Không nên lấy tivi để “dụ” trẻ ăn
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 14/10/2010
PV: Xin GS cho biết đôi điều về thực trạng BA ở trẻ em Việt Nam?
GS.TS.Hoàng Trọng Kim: Về thực trạng BA ở trẻ em Việt Nam cũng đã có một cuộc khảo sát thực hiện trên 1.600 trẻ dưới 6 tuổi, trong 2 tháng cuối năm 2008 tại 2 thành phố lớn là: Hà Nội và TP.HCM cho thấy: tần suất BA ở trẻ Việt Nam vào khoảng 38%. Con số này cũng tương đương với tỷ lệ BA của trẻ ở một số nước khác trên thế giới.
PV: Đối với trẻ BA , hậu quả ảnh hưởng lên sự phát triển của trẻ có nghiêm trọng không, nhất là trẻ có tình trạng BA kéo dài, thưa GS?
GS.TS.Hoàng Trọng Kim: Nếu tình trạng BA kéo dài sẽ đưa đến nhiều hậu quả mà rõ nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất. BA có thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất do số lần ăn và số lượng ăn ít hơn, từ từ sẽ chuyển thành suy dinh dưỡng, sụt cân, chậm phát triển về chiều cao, cân nặng.
Về tinh thần, trí tuệ, BA kéo dài ảnh hưởng lên sự phát triển thần kinh của trẻ. Đứa trẻ này luôn cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp, chậm tiếp thu (nếu là học sinh sẽ có kết quả học tập kém).
PV: Theo GS, cha mẹ có thể giúp con trẻ thoát khỏi tình trạng BA được không và những trẻ này có cần một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt hay không?
GS.TS.Hoàng Trọng Kim: Trẻ BA cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau tùy theo phân loại thuộc nhóm nào. Thực tế tôi thấy, đa số trẻ BA thường gặp ở mức độ nhẹ, không phải bệnh lý quá cấp cứu cần đến sự can thiệp ngay lập tức. Do đó, cách tốt nhất là đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ bằng việc bổ sung những loại thức ăn đủ chất, đủ năng lượng với 4 nhóm thực phẩm: đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt lưu ý cách chăm sóc, thái độ đối với trẻ BA cần rất khéo léo.
Đối với trẻ BA , cha mẹ không nên gò ép, la hét, nạt nộ, ép buộc trẻ ăn mà cho ăn từ từ, tập cho ăn thức ăn phù hợp với lứa tuổi, luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong khi ăn như: cho trẻ ăn chung với gia đình, cha mẹ, anh em. Người lớn làm gương trong việc ăn phong phú loại thực phẩm để trẻ bắt chước ăn theo. Và có một điều mà lâu nay cha mẹ thường mắc phải, rất sai lầm là lấy ti-vi, lấy phim hoạt hình, quảng cáo ra để “dụ” trẻ ăn.
Chuyện này là hoàn toàn không nên bởi mắt trẻ thì đang “dán” vào màn hình, trong khi miệng cứ nuốt theo phản xạ thì phản xạ này không làm trẻ tiêu hóa thức ăn, dẫn đến trẻ không đói và hậu quả BA vẫn còn.
Vì vậy, phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi lúc ăn mà phải giúp trẻ tập trung vào bữa ăn, biết là chúng đang ăn và ý thức việc ăn này. Khi trẻ tập trung vào bữa ăn thì hệ thần kinh sẽ tham gia vào sự tiêu hóa để tiết ra dịch tiêu hóa giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng hơn, lúc đó trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, hấp thu thức ăn tốt hơn.