Từ đại hội tới đại hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 12/10/2010
Đại hội lần thứ nhất: Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định cải tạo XHCN, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và củng cố hệ thống chính trị
ĐH diễn ra từ ngày 21 đến 30-4-1959, ĐH vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự. ĐH có 236 đại biểu chính thức và 77 đại biểu dự thính đại diện cho trên 12.000 đảng viên Thủ đô.
Thay mặt BCH TƯ Đảng và nhân danh một đảng viên của Đảng bộ thành phố, tại ĐH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng bộ Hà Nội cần phải phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng… Đảng viên, đoàn viên, bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì phải thật sự gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.
Tại ĐH, các vấn đề về cải tạo xã hội chủ nghĩa, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và củng cố hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm. ĐH đã bầu BCH mới gồm 31 ủy viên.
* Đảng bộ tỉnh Hà Tây (cũ) tiền thân là Đảng bộ tỉnh Hà Đông và Đảng bộ tỉnh Sơn Tây.
Trong 3 ngày 5 đến 7-7-1947, ĐH lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Hà Đông diễn ra tại đình làng Hòa Chanh (nay thuộc xã Hòa Lâm), huyện Ứng Hòa. ĐH ra nghị quyết về công tác tuyên huấn, kinh tế - tài chính và dự án công tác hành chính kháng chiến, công tác dân quân... và bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí chính thức, 2 đồng chí dự khuyết.
ĐH lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Sơn Tây diễn ra tháng 7-1948, làm việc trong 5 ngày tại thôn Yên Mỹ, xã Thái Học (sau này là xã Thanh Mỹ), huyện Tùng Thiện với hơn 40 đại biểu tham dự. ĐH đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, các tổ chức quần chúng và tổ chức kinh tế. ĐH bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa I gồm 9 ủy viên.
Đại hội lần thứ hai: Đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp làm trọng tâm
ĐH đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ II, nhiệm kỳ 1961-1963 họp từ ngày 25-1 đến 2-2-1961 tại Nhà hát Lớn, có 310 đại biểu dự.
ĐH đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô trong nhiệm kỳ là: ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp (bao gồm cả thủ công nghiệp) làm trọng tâm. Đồng thời chú trọng phát triển giáo dục, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. BCH mới do ĐH bầu ra gồm 30 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết.
Trong nhiệm kỳ này, TP Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính lần thứ nhất với tổng diện tích 586km2, với dân số 96 vạn người.
* ĐH lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Hà Đông diễn ra tại đình Cống Khê, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức từ ngày 11 đến 13-7-1949, có 104 đại biểu dự. Với tinh thần “tất cả cho quân sự”, “tất cả cho chiến thắng”, ĐH quyết định tập trung năng lực vào những vấn đề chủ chốt: ra sức đào tạo cán bộ, giáo dục đảng viên; thực hiện tất cả cho quân sự, tất cả cho tiền tuyến; đẩy mạnh phong trào thi đua... ĐH đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 11 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết.
ĐH lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Sơn Tây diễn ra ngày 20-4-1951 ở Suối Dền, xã Tân Dân (nay là xã Khánh Thượng, Ba Vì). Trong 7 ngày, ĐH kiểm điểm tình hình, thảo luận biện pháp đẩy mạnh du kích chiến tranh, phát triển, củng cố giữ vững cơ sở. ĐH bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa II gồm 10 ủy viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết.
(Theo sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (giai đoạn 1930-2000), NXB Hà Nội - 2004 và Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây 1947-2005, tháng 8-2005).