Không dễ mang chuông đánh xứ người
Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 13/10/2010
Khách quốc tế lựa chọn mẫu hàng của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày tại Hội chợ Frankfurt.Ảnh: Mai Loan
Rời Hà Nội trong cái "nắng tháng 8 rám trái bưởi", sau 12 giờ bay, chúng tôi đã tới Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức), được chứng kiến không khí cuối hè ở đây thật dễ chịu, chỉ 10oC mà như khi ở Hà Nội tới 12-14oC. Tôi cùng hơn 30 DN Việt Nam (VN) đi xúc tiến thương mại (XTTM) tại đây đã về các khách sạn trong thời gian diễn ra hội chợ (HC) ở thành phố Frankfurt - trung tâm kinh tế không chỉ của Đức mà của cả châu Âu. Nói như vậy, bởi khu vực HC rất lớn với 29 khu trưng bày, mỗi khu rộng tới hàng chục nghìn mét vuông. Bên cạnh đó, rất nhiều DN lớn trên thế giới cũng đến đây tìm khách hàng, thị trường. Các nhà thương mại lớn của các nước trên thế giới đến đây chọn mẫu hàng, tìm đối tác để đặt mua hàng với những hợp đồng giá trị lớn. Vừa đến nơi, chưa ai kịp cảm nhận về thành phố Frankfurt thế nào, đại diện các DN VN đã lo nhận hàng, bày hàng cho kịp ngày khai mạc HC, vì các DN chỉ đến trước khi diễn ra HC 2-3 ngày.
Hơn 30 DN VN mang đến HC Frankfurt lần này chủ yếu là những sản phẩm may mặc và thủ công mỹ nghệ. Những ngày bày hàng khá vất vả, bởi DN nào cũng "tham" muốn giới thiệu với đối tác được nhiều mẫu hàng, vì thế họ mang đi khá nhiều chủng loại. Có những DN trục trặc thủ tục hải quan của nước bạn, đúng ngày khai mạc mới nhận được hàng thì như ngồi trên "đống lửa". HC quốc tế diễn ra ở Frankfurt một năm 2 lần thường vào cuối tháng 2 và cuối tháng 8. Không biết vào thời điểm tháng 2 thế nào, chứ HC vào cuối tháng 8 vừa qua, việc XTTM của các DN VN không mấy hiệu quả. Do kinh tế thế giới suy thoái? Hay do mẫu mã, chất lượng các sản phẩm của ta chưa ổn? Câu trả lời chưa thể có ngay. Không chỉ những gian hàng của các DN VN, những gian hàng của các nước Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc... cùng trong một khu trưng bày cũng vậy. Theo quan sát của tôi, có ngày tới 5-6 giờ mà vẫn không có khách vào xem hàng, đàm phán... để ký hợp đồng.
Giám đốc Công ty TNHH Hương Quỳnh, DN cũng tham gia XTTM tại HC này cho biết, vào đầu năm (tháng 2) có nhiều khách hàng hơn. HC lần này, Phòng Thương mại Đức ở Hà Nội chào các DN VN giá thuê các gian hàng thấp hơn 20% so với giá phải thuê gian hàng vào tháng 2, nhưng cũng chỉ có hơn 30 DN VN tham gia, có lẽ do kinh thế thế giới chưa thực sự phục hồi. Những năm trước, vào thời điểm này, thường có tới cả trăm DN VN tham gia XTTM ở HC này. Mặc dù đã giảm 20% giá thuê gian hàng, song một gian hàng chừng 20m2 DN phải trả khoảng 5.000 euro (tương đương 125 triệu đồng), đó là chưa kể DN phải trả tiền điện chiếu sáng trong gian hàng trong suốt thời gian HC, rồi chưa kể đến tiền cước vận chuyển hàng mẫu từ Việt Nam sang (chừng 30m3) cũng mất vài trăm triệu đồng. Hầu hết các DN tham gia HC đều có ít nhất 2 người, chi phí đi lại, ăn ở... cũng mất vài nghìn euro nữa, tổng cộng là mất cả tỷ đồng. Công ty Hương Quỳnh (có phòng giao dịch tại 104 Hàng Gai, Hà Nội) mang đến HC lần này hàng chục mẫu mã mới các sản phẩm của ngành dệt may và sơn mài. Tuy trước mắt việc tham gia HC hiệu quả chưa cao, nhưng DN hy vọng sẽ quảng bá được các sản phẩm dệt may, thủ công mỹ nghệ của VN đến bạn bè quốc tế. Riêng Hương Quỳnh cũng có khá nhiều khách hàng quan tâm đến mẫu mã mới về các loại đèn, bàn ghế, lọ cắm hoa... dòng sơn mài; các mẫu quần áo mới chất liệu tơ tằm, các loại khăn chất liệu nhung...
Ngày cuối cùng ở HC cũng là ngày náo nhiệt nhất. Tôi dùng từ này không để chỉ cho việc ký hợp đồng, mà náo nhiệt ở đây chủ yếu là những khách hàng muốn "mua rẻ". Họ đến các gian hàng trả giá "bèo" để mua tất cả mẫu của DN tham gia HC. Bởi, họ nghĩ các DN đóng hàng đi chào bán, hết HC sẽ không mang về, vì rất tốn kém. Một DN chuyên về gốm sứ cho biết, hàng của công ty toàn là mẫu mới, giá sản xuất ở trong nước đã hơn 200 triệu đồng, tiền vận chuyển khoảng 100 triệu đồng, mà họ trả có 500 euro (tương đương hơn 12,5 triệu đồng). Nhiều DN không dám bán, sợ mất mẫu nên họ đã đập bỏ. Còn có DN vừa bán, vừa cho khi kết thúc HC. Chứng kiến cảnh tượng này, tôi thật sự thông cảm với các DN VN trong cuộc "đấu trí" để có thị trường ở xứ người thật không đơn giản.
Hội chợ Frankfurt diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu và thế giới phục hồi còn mong manh. "Cơn bạo bệnh" luôn ám ảnh quay trở lại. Điều đó đã phản ảnh khá rõ nét vào không khí HC và những cảm nhận cụ thể của các DN VN với các mức độ thua lỗ. Cạnh tranh luôn là câu chuyện sống còn, nóng bỏng trên thương trường quốc tế. Điều đó làm tăng thêm thách thức khi kinh nghiệm thương trường còn ít ỏi, tiềm lực còn hạn chế, chi phí lại quá cao. Bởi vậy, mỗi lần xuất quân, các DN VN cần tính toán thật cẩn trọng, phải tìm ra những mặt hàng, mẫu mã, giá cả... có ưu thế khác biệt, vượt trội mới có thể gặt hái được thành công.