Ký ức nghìn năm

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 11/10/2010

(HNM) - Sáng Thu nay giữa Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng Thăng Long nghìn tuổi, tôi bỗng thấy lòng lâng lâng khúc hát Người Hà Nội… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… Ngàn năm đã đi qua trên kinh thành xưa để hôm nay Hà Nội lắng lại chuyện lịch sử qua bao nhiêu dâu bể thăng trầm…

Nghìn năm trước, vua tôi nhà Lý nghĩ gì làm gì chuẩn bị cho cuộc đổi dời lịch sử, rồi khi vừa lên ngôi đã bắt đầu cuộc thiên đô từ Hoa Lư về Đại La. Từ Thiên đô chiếu, Thái Tổ Lý Công Uẩn đã nhìn thấy Đại La là trung tâm bờ cõi. Tôi tin là khi ấy Lý Thái Tổ đã tiên lượng về một tiền đồ, một vị thế mới cho đất nước. Nếu không có tầm nhìn xa trông rộng làm sao Kẻ Chợ là nơi đến của vương triều ấy? Mới hay thời nào cũng cần thương kế, đất nước nào mà chẳng tính đến chuyện mở mang buôn bán và Kẻ Chợ là nơi định đô lý tưởng. Sự lựa chọn ấy hình như hợp với lẽ trời, bởi nói như bây giờ là có "căn cứ khoa học"… Biết rằng xưa nay thịnh suy vốn là quy luật. Dù bao vật đổi sao dời, nhưng Thăng Long, Đông Đô và Hà Nội mãi là mạch nguồn nối tiếp qua biết mấy thăng trầm. Sự ngắt quãng của lịch sử với Thăng Long - Đông Đô là nhát cắt bi thương cũng là bi kịch lịch sử. Mấy trăm năm Hà Nội là Bắc thành, lại về cấp tỉnh. Cái tỉnh Hà Nội có mỏi mòn đi mấy lớp kinh thành chìm vào phế tích, nhưng nơi ấy từ mùa Thu Ất Dậu giữa thế kỷ XX vẫn lại là Thủ đô nước Việt. Quyết định ấy như không thể khác. Tôi lại bâng khuâng nghĩ đến buổi sớm của mùa Thu nghìn năm trước, khi thuyền Rồng ngự bên sông đám mây thiêng nào mang dáng Rồng để vị vua trẻ gọi ra một cái tên kinh đô đẹp nhất: Thăng Long.

Cầu Long Biên - nơi ghi dấu những ký ức Hà Nội. Ảnh: Phạm Duy

Ngàn mùa Thu đã về trên kinh đô Rồng bay. Thăng Long từ ấy đến nay của bao nhiêu vương triều gần gũi giữa chốn dân dã. Giữa Hà Nội sáng Thu nay lòng ta làm sao không hoài nhớ về xa xưa để mà cảm phục, mà tin yêu. Có cái ngỡ ngàng của thời đại Lý triều với 215 năm oanh liệt bi hùng kiêu tráng. Cảm ơn Người đã đặt nơi này làm kinh đô muôn thủa… Đấy là một triều đại lẫm liệt, oai hùng. Tôi lại nhớ Trần triều tiếp nối lịch sử với 175 năm, ba lần chiến thắng huy hoàng quân Mông Nguyên nhưng cũng là triều đại lắm những bi thương. Ta nhớ 99 năm trị vì của Triều Lê sơ 10 đời vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng… mở mang kinh thành củng cố cương vực bờ cõi để có một kinh thành Thăng Long nguy nga tráng lệ. Cảm ơn vương triều ấy cho Văn Miếu được mở rộng, Quốc Tử Giám được nâng cấp thành một trung tâm khoa cử lớn nhất nước Nam và vì thế văn hóa giáo dục đạt đến tầm cực thịnh. Ta nhớ Nguyễn Huệ - Quang Trung thần tốc kéo quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh… Ta ngậm ngùi tưởng nhớ vị Tổng đốc Nguyễn Trị Phương cố thủ giữ thành rồi khi trúng đạn vẫn bảo con trai dìu lên tòa thành để chết trong tư thế hiên ngang. Ta nhớ Hoàng Diệu, vị Tổng đốc đã căm uất vì mất thành lần thứ hai mà tuẫn tiết. Một Tam nguyên Trần Bích San phẫn kiếp nô lệ mà nuốt giấy để nhận cái chết âm thầm…

Tôi nhớ mùa Thu Tháng Tám năm Ất Dậu. Trời Ba Đình buổi ấy xanh trong, để non sông vang vọng lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Cho tôi cúi đầu trước anh linh Người… Cho tôi được gọi quyết định của Hồ Chí Minh khi đặt Hà Nội làm Thủ đô nước Việt từ mùa Thu năm Ất Dậu là cuộc định đô lịch sử. Hồ Chí Minh đã làm cuộc dời đô và quyết định ấy đúng với cả nghìn năm… Ta nhớ Hà Nội mùa đông năm bốn mươi sáu bi hùng, khi những người con Hà Nội ra đi kháng chiến. Khí phách cha ông kết tinh nên tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giở lại tấm hình ngày Giải phóng Thủ đô, vị tướng trẻ Vương Thừa Vũ, Chủ tịch quân quản thành phố tươi cười giữa rừng cờ hoa nhân dân Thủ đô mừng đoàn quân chiến thắng trở về, thấy non nước này xưa nay vẫn nặng lòng với lịch sử…

Ta đau nỗi đau Khâm Thiên bị san phẳng trong đêm Noel năm 1972 để rồi Hà Nội lại làm nên một "Điện Biên Phủ trên không". Phải đâu bỗng chốc Hà Nội trở thành Thành phố Vì hòa bình! Ấy là nhân loại đã tin yêu bầu chọn, như là ký thác vào Thủ đô của chúng ta một niềm tin, một khát vọng, khát vọng hòa bình. Hình như là phúc phận!... Tất cả có nguồn cội từ tư tưởng nhân văn chảy từ dòng máu Việt. Một buổi lạc vào con ngõ Tràng An - cái ngõ nhỏ gợi nhớ về chốn thanh lịch tài hoa của mấy thủa. Thăng Long tứ trấn còn đây, Tràng An - Kẻ Chợ còn đấy với những cái tên thân thuộc, như đóng ấn triện vào lịch sử. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ của những dòng sông xứ Bắc mà Hồng Hà là sông Mẹ đem phù sa như sữa ngọt nuôi đất nuôi người. Ấy cũng là đất tụ nhân. Bao nhiêu tinh tú xứ Đông - Nam - Đoài - Bắc tụ về đây lo dùi mài kinh sử rồi đỗ đạt ra làm quan hay làm kẻ sĩ Bắc Hà. Chưa hết, người bốn phương tụ hội đem về đây cái khéo léo trăm nghề làm nên 36 phố phường Kẻ Chợ… Đất này đón nhận, tinh lọc và làm thăng hoa tất cả, đặng bồi đắp cho văn hiến Việt từ đất Thăng Long.

Hà Nội đương khởi sắc đi lên hiện đại mà vẫn giữ cái cốt cách tinh hoa. Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo, vị Chủ tịch thành phố hôm nay bảo với tôi về tầm vóc Hà Nội mình nay mai: "Đó là một thành phố không chỉ nguy nga hoành tráng mà còn là một trung tâm hành chính - chính trị, một trung tâm văn hóa giao lưu quốc tế, một trung tâm kinh tế khoa học công nghệ cao. Hà Nội sẽ là một đô thị sinh thái có kiến trúc đẹp, đồng bộ, một thành phố mang dấu ấn của Thủ đô văn hiến nghìn năm…".

Một Hà Nội đang vươn lên những tầm cao. Bên cạnh hàng trăm cao ốc làm nguy nga thêm cho Hà Nội mới, bên trong thành phố cổ còn một Hoàng thành cổ kính vùi lấp giữa tro bụi thời gian đương phát lộ những giá trị lịch sử vừa được công nhận là di sản thế giới. Giữa Hoàng thành hôm nay, ta nghe vọng về Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương và Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi. Còn đây tiếng sênh phách ca trù giữa kinh đô hoa lệ, dẫu thành quách này đổ nát từ lâu qua bao phen binh lửa. Đương mải ngắm những cao ốc, những khu phố mới bỗng bất ngờ với mái đình, ngôi chùa cổ kính như nốt lặng giữa bản nhạc ai bỏ quên, giữ cho Hà Nội những nét xưa cổ kính… Một xứ Đoài về đây mang theo cái oai linh vùng đất cổ có Tản Viên sơn ba ngọn cao ngất phía Tây. Phải chăng Hà Nội mở rộng hôm nay là một phép biện chứng tự nhiên của lịch sử.

Anh bạn tôi từ miền Nam ra lần nào cũng cất công đi tìm những hàng phở ngon của Hà Nội. Không phải anh mê ẩm thực mà coi nó như một di sản… Anh mải miết đi tìm những dấu vết còn lại của Hà Nội xưa và ghi lại bằng hình ảnh. Đó là một tình yêu Hà Nội của người con đất phương Nam. Hình như có sự trùng hợp nào đó khi Hà Nội nghìn năm, lại có việc phong Anh hùng cho Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, người đã viết những câu thơ mang nặng tình yêu Tổ quốc: Từ thủa mang gươm đi mở nước/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Vâng! Thăng Long vẫn là niềm thương nhớ ngàn năm, là nhịp đập mang tên Tổ quốc trong những trái tim Việt muôn đời.

Yêu Hà Nội, bạn ơi, còn thấy rêu phong xin chớ vội chê cũ kỹ. Cũng như thấy cái nguy nga đừng vội lo mất hồn vía cha ông trong đường nét giữa xô bồ kiến trúc… Hà Nội ngõ nhỏ vẳng tiếng rao đêm, vẳng hương hoa sữa, vẳng làn hương cốm mới phía làng Vòng… đó là những gì thuộc về ký ức nghìn năm. Mảnh đá vỡ của Điện Kính thiên, viên gạch Hoàng Thành, vết đạn thù trên nóc thành Cửa Bắc. Một mái ngói rêu phong, một sớm Tây Hồ ngát hương sen, một ngôi chùa cổ, một quán cóc, một gốc cây cổ thụ… Tất cả là di sản, là hồn cốt thời gian. Và một tâm hồn, tính cách người Hà Nội…

Mùa Thu nay trong nắng Ba Đình, đi giữa cờ hoa lòng rưng rưng tưởng nhớ biết bao Anh hùng nghĩa sĩ, biết bao danh nhân hào kiệt cùng các thế hệ người Việt Nam… đã cống hiến cho Thăng Long - Hà Nội làm rạng rỡ đất này. Giữa Hà Nội mới hôm nay, có người Việt nào lại không tự hào xúc động khi được sống trong giờ phút thiêng liêng lúc Thủ đô bước vào thiên niên kỷ thứ hai.

Tùy bút của Tân Linh