Suy ngẫm giữa ngày Đại lễ
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 11/10/2010
Quần chúng nhân dân chào đón các đoàn diễu hành. Ảnh: Như Ý |
1. Chưa có bao giờ tôi được thấy một Hà Nội nhộn nhịp như những ngày này. Tối trước ngày Đại lễ, dòng người đổ về Thủ đô càng đông. Người đi bộ nhiều lắm, từng tốp từng tốp nối hàng từ mọi ngả đổ về trung tâm thành phố đón đợi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành. Người lên hồ Hoàn Kiếm, người tới Quảng trường Ba Đình lịch sử, người đến quảng trường trước Sân vận động quốc gia Mỹ Đình nườm nượp người xe.
Những gì diễn ra đêm trước Đại lễ là điều chưa từng có ở Hà Nội. Người ngoại thành, người ngoại tỉnh đổ về Nguyễn Thái Học, Lê Trực, Cửa Nam, Kim Mã, Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng... nghỉ đêm ngay trên hè phố. Người ta tranh thủ bán những cây cờ Tổ quốc nhỏ xinh, những chiếc áo phông cổ tròn ai đã nảy sinh ý tưởng in trên đó hàng chữ "Tôi yêu Hà Nội". Ai cũng muốn muôn người rõ mình là người trong cuộc. Những dải lụa đỏ chữ vàng "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" ngay ngắn trên mái đầu bạc, hình trái tim nền đỏ sao vàng trên má thiếu nữ, hàng trăm người nối vòng tay lớn trên bờ hồ Hoàn Kiếm, những cánh tay mang cờ Tổ quốc phất mãi không thôi. Ở đâu giữa thành phố này cũng có thể bắt gặp những khuôn mặt bừng sáng trong nền trời đêm thắm đỏ đèn hoa...
Sớm 10-10, cả thành phố bừng bừng bầu không khí lễ hội. Từ ngoại ô, từ vùng phụ cận, những chiếc buýt chở khách miễn phí trong ngày Đại lễ vẫn ùn ùn đổ khách về khu vực trung tâm. Hàng đoàn người tiếp tục dồn về khu vực ngoại vi Quảng trường Ba Đình. Và khi những loạt đại bác rền vang báo hiệu thời khắc bắt đầu cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành lớn nhất từ trước tới nay, không chỉ có hơn 4 vạn người may mắn có mặt trên những vuông cỏ xanh ở Quảng trường Ba Đình được chứng kiến một sự kiện có tính lịch sử. Bấy giờ, người người đã đông kín hè phố trên những tuyến đường mà khối diễu binh, diễu hành sẽ đi qua, từ Nguyễn Thái Học đến Cửa Nam, Hàng Khay, từ Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai ngược về Kim Mã. Những người không kịp và không thể chen chân giữa khối người khổng lồ ở nơi đoàn sẽ qua thì tìm cho mình một chỗ trước màn hình lớn bên hông Nhà hát Lớn, ở vòng xoay ngay cửa Công viên Thủ Lệ. Những hàng cà phê lớn trên phố Tô Hiệu, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Hàng Hành đã đầy ắp người, những gia đình cả nhà lớn bé, dâu rể háo hức dõi theo màn diễu binh được truyền trực tiếp qua màn hình nhỏ.
2. Vào lúc đoàn rước mô hình Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long diễu qua lễ đài, tôi rời khu trung tâm lễ hội tìm đường về phố cổ. Nhà Nguyễn Trung Dũng bạn tôi trên phố nhỏ Hàng Đào hôm nay có buổi họp mặt đại gia đình. Trên căn gác hầu như không có gì thay đổi suốt dăm chục năm qua, cả gia đình Dũng đã quây quần bên bộ tràng kỷ khảm trai có từ đời cụ nội của anh. Dũng nói: "Anh chị em từ Bạch Mai, Gia Lâm, Mỹ Đình về đây từ tối qua, vì sợ cấm đường. Cả nhà xem mít tinh ở nhà, vừa xem vừa chuẩn bị cơm cúng tổ tiên, gọi là nhớ đến người đã khuất trong ngày trọng đại kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi". Căn gác nhỏ ngát hương, cũng một mâm ngũ quả đủ đầy, một mâm cơm cúng đủ những gà, xôi, măng, miến... như thể đang là thời khắc đón mừng năm mới vậy. Bà mẹ từ dưới bếp lên, thêm nước cho bình trà thơm, "mời cháu!" rồi thủng thẳng: "Cái phố này hôm nay nhiều người làm cỗ lắm chứ chẳng riêng nhà bác. Tinh mơ ra chợ Hàng Bè thì biết ngay, ai nấy cứ là tay xách nách mang. Bao nhiêu là điều lớn lao diễn ra ở Hà Nội này rồi nhưng ngày hôm nay thật đặc biệt, không thể thiếu con cháu cùng mâm cỗ nhớ ông bà mình, cháu ạ".
Sau lễ diễu binh, trục đường quanh Quảng trường Ba Đình là một biển người tỏa bốn hướng. Người về nhà, người về lại Hồ Gươm chờ hội vui mới. Cả một hàng dài nối nhau ra Cầu Giấy, Xuân Thủy theo đường Lê Đức Thọ về sân vận động Mỹ Đình, nơi sẽ diễn ra đêm hội nghệ thuật giã hội 10 ngày Đại lễ mừng Thủ đô nghìn tuổi. Tôi ra Yên Phụ, theo con đường gốm sứ men đê dẫn ra mạn cầu Thăng Long để về lại Mỹ Đình. Gió thu nhè nhẹ, nắng thu hanh hao, phố phường mới mẻ rợp màu cờ đỏ trong mắt người. Trong quán ăn nhanh trên đường Nguyễn Cơ Thạch, hương cà phê thơm phức, khách hành lễ như đã thong thả trở lại. Chuyện vui diễu binh, diễu hành lẫn với những điều khác lạ. Tôi nghe một bác nói với người cùng bàn: Hôm vừa rồi đọc báo, thấy cái tựa đề Miền Trung hỏi Hà Nội có mưa không mà thấy thương quá! Mình ở Hà Nội này "mưa chẳng đến mặt", người ta chạy lũ mà còn ngóng ra Thủ đô, lo mưa rơi thì cả nước mất vui. Hà Nội mình, biết nghĩ sao cho phải!
Trưa hôm qua đã có bao gia đình Hà Nội mở tiệc mừng Thủ đô? Người già dạy con cháu bằng niềm tự hào và tình yêu Hà Nội thầm kín, tự trong tim. Hà Nội là vậy, kết tinh và lan tỏa bao điều hay nhẽ đẹp. Người Hà Nội là vậy, có bộn bề lo toan thì vẫn giữ được cốt cách căn bản được hun đúc qua bao thế hệ, không dễ gì phai nhạt. Tôi nghĩ thế, lại nhớ lời bác nọ trong quán ăn nhanh hẳn là không phải thốt ra sau những giờ khắc phấn khích ngập tràn niềm vui, mà từ sâu thẳm tấm lòng người Hà Nội đích thực. Người Hà Nội ta, trót có ai bươn bả toan tính quá mức thì chẳng phải giờ nên học ở chính những thân phận thiệt thòi nơi miền Trung nắng lửa mà tu chỉnh mình hay sao?
3. Đầu giờ chiều. Bấy giờ Mỹ Đình đã đông lắm rồi. Cả một khối người tìm kiếm bầu không khí lễ hội cộng đồng, chia sẻ niềm vui hoặc săn lùng một tấm vé vào sân để được tận mắt chứng kiến bữa tiệc âm thanh - ánh sáng của tổng đạo diễn Trọng Đài.
Chẳng phải ai cũng có cơ hội cho mình một chỗ ngồi trên sân vận động quốc gia vào tối hôm qua nhưng người ta vẫn nô nức tìm về Mỹ Đình. Mới 6 giờ tối, các nẻo đường dẫn vào sân vận động đã đông cứng người. Các bãi gửi xe mọc như nấm mà không đủ chỗ cho người dự hội, những người chậm chân đành mang xe vào mãi đường Nguyễn Cơ Thạch phía trong. Sân Cung Điền kinh trong nhà kín người gửi xe, đường mới Trần Hữu Dực, Hàm Nghi đầy ắp những người. Ở vòng xoay ngã tư Lê Đức Thọ - Trần Hữu Dực, khối người đi bộ vào - ra sân vận động lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Hàng chục người không đủ sức vào đến khu vực soát vé đành ôm giấy mời quay ngược mà cũng không thể tìm đường giữa khối người từ ngoài tràn vào càng lúc càng đông. Một bác gái ở tòa chung cư CT5-ĐN4 - Mỹ Đình thẫn thờ: "Chưa bao giờ tôi thấy cảnh người đông như thế này. Có vé mà không thể vào sân mà xem, tiếc ghê lắm!".
4. Hà Nội những ngày qua rộn rã niềm vui. Mấy nghìn ngày nỗ lực hướng về Đại lễ, cả nước dồn sức cho Hà Nội mở bao đường mới, bao công trình hiện đại đã mọc lên, bao dự án cải thiện môi trường tự nhiên - xã hội tạo hiệu ứng tích cực tới đời sống.
Những ngày vui rồi cũng qua đi. Bạn bè dù lưu luyến cũng phải nói lời tạm biệt, "nhường" Hà Nội cho người ở lại. Biết bao khó khăn trước mắt trên con đường xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại. Hà Nội thuộc số gần ba chục thành phố ít ỏi trên toàn thế giới có độ tuổi trên một nghìn, nhưng chúng ta làm gì để sánh được với những thủ đô - thành phố ngàn tuổi khác như Paris, London, Athens, Jerusalem, Prague? Vậy thì, sau những ngày hội mừng sự kiện trọng đại Thủ đô tròn nghìn tuổi, chúng ta lại đứng trước nhiệm vụ lớn lao từ nay đòi hỏi một thái độ ứng xử hơn hẳn, xứng với tầm vóc một Thăng Long - Hà Nội giờ đã khác trước nhiều.