Bài học nào cho các dự án bauxite ở Việt Nam?
Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 15/10/2010
Không được phép lơ là
Khai thác bauxite tại Đắc Nông.
Theo báo cáo tác động môi trường dự án Nhà máy Sản xuất alumin Nhân Cơ, khi sản lượng alumin đạt 650.000 tấn alumin/năm thì tổng lượng bùn đỏ gần 1,4 triệu tấn/năm, bùn đỏ sẽ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, sau đó hoàn thổ, phục hồi môi trường. Bùn đỏ trước khi thải ra bãi sẽ được rửa ngược dòng 6 bước để tận thu kiềm và alumin kèm theo bùn đỏ.
Hồ chứa bùn đỏ (rộng hơn 200ha) được lựa chọn là các thung lũng phía nam khu vực Nhà máy alumin. Các đập ngăn sẽ được xây dựng để tạo ra các hồ thải theo các giai đoạn hoạt động của nhà máy. Tổng thể tích của các hồ theo tính toán bảo đảm được 30 năm vận hành. Xung quanh hồ sẽ xây dựng hệ thống kênh thu nước mặt, nước mưa từ lưu vực xung quanh để dẫn thoát ra khỏi phạm vi lòng hồ, bảo đảm lượng mưa xuống hồ chỉ là lượng mưa thu trực tiếp từ diện tích mặt thoáng của hồ.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, thiết kế kỹ thuật của hồ bùn đỏ đã được Hội đồng thẩm định do Bộ Công thương thành lập sau nhiều lần làm việc với Viện Thủy lợi là cơ quan tư vấn. Tuy nhiên, TKV vẫn coi sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary là một lời cảnh báo và không được phép lơ là. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, TKV đang rà soát lại toàn bộ các thiết kế và kiểm tra, đề xuất các biện pháp, kể cả những biện pháp mới, để bảo đảm hồ chứa bùn đỏ an toàn và trong trường hợp có sự cố cũng có thể hạn chế ảnh hưởng ở mức tối thiểu. Tại Lâm Đồng, Tập đoàn đã bổ sung một biện pháp mới, đó là xây một cửa cống ở điểm cuối cùng phía giáp với tỉnh lộ 725 trước đây. Cửa cống này sẽ được đóng lại trong trường hợp hồ bị vỡ.
TKV cho biết, trong khi hồ bùn đỏ của Hungary nằm ở đồng bằng và được quây bằng đập bờ cao, thì hai dự án của nước ta nằm trong thung lũng với lòng chảo sâu 15m, được bao bọc bởi các đồi cao, độ cao của hồ thấp dưới mặt bằng nhà máy 1,5m. Hồ được chia thành 8 ngăn, được tính toán kỹ cả lượng mưa đổ xuống, nên mặc dù cùng áp dụng công nghệ thải ướt giống nhau, hồ bùn đỏ của Việt Nam an toàn hơn. Trong trường hợp có sự cố, có thể chặn nhốt toàn bộ bùn trong thung lũng không tràn ra ngoài, mức độ ảnh hưởng sẽ ít hơn.
Tính toán xử lý mọi tình huống
Có chuyên gia cho rằng, các hồ bùn đỏ tại dự án bauxite Tây Nguyên như mái nhà trên cao. Cũng như thảm họa bùn đỏ ở Hungary, nếu xảy ra ở một vùng có địa hình như vậy, bùn đỏ sẽ trôi xuống những khu vực thấp hơn, mức độ tàn phá sẽ nghiêm trọng. Ở nước ta, nếu sự cố vỡ hồ bùn đỏ xảy ra tại đây sẽ phát tán xuống các vùng hạ lưu, khó có thể kiểm soát được. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, cứ sản xuất 1 tấn alumin, thì thải ra 1-1,5 tấn bùn đỏ tùy chất lượng quặng bauxite đầu vào. Gần đây, theo các báo cáo ban đầu, dự án Nhân Cơ sau 15 năm khai thác dung tích hồ chứa bùn đỏ lên đến gần 9 triệu mét khối và nếu khai thác trong toàn dự án ở Tân Rai, thì thải ra 80-90 triệu mét khối bùn đỏ.
Công nghệ thải bùn đỏ ở Hungary là công nghệ "ướt" và hai nhà máy alumin của nước ta cũng dùng công nghệ này. Để tránh hiểm họa tràn bùn đỏ như ở Hungary, có ý kiến cho rằng, cách tốt nhất là chuyển quặng bauxite được khai thác và làm giàu từ Tây Nguyên xuống ven biển Bình Thuận để chế tác alumin, đồng thời chôn bùn đỏ ở gần biển. Nếu chẳng may có rủi ro không mong đợi với các hồ chôn bùn đỏ ở đây, lượng nước biển khổng lồ có khả năng trung hòa, hạn chế mức độ nguy hiểm của bùn đỏ.
Đã có nhiều ý kiến về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Người ta cũng nói đến sự chắc chắn của các hồ chứa bùn đỏ. Từ trên nóc nhà của Đông Dương nếu có sự cố vỡ đập như ở Hungary, thì tai họa sẽ rất thảm khốc. Do đó, TKV và các ngành chức năng phải rà soát lại đồ án thiết kế, các biện pháp thi công và tính toán xử lý mọi tình huống.