Kinh phí thôi chưa đủ
Giáo dục - Ngày đăng : 07:05, 14/10/2010
Nhiều thiết bị dạy học tự làm được trưng bày tại Triển lãm - Hội chợ sách, thiết bị giáo dục. Ảnh: Linh Tâm |
Hai năm, chi 25 tỷ đồng cho tự làm TBDH
Từ năm 2002 đến năm 2009, thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các trường học trên cả nước đã được trang bị đầy đủ TBDH từ lớp 1 đến lớp 12, bảo đảm nhu cầu tối thiểu theo danh mục TBDH của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc mua sắm bổ sung, thay thế TBDH hằng năm còn gặp khó khăn, nhất là về nguồn cung cấp thiết bị, những chi tiết lẻ, kinh phí có hạn… Việc tự làm TBDH của giáo viên (GV), góp phần khắc phục tình trạng thiếu TBDH, giúp các trường có thêm TBDH phù hợp với điều kiện dạy - học của từng nơi.
Nhiều tỉnh, thành phố đã phát triển phong trào tự làm TBDH trong các nhà trường, tạo cơ hội để những người yêu nghề có điều kiện học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tự làm TBDH, từ đó nhân rộng những ý tưởng có tính ứng dụng cao vào thực tiễn dạy - học. Hàng nghìn TBDH của đội ngũ cán bộ, GV cả nước đã được gửi tới trưng bày tại Triển lãm - Hội chợ sách, thiết bị giáo dục năm học 2008-2009, năm học đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức hội thi đồ dùng dạy học tự làm. Việc tự làm TBDH và tham gia hội thi tự làm TBDH đã trở thành hoạt động khá thường xuyên của nhiều trường học, từ bậc học mầm non tới phổ thông.
Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động tự làm TBDH đã được các địa phương quan tâm hơn. Từ năm 2007 tới nay, Hà Nội đã đầu tư hơn 8,8 tỷ đồng cho các hội thi cấp quận, huyện và thành phố. Con số này ở tỉnh Hòa Bình là 2,1 tỷ đồng, ở TP Đà Nẵng là 500 triệu đồng… Theo thống kê chưa đầy đủ, tính chung trên toàn quốc trong 2 năm qua, số tiền đầu tư cho hoạt động tự làm TBDH vào khoảng 25 tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là hầu hết số tiền này được dùng để tổ chức hội thi các cấp và khen thưởng sản phẩm đoạt giải, các nhà trường mới chỉ kêu gọi, động viên chứ chưa có cơ chế ràng buộc GV nên xuất hiện tâm lý làm cũng được, không làm cũng chẳng sao. Nhiều khi, những sáng kiến hay bị "bỏ rơi" vì không có chủ trương, không có đầu tư, hướng dẫn phổ biến… Dù vậy, số lượng sản phẩm dự thi vẫn tăng sau mỗi năm học. Chỉ riêng tại Hà Nội, năm học 2009-2010 đã có hơn 700 sản phẩm tham gia trưng bày và dự thi cấp thành phố.
Cần thêm những gì?
Theo đề án phát triển TBDH tự làm giáo dục mầm non và phổ thông đã được phê duyệt, từ nay tới năm 2015, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc tự làm TBDH, đề án hướng dẫn việc quản lý, sử dụng TBDH, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về TBDH tự làm… Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính là 226 tỷ đồng, được thực hiện qua hai giai đoạn: từ năm 2010 đến năm 2012 và từ 2013 đến năm 2015.
Phần lớn kinh phí đề án sẽ được dành hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tự làm TBDH. Trong giai đoạn II, đề án sẽ chi 108 tỷ đồng/130 tỷ đồng để cấp định mức 500 nghìn đồng/năm cho mỗi GV ở 5 tỉnh, thành phố tham gia chương trình thí điểm. Giai đoạn II, khi đề án được triển khai đại trà trên toàn quốc, phần chi cho các hoạt động tại địa phương là 89 tỷ đồng/96 tỷ đồng, trong đó phần định mức hỗ trợ cho GV sẽ được tính toán dựa vào kết quả thí điểm ở giai đoạn I. Dự kiến sẽ có khoảng 1% mức chi thường xuyên hằng năm của các nhà trường được dành để hỗ trợ cho việc tự làm TBDH và sửa chữa, cải tiến TBDH.
Dù vậy, với nhiều GV được hỗ trợ kinh phí mới chỉ được coi là yếu tố khởi đầu cho việc tự làm TBDH. Với những người từng nhiều năm liền có TBDH tự làm dự thi và đoạt giải, có thể thấy với họ, việc mày mò làm ra những TBDH hữu ích không chỉ là tìm kiếm giải thưởng hoặc chút vinh dự cho bản thân. Điều khiến GV tích cực tự làm TBDH là thông qua những sản phẩm ấy, được ứng dụng rộng rãi, GV thấy mình được "trả công" xứng đáng. Đó là niềm hạnh phúc của GV khi việc tiếp nhận kiến thức của học trò ngày càng dễ dàng hơn, mỗi giờ học đều có dấu ấn riêng của mình... Thực tế cho thấy mỗi cấp học, mỗi vùng miền lại có những đòi hỏi riêng về TBDH. TBDH của cấp mầm non không đòi hỏi nhiều về tính chính xác song lại cần an toàn và tính thẩm mỹ. Còn ở phổ thông, sản phẩm làm ra thường mất nhiều công sức để bảo đảm độ chính xác cao, không phải ai cũng làm được.
Để việc tự làm TBDH trở thành hoạt động thường xuyên thì ngoài kinh phí, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế đủ sức thuyết phục. Những điều ấy không chỉ hỗ trợ, khích lệ tinh thần sáng tạo, mà còn làm cho mỗi người xác định việc tự làm TBDH là trách nhiệm của người làm nghề giáo, khiến cho việc tự làm TBDH không còn mang tính hình thức.