Văn hóa Thăng Long sẽ tỏa sáng cùng sự phát triển Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:06, 10/10/2010
- Thưa đồng chí, Thủ đô của chúng ta đang ở vào thời khắc lịch sử đặc biệt. Có thể cảm nhận được không khí kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang rộn ràng, niềm vui đang tràn ngập khắp phố phường. Đề nghị Chủ tịch UBND TP chia sẻ những cảm nghĩ của mình ?
Nút giao thông Phạm Hùng - Trần Duy Hưng Ảnh: Thu Giang
- Hòa cùng niềm vui chung của người dân Thủ đô, của đồng bào cả nước, của bạn bè quốc tế, tôi thực sự cảm thấy hân hoan, phấn chấn trước không khí lễ hội mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang một nhộn nhịp, vui tươi trên khắp phố phường, trong từng ngõ xóm, dưới mỗi mái nhà từ nội thành tới những thôn xóm vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, với tình nghĩa đồng bào, chúng ta còn hướng về miền Trung với những tình cảm chia sẻ nồng ấm nhất khi thiên tai đang hoành hành, gây biết bao khó khăn, thiệt hại về người và của. Song song với việc tập trung tổ chức thành công các hoạt động của Đại lễ, thành phố đã phát động toàn dân quyên góp giúp đỡ đồng bào. Lãnh đạo thành phố đã gửi điện thăm hỏi và quyết định giúp đỡ 5 tỉnh miền Trung, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Chúng ta cũng đã quyết định ngừng bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn thành phố để dành tặng toàn bộ kinh phí giúp đỡ đồng bào miền Trung. Việc làm đó cũng chính là tính cách truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, những điều mà chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy.
Điều đáng vui mừng nhất là chúng ta đang đón mừng Đại lễ cùng với những thành quả trên mọi mặt hết sức đáng khích lệ. Kinh tế xã hội Thủ đô từ đầu năm đến nay đã có những bước tiến rõ rệt. 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố tăng trưởng 10,6%. Với đà này, chúng ta có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 11% trong năm nay. Đời sống nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng cao, nhất là những gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa đã được quan tâm cụ thể, không chỉ trong những ngày lễ, Tết, mà còn bằng những chương trình, dự án thiết thực giúp thay đổi cuộc sống của họ. Thành phố đang hoàn thành cải tạo, xây mới nhà ở cho hơn 3.000 hộ nghèo. Các quận, huyện đã huy động nguồn vốn xã hội hóa giúp 4.000 gia đình xóa nhà tạm, nhà tranh, tre nứa lá. Trong hai năm qua, thành phố đã hỗ trợ cho hơn 22.000 hộ thoát nghèo. Chúng ta cũng đang tích cực đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, ngoại thành để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, 2.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho mục tiêu này… Cùng với đó là các khoản đầu tư thường xuyên để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, phát triển văn hóa…
Có thể nói, chúng ta đã đoàn kết, phấn đấu để hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng - trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Đây là thành quả xứng đáng sau những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Nhân dịp Đại lễ, thành phố cũng đã quyết định tặng quà cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo với chế độ như trong dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, niềm vui đón mừng Đại lễ không chỉ từ sự rộn ràng của lễ hội mà còn từ niềm vui của mỗi gia đình. Tôi mong muốn, niềm vui này, sự hân hoan mà Hà Nội đang có đây sẽ được chia sẻ tới từng người dân, trở thành niềm vui chung của cả nước, của những người yêu cuộc sống, yêu hòa bình và yêu Hà Nội của chúng ta.
- Trong niềm vui hôm nay, chúng ta không thể quên được những năm tháng vừa qua, thành phố đã phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành khối lượng công việc to lớn và phức tạp chuẩn bị cho Đại lễ với phố phường phong quang, sạch đẹp, những công trình ấn tượng ghi dấu kỷ niệm. Suy nghĩ của đồng chí về điều này?
- Hà Nội hôm nay đã khang trang, sạch đẹp và tươm tất hơn để đón mừng Đại lễ. Chúng ta đã phải mất rất nhiều công sức để có được điều này. Đó là thành quả của hàng ngàn người, từ sự ủng hộ, tạo điều kiện hết sức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến công sức của anh em công nhân, lao động, cán bộ chỉ huy công trường, lãnh đạo các bộ, ngành TƯ, thành phố, các địa phương bạn, các quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố, thôn, xóm, các đoàn thể chính trị xã hội… Những người đã không kể thời gian, không quản nắng mưa, vất vả lăn lộn trên công trường, lập dự án, lên kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, đốc thúc, vận động, tuyên truyền… Đặc biệt, chúng ta phải nhớ đến công lao đóng góp to lớn của hàng triệu người dân, những người đã hy sinh lợi ích để dành đất cho các công trình, những người đã chịu ảnh hưởng về sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt để cho các công trình được thi công thuận lợi.
Đến giờ phút này, chúng ta có thể tự hào về những công trình, dự án đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực đã hoàn thành để chào mừng Đại lễ. Thành phố đã phối hợp với một số địa phương trong cả nước tổ chức gắn biển Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho trên 60 công trình, trong đó không thể không kể đến cầu Thanh Trì, nút giao Kim Liên, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Cung Thi đấu điền kinh trong nhà, Trường Amsterdam, Thư viện Hà Nội và các công trình khánh thành trong dịp Đại lễ như Đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Tượng đài Thánh Gióng, Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn... Cùng với các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, thành phố còn tập trung đầu tư, xây dựng những công trình dân sinh bức xúc như trường học, bệnh viện, xử lý ô nhiễm môi trường, nhà ở cho người thu nhập thấp. Hàng chục hồ nước, công viên có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường sống của người dân Thủ đô đã được chỉnh trang, cải tạo, khôi phục chất lượng nước. Một mảng công việc vừa lớn về khối lượng, rộng về quy mô và không kém phần phức tạp là chỉnh trang các tuyến phố cũng đã được hoàn thành. Hàng chục tuyến phố chính đến nay đã mang diện mạo mới sau khi thành phố quyết liệt thực hiện chỉnh trang, hạ ngầm, bó gọn các đường dây đi nổi, trang trí cây xanh, chiếu sáng; tổ chức và vận động người dân sơn sửa nhà cửa, chỉnh trang làm sạch ngõ xóm, khu dân cư…
Có thể nói, Hà Nội của chúng ta đã khoác lên mình một chiếc áo mới đón mừng Đại lễ 1000 năm tuổi. Đây là dấu ấn đậm nét mà thế hệ hôm nay đã tạo dựng để thể hiện lòng biết ơn đối với ông cha, cũng là một phần di sản để nhắc nhở cho thế hệ trẻ mai sau tiếp tục phấn đấu. Đó còn là minh chứng về tầm vóc phát triển của đất nước, của Thủ đô, và là tiền đề để Thủ đô của chúng ta vươn lên tầm cao mới trên con đường phát triển, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng đất nước ta ngày càng văn minh, hiện đại.
- Thăng Long - Hà Nội với lịch sử ngàn năm đã tạo dựng một bề dày văn hóa, cũng chính là sức hút đặc biệt của Thủ đô của chúng ta. Thế nhưng, trong dòng chảy thị trường và sức mạnh đô thị hóa hiện nay, không ít những nét đẹp truyền thống đang có nguy cơ mai một. Hà Nội sẽ phải làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa đồng chí?
Đại lộ Thăng Long, một công trình của Thủ đô vừa khánh thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Phạm Du
- Truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm là những giá trị đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Điều này đã được TƯ và các cấp lãnh đạo thành phố nhận thức rất rõ. Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử vật thể và phi vật thể. Hàng nghìn di tích của thành phố đã được xếp hạng, đưa vào danh mục bảo tồn, đầu tư cải tạo nâng cấp. Mới đây nhất, chúng ta vui mừng đón nhận: UNESCO đã công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, Bia tiến sĩ ở Văn Miếu là Di sản tư liệu thế giới. Những nét đẹp văn hóa truyền thống phi vật thể cũng đang được đầu tư bảo tồn và phát triển. Ngay trong dịp Đại lễ này, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức những điệu múa cổ vừa được khôi phục. Đây là những minh chứng cho thấy, giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội không những đang được duy trì mà còn tiếp tục tỏa sáng.
Hà Nội coi văn hóa là giá trị trung tâm trên con đường phát triển của mình. Không chỉ bảo tồn và phát triển những giá trị, những công trình văn hóa truyền thống, thành phố đã và đang quan tâm đầu tư phát triển văn hóa mới, những công trình đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân như hệ thống các nhà văn hóa cấp cơ sở, hệ thống các nhà thiếu nhi, trung tâm thanh, thiếu niên, các công trình văn hóa như rạp hát (Công Nhân, Đại Nam)… Sắp tới đây, thành phố sẽ khởi công Nhà hát Thăng Long, công trình văn hóa lớn mang tính thời đại của Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố còn xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa cho nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa. Chủ trương này đang ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Đồng thời, thành phố đã, đang và sẽ đẩy mạnh các chương trình xây dựng văn hóa cộng đồng, gia đình và cá nhân như cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch-văn minh"…
Xây dựng một nền tảng văn hóa kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại có sức hút sẽ giúp chúng ta đẩy lùi những xu hướng xấu. Chúng ta phải làm việc này không chỉ một năm mà phải nhiều năm, cần có sự kiên trì và sự đồng thuận cao của người dân. Cần thấy rằng, mỗi người dân đều có thể đóng góp cho sự phát triển của văn hóa Hà Nội, đẩy lùi những tác động xấu bắt đầu bằng cách suy nghĩ nghiêm túc và cải thiện nếp sống từ lời ăn, tiếng nói đến cử chỉ, hành động hằng ngày.
- Trong quá trình chuẩn bị cho Đại lễ, thành phố đã thực hiện một số công việc liên quan đến nâng cao ý thức của người dân, đem lại kết quả thiết thực như xóa quảng cáo rao vặt, loại dần tệ đổ rác ra đường… Đồng chí đánh giá thế nào về sự chuyển biến này?
- Trước đây thành phố đã mất rất nhiều công sức nhằm thay đổi thực trạng trên, nhưng chưa thành công. Từ năm 2009, với cách làm đổi mới, sự vào cuộc mạnh mẽ của dư luận, báo chí, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, địa phương, nạn quảng cáo rao vặt tràn lan khắp các ngõ, phố và tệ đổ rác ra đường cơ bản được khắc phục. Đây là điều rất đáng mừng. Nó cho thấy rằng, nếu có cách làm đúng, sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng và đặc biệt là có sự ủng hộ của đông đảo người dân, việc tưởng chừng rất khó khăn vẫn có thể giải quyết được. Thành công của hai việc nói trên là sự khích lệ rất lớn đối với thành phố khi tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp không kém ở phía trước như xây dựng văn hóa giao thông, xây dựng văn hóa người Hà Nội… Tôi tin rằng, với sự ủng hộ của người dân, thành phố sẽ thực hiện thành công những dự định này.
- Thăng Long - Hà Nội đã bước sang thiên niên kỷ thứ hai. Thành phố đã chính thức bắt đầu bước vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm tuổi. Đồng chí nhắn gửi điều gì với người dân Thủ đô trong dịp lễ trọng đại này?
- Thành phố đã cố gắng làm thật tốt vai trò, trách nhiệm của mình để hướng đến mục tiêu: Tất cả người dân Thủ đô đều được tham gia và hưởng niềm vui đón mừng Đại lễ. Nên tôi mong rằng, mỗi người dân Hà Nội hãy gác lại một phần những lo toan, khó khăn, bức xúc của cuộc sống, để cùng chia vui với gia đình, bạn bè và người thân trong dịp này. Chúng ta không vui để rồi bỏ bê nhiệm vụ, công việc, chúng ta vui để cùng vun đắp tình cảm, nuôi dưỡng tinh thần để phấn đấu nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn.
Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Thủ đô Hà Nội. Như chúng ta vẫn nói, đây là sự kiện "ngàn năm có một". Giờ đây, Đại lễ không còn là của riêng Hà Nội mà còn là của đồng bào cả nước, các bạn bè quốc tế. Trong dịp Đại lễ, chúng ta được chứng kiến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của bạn bè quốc tế ngay tại thành phố. Dường như ai cũng muốn làm một việc gì đó, đóng góp một điều gì đó có ý nghĩa thiết thực với mong muốn góp tâm góp sức cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một vinh dự rất lớn đối với mỗi người Hà Nội, những chủ nhà thực sự của Đại lễ.
Chúng ta cùng cố gắng để Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thành công rực rỡ, để lại dư âm tốt đẹp trong mỗi chúng ta, trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
- Xin cảm ơn đồng chí!