Vững bước hội nhập và phát triển

Xã hội - Ngày đăng : 06:29, 11/10/2010

(HNM) - Vào một mùa thu cách đây tròn 1000 năm - năm Canh Tuất - 1010, Đức vua Lý Thái Tổ đã ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đến vùng đất “Trung tâm trời đất” có thế “nhìn sông, tựa núi”, “rồng cuộn hổ ngồi”, nơi “hội tụ trọng yếu của bốn phương”…


Vào một mùa thu cách đây tròn 1000 năm - năm Canh Tuất - 1010, Đức vua Lý Thái Tổ đã ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đến vùng đất “Trung tâm trời đất” có thế “nhìn sông, tựa núi”, “rồng cuộn hổ ngồi”, nơi “hội tụ trọng yếu của bốn phương”… Từ đó, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành Kinh đô của Đất Việt, đã trở thành biểu tượng linh thiêng cao đẹp, hào hùng của một dân tộc có bề dày hàng mấy ngàn năm lịch sử, đã trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt” tiêu biểu cho truyền thống “ngàn năm văn hiến” của Đất Việt.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An…”


Lung linh đêm Hồ Gươm.    

Nét đẹp và thanh lịch “người Hà Nội” được cha ông ta đúc kết từ hàng ngàn năm “như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Đó là tài sản phi vật thể vô giá của chúng ta. Đó cũng chính là cội nguồn cho mọi sức mạnh của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chúng ta tự hào có Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tồn tại gần 1.000 năm. Đây được coi là Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội. 82 bia đá ghi danh Tiến sỹ các khoa thi đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Giá trị tinh thần cao quý của nơi đây xứng đáng là “một huyền thoại để tôn thờ, là di sản bất diệt của ngàn năm văn hiến”. Hoàng thành Thăng Long dấu ấn của Hà Nội xưa giữa lòng Thủ đô vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nét đẹp của người Hà Nội thể hiện ở sự hào hoa trong đối nhân, xử thế. Từ con người thanh lịch, phục trang thanh lịch đến giọng nói chuẩn mực, truyền cảm… Nét đẹp mang tính “nhân văn của Đất Việt” đã kết tinh một cách hài hòa ở người Hà Nội từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Nét đẹp ấy, hương sắc ấy đã từ Hà Nội hào hoa lan tỏa đến mọi miền đất nước, làm cho xã hội chúng ta văn minh hơn và in đậm bản sắc của người Việt Nam, một dân tộc “hiếu khách, cởi mở và có tính nhân văn cao” trước con mắt của bạn bè quốc tế. “Những giá trị vững bền và phong phú ấy của Hà Nội là tài sản, là nguồn sức mạnh thiêng liêng và vô giá của chúng ta”.

Hà Nội không chỉ đẹp và thanh lịch. Trong cuộc đấu tranh giữ nước, Thăng Long - Hà Nội đã viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Đất Việt. Những chiến công hiển hách của Thái úy Lý Thường Kiệt, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, của Bình Định Vương Lê Lợi, của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trước kia; và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… ngày nay đều gắn liền với một Thăng Long - Hà Nội Văn hiến và Anh hùng, xứng đáng được ghi vào sử sách của nước nhà như những trang vàng chói lọi. Ngày xưa Thăng Long tự hào có Chu Văn An - vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời) với “thất trảm sớ” kinh thiên, động địa; ngày nay Hà Nội tự hào có những chiến sĩ vệ quốc sẵn sàng cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, giữ vững từng tấc đất của Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ. Thủ đô chúng ta cũng hết sức tự hào chiến đấu và chiến thắng trận “Điện Biên Phủ trên không” mà kết quả là hàng chục “pháo đài bay”, “con ma”, “thần sấm” của Không lực Hoa Kỳ… tơi tả rơi giữa đường phố, làng thôn ven đô. Hà Nội tự hào có những chiến sĩ vô danh “chẳng để lại chi trước lúc lên đường, chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”… Một Hà Nội hào hùng đã hun đúc khí thế của những chàng trai Hà thành trong đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” đã cùng cả nước viết lên bản Hùng ca đẹp nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên một người Việt Nam đẹp nhất - Hồ Chí Minh; được chắp cánh và thắp lửa bởi “lời hịch” của Đại tướng huyền thoại - Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng…” đã đưa đến thống nhất vẹn toàn cho non sông Việt Nam. Việt Nam đã bước vào một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Kể từ đó, Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới toàn diện để vững vàng bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nền khoa học nước nhà nói chung và toán học nói riêng đang có những bước ngoặt quan trọng với việc thế giới công nhận và vinh danh một công dân kiệt xuất của Việt Nam được sinh ra, lớn lên và ươm mầm tại mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. Đó là GS Ngô Bảo Châu, người thứ hai của châu Á được giải “Nôbel về toán học” - Fields. Hà Nội cũng vừa vinh danh 125 Thủ khoa các trường đại học và 20 thủ khoa thi vào Đại học trước tượng đại Đức Lý Thái Tổ anh minh.

Trên con đường hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ với mục tiêu độc lập, tự chủ, tự cường, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh để sớm trở thành “nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị xã hội ổn định; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững…” đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển dân tộc. Thủ đô Hà Nội đã và đang đi đầu trong công cuộc đó. Hà Nội trước đây là trung tâm chính trị và văn hóa. Hà Nội ngày nay còn là trung tâm kinh tế của cả nước. Các công trình có ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội như các cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì; các trường học đạt tiêu chuẩn quốc tế như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Bảo tàng Hà Nội; các tòa nhà chọc trời, công viên văn hóa, các dịch vụ phục vụ nhu cầu dân sinh; các khu di tích lịch sử với bề dày hàng trăm, hàng ngàn tuổi… đã làm diện mạo Thủ đô thay đổi từng ngày, từng giờ theo hướng văn minh, hiện đại. Chúng ta đã “chắp thêm vần” cho “lời thơ Bác năm xưa”, xây dựng một Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; một Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, thanh lịch, xứng đáng với truyền thống văn hiến ngàn năm; là “niềm tự hào của nhân dân cả nước trong việc mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững độc lập của đất nước” trong suốt bề dày 1.000 năm lịch sử.

Chúng ta tri ân Đức Lý Thái Tổ đã khai sinh ra Kinh đô Thăng Long để từ đó sau tròn ngàn năm Đất Việt chúng ta có một Thủ đô thanh lịch, anh hùng, văn minh, hiện đại, giàu mạnh, hòa bình, hội nhập và phát triển trong một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử Đất Việt - thời đại Hồ Chí Minh ngàn đời quang vinh.

Th.S Võ Quốc Hiển - Giảng viên Trường ĐH Phương Đông