Triệu tấm lòng hướng về Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 11/10/2010

(HNM) - Trong không khí tưng bừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhân dân các vùng đất từng là kinh đô của nước Việt như Phú Thọ, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế… đã cùng nhân dân Hà Nội hát vang bản hùng ca, ca ngợi lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Tất cả như một thông điệp khẳng định tình yêu Tổ quốc, yêu mảnh đất Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và văn hiến trong mỗi người Việt Nam.

Thêm phần ý nghĩa cho ngày Thủ đô Hà Nội mở hội ngàn năm, những ngày cuối tháng 9, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trao tặng nhiều hiện vật linh thiêng từ vùng đất Tổ cho Hà Nội. Đó là mẫu đất và nước được lấy từ núi Nghĩa Lĩnh (TP Việt Trì) cùng một phiên bản trống đồng và một Nha chương (tức Quyền trượng - vật thể hiện quyền lực của các thủ lĩnh thời đại Hùng Vương, được phát hiện tại xóm Dền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh). Bà Nguyễn Thị Kim Hải nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên quê hương đất Tổ có ý tưởng tặng những món quà này cho Thủ đô từ năm 2009 với ý nghĩa mong hai địa phương luôn đoàn kết, gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh. Những món quà này được đặt ở những nơi trang trọng nhất, được trưng bày trong triển lãm "Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội" tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt -Xô trong 10 ngày Đại lễ và những ngày sau đó để nhân dân và du khách có thể hiểu hơn mạch nối lịch sử giữa đất Tổ Hùng Vương với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Bức tranh thêu kỷ lục “Cội xưa” tỉnh Ninh Bình tặng Thủ đô Hà Nội trong dịp Đại lễ. Ảnh: Nhật Nam

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết thêm: Về Thủ đô tham dự Đại lễ, "hành trang" mà Phú Thọ mang theo còn là hàng trăm hiện vật, hình ảnh, tư liệu chọn lọc về thời đại Hùng Vương, về nhà nước Văn Lang, về các lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ (lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, lễ hội Phết Hiền Quan, lễ hội Trò Trám Tứ Xã…) để trưng bày trong triển lãm "Những thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội"; đồng thời biểu diễn hát Xoan tại nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô.

Cùng với Phú Thọ, mảnh đất cố đô Ninh Bình có nhiều việc làm ý nghĩa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điển hình là việc khai quật khảo cổ học nhận diện về Kinh đô Hoa Lư xưa gắn liền với ba triều đại Đinh - Lê - Lý để làm rõ hơn giá trị lịch sử của Kinh thành Thăng Long. Ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Sở VH, TT&DL Ninh Bình phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành dự án khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm di tích Cố đô Hoa Lư từ cuối năm 2009 với diện tích khoảng 500m2. Những kết quả bước đầu thu được đã mở ra một phần diện mạo của Kinh đô Hoa Lư xưa, nhất là việc xuất lộ đoạn tường thành dài trên 30m. Đoạn tường có bề mặt rộng 0,85m, cao 0,5m là sự kết cấu của những viên gạch hình chữ nhật, màu đỏ tươi, có in chữ Hán: Đại Việt quốc quân thành chuyên (gạch Đại Việt xây thành), một loại gạch phổ biến dưới triều Đinh. Móng đoạn tường này được gia cố bằng phương pháp đóng cọc gỗ, lót lá. Trên lát cắt của tầng văn hóa khảo cổ có nghìn năm tuổi này còn cho thấy dấu ấn nhiều thời đại với các hiện vật như gạch hình vuông trang trí hoa sen, chim phượng; dòng gốm bát, đĩa, men trắng, xám nhạt; vò sáu núm của thời kỳ nhà Đinh; gốm men trắng ngả vàng thời Lý - Trần; gốm hoa lam thời hậu Lê… "Đây là những hiện vật khá tương đồng với những hiện vật tìm thấy được ở Khu di tích 18 Hoàng Diệu, Hoàng thành Thăng Long" - ông Nguyễn Đức Long khẳng định.

Bên cạnh đó, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình còn nhiều việc làm thiết thực thể hiện tấm lòng với Thủ đô nghìn tuổi như tặng bức tranh thêu kỷ lục "Cội xưa" với 60.000 ngày công; chương trình nghệ thuật "Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội" kể về lịch sử vùng đất Hoa Lư và Thăng Long - Hà Nội bằng nghệ thuật…

Dịp Đại lễ, Thủ đô Hà Nội đón nhận nhiều món quà ý nghĩa từ mọi miền đất nước, trong đó có những món quà được hoàn thiện bởi bàn tay nghệ nhân người Huế. Theo giới thiệu của ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH, TT&DL Thừa Thiên Huế, chúng tôi trao đổi qua điện thoại với nghệ nhân làm chiếc chiêng gò bằng tay lớn nhất Việt Nam Nguyễn Văn Thùy, thuộc Hiệp hội Làng nghề Đúc TP Huế. Ông cho biết: "Gần 50 năm làm nghề, chưa khi mô tôi làm được sản phẩm ưng ý như chiếc chiêng đồng này. Chiêng nặng 50kg, thành dày 21cm, hai bên chạm hình rồng vờn mây; phía trên là Quốc huy, phía dưới là hình ảnh Quốc Tử Giám. Mặt trước chiêng có dòng chữ: "Đại khí dấu ấn tâm linh 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Làm chiêng loại này tốn nhiều công, riêng khâu vô lửa phải tiến hành 10 lần, việc lên ụ và thẩm âm kéo dài 10 ngày…".

Một đôi trống cao 2,8m, đường kính 2,2m do cơ sở trống Trường Sơn tại Huế thực hiện cũng là sản phẩm mừng Đại lễ. Anh Phạm Chí Lương, người trực tiếp làm trống tâm sự: Mỗi chiếc trống cần 60 dăm trống và hai tấm da trâu kích thước lớn nên anh phải ra tận Hải Phòng tìm da trâu loại 5-6 năm tuổi để trống được hoàn thiện với chất lượng tốt nhất. Đôi trống Trường Sơn này vang lên nhiều lần, ở nhiều nơi trong 10 ngày Đại lễ. Hơn thế, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế trong những ngày tháng 10 lịch sử này còn trưng bày gần 300 bức ảnh, tư liệu, hiện vật quý phản ánh đầy đủ các nội dung về Thăng Long - Hà Nội xưa; Phú Xuân - Thừa Thiên Huế trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc...

Hoạt động của các tỉnh, thành phố, đặc biệt của các địa phương từng là kinh đô của nước Việt Nam đã góp phần làm cho ý nghĩa Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thẩm thấu sâu đậm trong mỗi người dân nước Việt.

Hiền Dung