AVG muốn mua bản quyền truyền hình thể thao 20 năm

Thể thao - Ngày đăng : 16:00, 14/10/2010

Đề nghị của Công ty AVG về việc mua độc quyền bản quyền phát sóng các chương trình thi đấu thể thao Việt Nam với thời hạn 20 năm đang thu hút sự quan tâm từ nhiều phía, nhưng gây tranh cãi ở khía cạnh pháp lý.

Liên đoàn điền kinh rất hào hứng với đề nghị mua bản quyền từ AVG, nhưng còn đợi phản ứng của các liên đoàn khác.


Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã nhiều lần đề nghị với khoảng 20 Liên đoàn thể thao của Việt Nam bán lại thương quyền các giải đấu trong vòng 20 năm, trong đó đáng chú ý có giải bóng đá V-League, các giải điền kinh, đua xe đạp... Tổng cục TDTT ủng hộ các liên đoàn bán bản quyền truyền hình để có thêm nguồn thu tài chính cho việc phát triển. Nhưng một số liên đoàn đã từ chối hoặc còn cảm thấy e ngại vì sợ gây khó khăn cho lãnh đạo khóa sau vì thời hạn hợp đồng quá dài, trong khi nhiệm kỳ của ban chấp hành liên đoàn chỉ có 5 năm.

Trong quá trình làm việc giữa AVG với các bên, một số câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý đã được đặt ra. Bản quyền truyền hình thể thao thuộc quyền sở hữu của Liên đoàn thể thao, đơn vị tổ chức, các câu lạc bộ hay cả ba? Ban chấp hành các Liên đoàn thể thao có nhiệm kỳ 5 năm có quyền ký các hợp đồng với thời hạn dài hơn nhiệm kỳ hoạt động hay không?

Theo Luật Thể dục, Thể thao hiện hành, các Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia có thẩm quyền tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế diễn ra tại Việt Nam. Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao, giải thể thao chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền sẽ là chủ sở hữu giải thi đấu và có các quyền của chủ sở hữu: quyền ghi hình, quyền phát sóng, quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao giải thi đấu thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

Luật Thể dục, Thể thao Việt Nam cũng cho phép Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia, với tư cách là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp, được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ những quyền nói trên cho cá nhân, tổ chức thông qua hợp đồng dựa trên sự thỏa thuận giữa Liên đoàn hoặc Hiệp hội với cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Như vậy các Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao có quyền chuyển nhượng bản quyền phát sóng đối với những sự kiện thể thao do họ tổ chức, sở hữu.

Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia đều có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, được hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền và nghĩa vụ. Điều này đồng nghĩa với việc Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia là pháp nhân độc lập, có đủ quyền hạn về pháp lý để quyết định các hoạt động của mình một cách độc lập, bao gồm cả quyền ký kết hợp đồng dân sự, thương mại phục vụ cho hoạt động của mình.

Theo phân tích trên, Liên đoàn hoặc Hiệp hội thể thao quốc gia được quyền chuyển nhượng bản quyền phát sóng đối với những giải thi đấu mà họ sở hữu. Luật thể thao cũng quy định nội dung hợp đồng chuyển nhượng dựa trên sự thỏa thuận giữa Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia với cá nhân, tổ chức có nhu cầu, bao gồm cả nội dung về thời hạn của hợp đồng. Quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự cũng không giới hạn thời gian chủ sở hữu được quyền chuyển giao quyền khai thác đối với tài sản do mình sở hữu.

Do đó các Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia được toàn quyền quyết định về nội dung của hợp đồng bao gồm cả thời gian chuyển nhượng quyền phát sóng cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Trên thực tế việc đại diện của các pháp nhân (Giám đốc, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc...) ký các hợp đồng dài hạn hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ của vị đại diện đó là việc rất bình thường. Ví dụ Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam ký hợp đồng hợp tác với tập đoàn Canal Oversea của Pháp với thời hạn 25 năm.
Việc các liên đoàn thể thao quốc tế ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền thể thao có thời hạn dài cũng rất phổ biến và hoàn toàn không có mối liên hệ gì với nhiệm kỳ của ban chấp hành các liên đoàn đó. Ví dụ AFC (LĐBĐ châu Á) ký hợp đồng độc quyền bản quyền với Công ty World Sport Group từ năm 1993 tới năm 2013 và vừa được gia hạn thêm tới năm 2020.

Một khi các Liên đoàn thể thao Việt Nam căn cứ vào các điều kiện thực tiễn cụ thể, đưa ra những quyết định đúng đắn, bài bản, dài hơi vì sự phát triển lâu dài, bền vững của thể thao Việt Nam thì không thể để “nhiệm kỳ” bó buộc họ. Nếu như vậy thì không thể còn ai, dù trên cương vị nào dám phê duyệt các dự án, đề án… tới những 50 năm, thậm chí là 70 năm nữa… Có những quan chức ở một số liên đoàn thể thao đã đề cập đến tư duy nhiệm kỳ ở khía cạnh tiêu cực, theo lối làm ăn chóng vánh, ăn xổi ở thì, sao cho được việc trong thời gian tại vị, ngại gây ảnh hưởng tới người lãnh đạo về sau.

Vấn đề lớn nhất hiện này là các Liên đoàn và Công ty nghe nhìn toàn cầu AVG phải tìm ra được những giải pháp cụ thể và bước đi đúng đắn để đạt được mục tiêu vì sự phát triển của thể thao Việt Nam, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ.

Theo Vnexpress