Giải cứu thợ mỏ bị kẹt 2 tháng dưới lòng đất

Thế giới - Ngày đăng : 10:02, 13/10/2010

Một bác sĩ của lực lượng biệt kích Chile đang được đưa xuống lòng đất, nơi 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 mét, để khám sức khỏe và chuẩn bị đưa thợ mỏ đầu tiên trở lại mặt đất sau hơn hai tháng, trong sự hồi hộp của cả đất nước Chile.

Một bác sĩ của lực lượng biệt kích Chile đang được đưa xuống lòng đất, nơi 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 mét, để khám sức khỏe và chuẩn bị đưa thợ mỏ đầu tiên trở lại mặt đất sau hơn hai tháng, trong sự hồi hộp của cả đất nước Chile.



Các kỹ thuật viên đang kiểm tra lồng cứu hộ trước khi giải cứu các thợ mỏ. Ảnh: BBC

Trước đó khi màn đêm buông xuống trong ngày thực hiện sứ mệnh giải cứu, Bộ trưởng Khai mỏ Chile Laurence Golborne cho biết, chiến dịch này bị hoãn lại hai tiếng so với kế hoạch ban đầu.

Nguyên nhân của sự trì hoãn trên là chiếc lồng cứu hộ được mệnh danh là "Phương hoàng" cần được thả không tải xuống khu hầm chứa thợ mỏ ở độ sâu 624 mét để thử nghiệm. Sau đó một chuyên gia kỹ thuật sẽ theo lồng thả xuống với tốc độ chậm để kiểm tra chi tiết đường hầm cứu hộ. Sau khi trở lại mặt đất, ông sẽ báo cáo về những điều quan sát thấy, trước khi lại được thả xuống với tốc độ nhanh hơn để kiểm tra thêm.

Sau khi tất cả các thử nghiệm chi tiết được hoàn tất, một bác sĩ của lực lượng đặc nhiệm hải quân Chile mới được thả xuống nơi các thợ mỏ mắc kẹt. Người này có nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe và tinh thần cho toàn bộ 33 thợ mỏ mắc kẹt và chỉ đến khi công việc này hoàn tất, thợ mỏ đầu tiên mới bắt đầu được giải cứu.

Việc thiết lập hệ thống liên lạc phức tạp cũng góp phần khiến kế hoạch giải cứu bị chậm lại hai tiếng. Các kỹ thuật viên phải lắp đặt 3 hệ thống liên lạc khác nhau, gồm hệ thống giữa mặt đất với người trong lồng cứu hộ, hệ thống giữa mặt đất và vị trí các thợ mỏ tập trung và hệ thống thứ ba giữa các bác sĩ trên mặt đất với chuyên gia y tế được cử xuống hầm.

Thợ mỏ đầu tiên được giải cứu sẽ là Florencio Avalos, 31 tuổi, người có em trai cùng bị mắc kẹt. Người cuối cùng rời "hầm mộ" là trưởng kíp làm việc khi xảy ra vụ sập hầm Luis Urzua. Đây là người đóng vai trò dẫn dắt các thợ mỏ sống sót trong 17 ngày đầu tiên bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn với mặt đất.

Trong khi công tác chuẩn bị được các chuyên gia khẩn trương tiến hành, bầu không khí của các gia đình thợ mỏ trên mặt đất đặc biệt hồi hộp. Họ cùng nhau đếm ngược thời gian đến thời khắc 22h địa phương khi sứ mệnh giải cứu chính thức bắt đầu.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera bày tỏ hy vọng sự kiện sập hầm bắt đầu bằng một thảm kịch sẽ kết thúc bằng một niềm hạnh phúc. BBC dẫn lời ông nhấn mạnh: "Tôi biết tối nay sẽ có nước mắt hạnh phúc tại tất cả các gia đình ở Chile. Chúng ta đã giữ lời hứa không bao giờ bỏ cuộc".

Ông Pinera đã có cuộc nói chuyện với các thợ mỏ mắc kẹt ngay trước khi chiến dịch giải cứu mở màn thông qua hệ thống liên lạc. Tổng thống Chile bày tỏ mong muốn được đích thân chào đón từng thợ mỏ trở lại mặt đất sau hơn hai tháng mắc kẹt.

Tổng thống Bolivia Evo Morales dự kiến cũng có mặt tại khu mỏ San Jose để chào đón một công dân nước này là Carlos Mamani, người nước ngoài duy nhất trong số 33 thợ mỏ bị mắc kẹt. Theo kế hoạch, Mamani là thợ mỏ thứ ba trong danh sách sẽ được đưa lên mặt đất.

Các thợ mỏ bị mắc kẹt dưới độ sâu khoảng 700 mét sau khi một đường hầm tại khu mỏ khai thác đồng và vàng ở San Jose bị sập hôm 5/8 vừa qua.

Đình Nguyễn