Kiểm điểm trách nhiệm người có sai phạm trong khâu soạn thảo, ban hành văn bản
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 14/10/2010
Theo TS Lê Hồng Sơn, Thông tư 116 được ký và thi hành cùng ngày 4-8-2010. Trong khi đó, theo luật định, thời điểm văn bản có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày, kể từ ngày ký. Như vậy, về nguyên tắc, Thông tư số 116 phải có hiệu lực từ ngày 19-9. Điều này cũng có nghĩa các mặt hàng từ nội địa Việt Nam hoặc trong khu kinh tế cửa khẩu đưa vào khu phi thuế quan gồm bia, nước giải khát, rượu, thuốc lá, điện thoại di động, xe gắn máy… (quy định tại Thông tư 137/2009 của Bộ Tài chính) vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đến ngày 18-9. Chỉ đến ngày 19-9, mới phải chịu mức thuế suất mới quy định tại Thông tư 116. Việc tự tiện quy định hiệu lực văn bản từ ngày ký của Bộ Tài chính đã thể hiện sự tùy tiện trong việc ấn định nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến lợi ích của không ít đơn vị. Tương tự, Thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước quy định có hiệu lực sau 3 ngày kể từ ngày ký (27-9-2010) là không bảo đảm nguyên tắc pháp chế, trật tự kỷ cương nhà nước do luật định.
Để bảo đảm tính hợp pháp của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, công chức có sai phạm trong soạn thảo và ban hành 2 thông tư nêu trên trước ngày 12-11 tới.