Dạy trẻ biết lắng nghe

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 13/10/2010

Bạn có cảm thấy nhiều khi nói chuyện với con mình mà chẳng khác gì đang nói với… cái đầu gối?


Có nhiều bé sở hữu những kỹ năng nghe có chọn lọc tuyệt vời - chúng chỉ nghe những gì chúng muốn và dường như phớt lờ phần còn lại. Nhưng "nghe" là một kỹ năng mà chúng ta có thể giúp con cái mình phát triển.


Cũng như cơ bắp, kỹ năng này cần luyện tập thường xuyên. Bởi vì mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng nên chúng sẽ học theo những cách không giống nhau. Có những đứa trẻ chỉ cần đọc trên giấy đã có thể ghi nhớ được, có những bé cần nghe bài học mới tiếp thu tốt nhất, và có những bé cần học bằng hành động. Chúng tôi chia bài viết theo ba nhóm hoạt động phù hợp nhất cho ba nhóm trẻ ấy; tuy nhiên có thể nói bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ được lợi từ cả ba phương pháp:

1. Dành cho bé học bằng… tai

Bạn hãy trò chuyện với con bất cứ khi nào có thể, có thể là kể cho bé nghe một câu chuyện thú vị mà bạn đọc được trên báo hay những chuyện xảy ra trong ngày của bạn. Hoặc khi đi mua sắm, hãy chia sẻ với bé về những lần bạn đi mua sắm với mẹ của bạn, tức bà ngoại của bé ấy mà

Thuật lại công việc hàng ngày. Ví dụ: Nếu bé đang ở trong bếp khi bạn đang chuẩn bị bữa ăn tối, bạn có thể nói: "Mẹ cần đong một chén nước vào nồi và đặt lên bếp. Khi nước sôi, mẹ sẽ đổ thêm nước súp vào... " Có vẻ như bé chẳng chú ý gì đến những lời bạn nói nhưng thực ra bé nhập tâm lắm đấy, vậy nên đừng ngạc nhiên nếu một lúc nào đó nghe thấy bé lặp lại những lời bạn đã nói. Và hãy nhớ rằng: Trẻ em bẩm sinh rất giỏi bắt chước, nên hãy cẩn thận trong cách hành ngôn của mình, bố mẹ nhé!

Biến đọc sách trở thành một hoạt động tương tác. Khi đọc sách cho con, bạn hãy đọc to thành lời và dừng lại trước khi sang trang, "Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?" Yêu cầu bé giải thích câu trả lời để biết được bé đã chăm chú lắng nghe câu chuyện bạn kể như thế nào. Nếu bé có vẻ không nhớ rõ về những gì đã nghe thì bạn hãy bắt đầu lại nhé.

Dự đoán kết thúc của câu chuyện. Đọc sách cho bé nghe và dừng lại trước khi phần kết hé lộ. Bạn hãy hỏi con dự đoán như thế nào về kết thúc của câu chuyện dựa trên những gì bé đã được nghe trước khi kể nốt câu chuyện.

Sau đó, bố mẹ và bé có thể cùng nhau thảo luận về kết thúc ấy. Bé dự đoán có chính xác không hoặc kết thúc có làm bé bất ngờ không? Nếu đó là một kết thúc bất ngờ, hãy cùng con thử điểm lại những manh mối đã được cài vào câu chuyện xem, cũng thú vị lắm đấy.

Kể lại một câu chuyện cũ mà bé thích. Hãy kể lại cho con nghe một câu chuyện mà bé đã nghe đi nghe lại vô số lần nhưng vẫn thích. Có điều lần này, hãy ngừng lại trước các chi tiết quan trọng để bé kể tiếp diễn biến của chi tiết ấy. Bạn cũng có thể đọc các câu chuyện và cố tình thay đổi những chi tiết quan trọng để xem mức độ chú ý của bé như thế nào. Nếu phát hiện chi tiết nào không đúng thì bé sẽ không chần chừ mà sửa lại ngay cho xem.

Nghe kể chuyện cùng con. Chúng ta dường như không bao giờ thôi thích thú khi được nghe đọc truyện cả, phải không nào. Bạn có thể chính mình đọc truyện cho con nghe; mượn hoặc mua những cuốn sách có băng kèm theo hoặc theo dõi các chương trình truyện kể bé nghe trên đài phát thanh hay các phương tiện truyền thông khác, cách nào cũng có những điểm thú vị riêng của nó.

2. Dành cho bé học bằng… mắt


Cùng "đọc" bài hát. Bạn hãy mua một đĩa / băng nhạc có kèm theo lời bài hát hoặc một quyển sách có nhiều lời bài hát, để cùng bé hát / đọc lời theo nhạc.

Cùng xem đĩa / băng hay chương trình truyền hình cho trẻ em. Hiện nay đã có những chương trình thiếu nhi được xây dựng để phụ huynh cũng có thể tham gia. Còn nếu không, bạn vẫn có thể cùng con xem những chương trình phù hợp khác. Trong khi xem, bạn có thể giả vờ không nghe thấy một cái gì đó và nhờ bé kể lại cho bạn.

3. Dành cho bé học bằng… hành động

Nấu ăn cùng bé. Bạn hãy tìm một công thức, đọc các hướng dẫn cho bé nghe, và để bé giúp bạn làm các thao tác như lường, trộn, khuấy, và đổ.

Nghe nhạc. Chúng tôi đã được một chuyên gia giáo dục ở Connecticut giới thiệu một loạt vận động sáng tạo, trong đó để nhớ được các động tác biên đạo cho mỗi bài hát, bé phải lắng nghe kỹ các lời bài hát. Không những giúp bé tập lắng nghe mà đó cũng là một dịp thể dục rất vui!

Trò chơi lắng nghe. Bạn có thể tiếp tục những trò chơi mà bé yêu thích, như “Tôi bảo, tôi bảo”, tham khảo trang Activity Finder hoặc có thể tìm hiểu thêm về các trò chơi và quy tắc của chúng từ rất nhiều nguồn khác nhau – giáo viên, bạn bè, sách báo…

Sử dụng máy ghi âm để chuyển tiếp những hướng dẫn. Bé có thể phớt lờ khi bạn yêu cầu bé dọn dẹp phòng, nhưng sẽ vui vẻ thực hiện nếu lời yêu cầu phát ra từ một trong những con búp bê mà bé yêu thích hoặc từ một cuộn băng mà bạn tự ghi âm lại. Bé có thể sẽ thấy thật li kỳ khi bật băng ghi âm và nghe thấy bạn nói, "Con hãy sắp xếp búp bê trên kệ lại. Rồi cất quần áo vào tủ. Sau đó dọn giường…"

Kể chuyện “nối”. Mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng hưởng ứng hoạt động này. Một thành viên sẽ mở đầu câu chuyện ("Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc kẹo ngọt nọ, có một nàng công chúa…") và sau đó, những người khác sẽ lần lượt kể tiếp câu chuyện. Bởi vì mỗi người phải lắng nghe diễn biến truyện trước đó để kể tiếp một cách hợp lý nên trò chơi này tăng cường hiệu quả kỹ năng nghe một cách đáng kể đấy.

Theo Webtretho