"Những thương hiệu nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội"

Văn hóa - Ngày đăng : 16:22, 11/10/2010

(HNMO) - Hà Nội - Vùng đất linh thiêng, nơi đã sản sinh, hội tụ trăm nghề và  nhân kiệt bốn phương. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hiệp hội UNESCO thành phố phối hợp cùng Cổng thông tin Thi đua khen thưởng- Giải thưởng Việt Nam, Cty cổ phần Giải thưởng Awards.JSC đã cho xuất bản ấn phẩm “Những thương hiệu nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội”.

(HNMO) - Hà Nội - Vùng đất linh thiêng, nơi đã sản sinh, hội tụ trăm nghề vànhân kiệt bốn phương. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hiệp hội UNESCO thành phố phối hợp cùng Cổng thông tin Thi đua khen thưởng- Giải thưởng Việt Nam, Cty cổ phần Giải thưởng Awards.JSC đã cho xuất bản ấn phẩm “Những thương hiệu nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội”.

Đây là cuốn sách nghiên cứu, ghi nhận và tôn vinh hơn 100 thương hiệu Làng nghề - Phố nghề, Cửa hiệu và Doanh nghiệp nổi tiếng, bền vững với năm tháng hoặc có bước phát triển mạnh mẽ trên đất Thủ Đô qua các thời kỳ. Qua đó góp phần quảng bá những sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu cùng sự thăng hoa của nền công thương Thăng Long - Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Sau hơn một năm chuẩn bị, với sự cộng tác nhiệt tình của các nhà sử học, kinh tế, báo chí; các hiệp hội làng nghề, doanh nghiệp, tập đoàn…trên địa bàn Thủ đô, cuốn sách đã chính thức được xuất bản đúng dịp Đại lễ, nội dung bao gồm 6 phần chính:

Phần I:THƯƠNG HIỆU LÀNG NGHỀ - PHỐ NGHỀ

Suốt bao đời nay, đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội là nơi tập trung hàng ngàn nghệ nhân tài hoa cùng hàng trăm nghề thủ công tinh xảo nhất của cả nước. Cuốn sách dành giới thiệu một số Làng nghề - Phố nghề với những mặt hàng truyền thống nổi tiếng của Hà Nội nhiều thế kỷ qua như: gốm Bát Tràng, giấy Yên Thái, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, thêu Quất Động, phố Hàng Bạc, phố Lãn Ông…Làng nghề - Phố nghề không chỉ phản ánh giá trị thương mại mà còn là sự gắn kết các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất ngàn năm văn hiến này.

Phần II:THƯƠNG HIỆU LỊCH SỬ

Cùng với các Làng nghề - Phố nghề, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hà Nội đã xuất hiện hình thức sản xuất công nghiệp tập trung với khái niệm công ty, nhà máy. Dù chịu sự kiềm tỏa của thực dân Pháp nhưng nhiều xưởng sản xuất, cửa hiệu kinh doanh của người Việt đã được lập ra, cạnh tranh mạnh mẽ với các thương nhân người Pháp, Hoa kiều như: Thủy tinh Thanh Đức, Dệt Cự Goanh, Giang Hải Thái Bạch Công ty, Lụa Trịnh Phúc Lợi, Nhà in Tân Dân…Theo thời gian những thương hiệu này dần mai một nhưng đã tạo bước chuyển biến mới trong phương thức kinh doanh, đặc biệt góp phần khẳng định trí tuệ kinh doanh của người Tràng An và lòng tự tôn dân tộc của người Việt.

Phần III:THƯƠNG HIỆU THỜI GIAN

Bên cạnh những thương hiệu đã đi vào lịch sử, nhiều cửa hiệu và doanh nghiệp tên tuổi vẫn theo suốt mỗi bước thăng trầm của nền kinh tế Hà Nội. Đó là bánh cốm Nguyên Ninh phố hàng Than, cửa hàng Chả cá Lã Vọng nổi tiếng gần 150 năm; là thương hiệu rượu, bia Hà Nội hơn 100 năm mang đậm nét văn hóa truyền thống. Cùng với công cuộc phát triển kinh tế Thủ đô, xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, nhiều doanh nghiệp xương sống ngành Dầu khí, Điện lực, Viễn thông, Ngân hàng…và những cơ sở công nghiệp chủ lực đã được thành lập mới như: Nhà máy Cao su Sao Vàng, Văn phòng Phẩm Hồng Hà, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Xe đạp Thống Nhất, Giầy Thụy Khuê, Cơ khí Mai Động, Điện cơ Thống Nhất, Dệt 10/10…Dù phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế bao cấp, sự cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế thị trường nhưng các doanh nghiệp ấy vẫn vượt lên, khẳng định sức sống mạnh mẽ và bền bỉ, góp phần xây dựng nền Công thương Hà Nội ngày thêm vững chắc.

Phần IV:THƯƠNG HIỆU ĐỔI MỚI – ĐỘT PHÁ

“Làn gió” Đổi mới là một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam. Đó là cơ hội lớn cho sự ra đời và phát triển của hàng vạn doanh nghiệp trên đất Thủ đô. Trong số ấy, nhiều doanh nghiệp tựa như “chàng Gióng” đã vùng lớn mạnh, có tốc độ phát triển đột phá, căng cánh buồm Thương hiệu ra biển lớn Hội nhập kinh tế quốc tế như: Tập đoàn VINATEX, HUD, FPT, VIETINBANK, CMC, HAPRO, VINACONEX, SUDICO…Những doanh nghiệp này không chỉ góp phần khẳng định vị trí đầu tầu của nền kinh tế Thủ đô mà là minh chứng tự hào cho đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta hơn hai thập kỷ qua; đồng thời khẳng định vị thế “địa linh, nhân kiệt” của vùng đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm.

Phần V: THƯƠNG HIỆU QUỐC TẾ

Sự xuất hiện của hàng trăm thương hiệu quốc tế lớn tại Hà Nội đã khẳng định chính sách mở cửa và hợp tác quốc tế rộng rãi của Đảng và Nhà nước Việt Nam; đồng thời phản ánh những nỗ lực lớn trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội. Ấn phẩm này dành giới thiệu một số thương hiệu quốc tế hàng đầu như: CANON, PANASONIC, CBRE, BIGC, MELIA, HILTON, APOLLO…Đây là những thương hiệu đã tạo ra dấu ấn mới trong ngành, lĩnh vực đang đầu tư tại Hà Nội.

Phần VI: QUẢNG BÁ THƯƠNG HIỆU

Bên cạnh những bài viết về những thương hiệu nổi tiếng, cuốn sách dành riêng phần VI để giới thiệu địa chỉ và quảng bá về dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp bằng hình ảnh.Với tấm lòng yêu Thủ đô Hà Nội những người biên soạn sách mong muốn ấn phẩm “Những thương hiệu nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội” sẽ là quà tặng ý nghĩa với mỗi người say mê kinh doanh và tâm huyết với Thủ đô. Vì vậy, trong mỗi bài viết thương hiệu đều được gửi gắm tình cảm, sự chăm chút của người viết và biên tập…

Sách “Những thương hiệu nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội” dày 240 trang, khổ 22 x 26 cm, được in song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) trên giấy couse, trình bày đẹp, hấp dẫn và được bán với giá 150.000đ/cuốn. Liên hệ tại Cty CP Giải thưởng Awards.JSC (website: www.giaithuong.vn)

Quang Anh