các biện pháp cụ thể. Vì giáo dục của ta còn nhiều tiêu cực, yếu kém.

Ông Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:Bổ sung danh mục những nguy cơ lớn

Dự thảo văn kiện của Đảng cần làm rõ nội dung phòng, chống các nguy cơ lớn. Hiện nay "bệnh quan liêu" vẫn còn phổ biến, nhưng không còn quá nóng bỏng, nên có thể bỏ ra khỏi danh mục những nguy cơ lớn, thay vào đó nên bổ sung những nguy cơ lớn mới là mất đoàn kết và phai nhạt lý tưởng. Ngoài ra, trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng, không tìm thấy câu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Tôi cho rằng, phải đề cao khẩu hiệu này bằng các phân tích cụ thể, rõ nét, đánh giá nghiêm túc về tình hình vi phạm, thiếu tôn trọng pháp luật phổ biến hiện nay. Từ đó đề ra các giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Hiền Lương