Biểu tượng của lòng tự hào Việt Nam
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 11/10/2010
Trong nắng sớm mùa Thu trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, hàng chục ngàn người đã thêm một lần được chứng kiến ý chí Việt Nam, lòng tự hào Việt Nam, điều đã làm nên một Việt Nam chiến thắng, một Việt Nam đang phát triển, một Việt Nam khao khát hòa bình.
Dù không có mặt tại Quảng trường Ba Đình, đồng bào cả nước vẫn có thể cảm nhận được điều đó qua sóng phát thanh, truyền hình với 21 phát đại bác trang nghiêm, đoàn máy bay mang cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ lễ hội Thăng Long phần phật bay, những khối diễu binh và diễu hành quần chúng rạng rỡ, hoành tráng.
Nhưng có ở Hà Nội vào sớm qua, có chen vai trong dòng người đông nghịt, chưa từng bao giờ đông như thế trên đường phố, có ở trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình cùng trên 4 vạn người thưởng thức chương trình nghệ thuật kết thúc 10 ngày lễ hội đêm qua, lắng nghe tiếng cười, nhìn nét mặt phấn khởi của hàng vạn, hàng triệu con người, mới thấy hết được ý nghĩa to lớn của Đại lễ.
Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội là sự kiện chính trị - lịch sử - văn hóa lớn nhất, tưng bừng nhất bao trùm đất nước trong suốt 10 ngày qua và chắc chắn dư vang còn kéo dài hơn nữa. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là một sự kiện của Hà Nội mà là của cả nước. Nó thể hiện ý chí tự chủ, tự cường của nhân dân ta. Nó là minh chứng cho 1000 năm và hơn thế, những nghìn năm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc nhiều thăng trầm, nhiều đau thương mất mát nhưng đầy tự hào vì sau mọi thăng trầm đó, chúng ta có một Hà Nội cổ kính và hiện đại trong lòng Việt Nam đang vươn mình trong hội nhập, phát triển. Công lao to lớn đó không chỉ của riêng triều Lý cũng không phải chỉ do ý chí sáng láng của một cá nhân nào mà là của cả dân tộc, của hàng triệu con người từ đỉnh Lũng Cú tới mũi Cà Mau, của ý nguyện sắt đá bảo vệ và phát triển đất nước của cha ông ta, của chúng ta và con cháu mai sau.
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng đã đánh dấu những sự kiện hùng vĩ và cảm động về ý chí thống nhất, Nam - Bắc một nhà của mọi người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Người cũng từng nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Hướng về Hà Nội, hàng nghìn hàng triệu con người, bằng những cách khác nhau đã đổ về đây. Không chỉ mang về Hà Nội những món quà có giá trị văn hóa quý giá thể hiện ý chí sáng tạo và tài hoa của người Việt, không chỉ về dự hội, những người vượt sông vượt núi về đây hôm nay là về với Thủ đô, là chung vui với Thủ đô. Hà Nội là biểu tượng của cội nguồn là biểu tượng của niềm tự hào Việt Nam, tương lai Việt Nam.
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là dịp để người Hà Nội bộc lộ bản sắc văn hóa nghìn năm văn hiến đang tiềm ẩn trong lối sống, trong quan niệm đạo đức, trong lý tưởng và khát vọng của mình. Trong những ngày này chúng ta được chứng kiến một Hà Nội đậm đặc văn hóa Hà Nội. Văn hóa là thứ sản vật tinh tế của con người và nó cũng được cảm nhận một cách tinh tế, qua những chi tiết nhỏ nhất đến những điều lớn lao. Đã đành chưa hết được những việc còn chưa hoàn thiện nhưng điều đó không thể lấn át được một Hà Nội đẹp, một Hà Nội sạch, một Hà Nội hào hoa và nghĩa tình. Vì vậy chúng ta tin vào một Hà Nội trong tương lai, một thành phố châu Á hiện đại, có truyền thống văn hóa rực rỡ nghìn năm.
Nhưng Đại lễ cũng là dịp mong muốn Thủ đô ngày càng đẹp hơn, giàu hơn, đáng tự hào hơn trở thành những đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Bao giờ Hà Nội trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đẹp và giàu chất văn hóa như mong muốn? Bởi vậy, khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội khép lại cũng là lúc mở ra một giai đoạn mới, khó khăn thử thách nhiều hơn nhưng cũng vẻ vang hơn.