Vì sao doanh nghiệp không mặn mà?

Đời sống - Ngày đăng : 07:29, 14/10/2010

(HNM) - Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy hiện mới chỉ có 30% doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), còn người lao động thì thờ ơ. Hiện vẫn chưa có một cơ chế để phát triển việc làm và quan hệ lành mạnh giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Dệt may là ngành đầu tiên xây dựng thỏa ước lao động tập thể.


Thương lượng tập thể là một phương pháp điều hòa, điều tiết tốt mối quan hệ giữa người lao động và giới chủ bởi đây là diễn đàn để người lao động và giới chủ thể hiện quan điểm của mình và tham gia vào quá trình cải thiện mối quan hệ tại nơi làm việc. TƯLĐTT tốt sẽ xây dựng được các tiêu chuẩn lao động như tiền lương, giờ làm, điều kiện làm việc cũng như các quy trình giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các khiếu nại của người lao động và người sử dụng lao động.

Hiện nay chỉ có rất ít doanh nghiệp thực hiện TƯLĐTT nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật chưa rõ về đối tượng, thời gian thương lượng, thiếu chế tài xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ sử dụng lao động vẫn còn xem nhẹ quyền lợi người lao động, thực hiện thỏa ước không đúng yêu cầu mà TƯLĐTT đưa ra, thiếu tôn trọng quy tắc ứng xử đối với tổ chức công đoàn; việc thanh tra lao động chưa thường xuyên, kém hiệu quả dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về TƯLĐTT.

Điển hình mới đây là việc thí điểm ký TƯLĐTT của ngành dệt may. Đây là bản TƯLĐTT đa doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, là điều kiện để đưa ra các tiêu chuẩn lao động chung áp dụng cho toàn ngành, tạo cơ sở để người lao động và chủ sử dụng lao động thương lượng, hạn chế đình công... Tuy nhiên, sau 6 tháng thực hiện, chỉ có 69/2.000 doanh nghiệp thực hiện TƯLĐTT.

Theo nhiều thành viên tham gia quá trình ký kết TƯLĐTT ngành dệt may Việt Nam thì bản thỏa ước này đã bộc lộ nhiều bất cập như quy định về bữa ăn giữa ca là 5.000 đồng/suất, thực tế số tiền này không thể bảo đảm cho NLĐ một bữa ăn đủ dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn. Ngay cả khi có doanh nghiệp đã tăng mức lương, tăng chế độ ăn giữa ca lên 8.000 đồng/suất nhưng vẫn xảy ra hiện tượng người lao động tổ chức đình công, hoặc "nhảy việc" tập thể. Tình trạng này thường xảy ra từ những người làm việc nặng nhọc, độc hại, nhưng thu nhập thấp, không đồng đều.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, TƯLĐTT là văn bản dưới luật nên vẫn bị nhiều đơn vị xem nhẹ. Ngoài ra, tình trạng chủ sử dụng lao động không hợp tác, nội dung TƯLĐTT chưa thiết thực hoặc thậm chí trái với những quy định của luật, Công đoàn can thiệp chưa tốt và triển khai thực hiện chưa hiệu quả như hiện nay đã khiến việc thực hiện TƯLĐTT chưa có tác dụng như mong muốn. Điều đáng nói là nhiều cán bộ công đoàn đang bị vào thế "bí", không đủ sức đảm đương được nhiệm vụ, rất cần có các chuyên gia tư vấn cho công đoàn trong việc thương lượng, nắm rõ thông tin kinh tế, luật pháp.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã bàn cách tiếp cận mới về thương lượng tập thể. Theo đánh giá thì Việt Nam đang đi đúng hướng với mô hình TƯLĐTT nhưng hiệu quả chưa cao là do cơ cấu tổ chức và thực lực của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp còn yếu. Vì vậy, để thực hiện TƯLĐTT có hiệu quả thì các đối tác thương lượng phải có thực quyền. Cụ thể là người đại diện giới chủ thương lượng với công đoàn phải giữ quyền quyết định về tài chính.

Các chuyên gia lao động cho rằng, thỏa ước ngành nên bắt đầu từ việc thương lượng giữa các doanh nghiệp tại thị trường chủ chốt, ví dụ các doanh nghiệp FDI, mở rộng độ bao phủ toàn ngành thông qua thương lượng mẫu, thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn thống nhất đã được đánh giá là có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có một cơ chế đối thoại 3 bên, giữa những người làm chính sách về lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động. Đưa ra cơ chế cũng như thực hiện cơ chế này để phát triển việc làm và quan hệ lành mạnh giữa người lao động và người sử dụng lao động xem ra vẫn có phần bế tắc.

Kim Vũ