Tạo thuận lợi cho người dân và DN
Xe++ - Ngày đăng : 08:20, 09/10/2010
Trao đổi với PV Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, ngành sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN bằng cách ứng dụng CNTT trong quá trình cung cấp các dịch vụ công.
- Ngành tài chính đã triển khai nhiều dịch vụ công điện tử và thu được những lợi ích nhất định. Xin ông cho biết, lộ trình triển khai những dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính trong thời gian tới?
- Những năm gần đây, Bộ Tài chính đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN thông qua việc ứng dụng CNTT vào quá trình cung cấp các dịch vụ công. 4 dịch vụ công điện tử tiêu biểu do Bộ Tài chính triển khai, gồm: dịch vụ cấp mã số cho đơn vị có quan hệ với ngân sách, khai báo tài sản công có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng (dành cho các đơn vị hành chính sự nghiệp), khai thuế qua mạng internet và dịch vụ hải quan điện tử là những kết quả bước đầu trong việc cắt giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Từ nay đến năm 2015, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ cung cấp tối thiểu 30 dịch vụ công trực tuyến đến người dân và DN. Để triển khai được dịch vụ công trực tuyến, một trong những yếu tố nền tảng then chốt là hạ tầng truyền thông và hạ tầng về chứng thực chữ ký số. Bộ Tài chính đã thiết lập được hạ tầng chứng thực chữ ký số công cộng phục vụ cho giao dịch điện tử với người dân, DN. Trên cơ sở hạ tầng này, các quy trình thủ tục hành chính đang được chuẩn hóa, hướng tới mục tiêu sẽ có gần 100 thủ tục được chuẩn hóa, sau đó thực hiện điện tử hóa.
- Vậy, trên thực tế Bộ Tài chính đã nhận được những phản hồi như thế nào từ phía DN, người dân sau khi thực hiện điện tử hóa các dịch vụ công của ngành tài chính?
- Phần lớn DN và người dân đã có sự tiếp nhận, hưởng ứng tích cực khi biết ngành tài chính cung cấp các dịch vụ công điện tử, nhất là trong hai lĩnh vực thuế, hải quan. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đã xuất hiện nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, DN. Ví dụ như tốc độ xử lý dữ liệu khi thực hiện dịch vụ điện tử, độ phức tạp, sự thân thiện, dễ sử dụng chưa cao… Vì vậy, ngành tài chính vẫn phải cải tiến nhiều hơn nữa. Riêng về dịch vụ chứng thực chữ ký số, Bộ Tài chính đang xem xét mở rộng hợp tác với nhiều nhà cung cấp để có thêm lựa chọn hơn cho người dân, DN.
- Được biết, Bộ Tài chính đang có kế hoạch kết nối với các bộ, ngành khác triển khai thu thuế qua hệ thống ngân hàng (NH). Kế hoạch triển khai đến đâu và đã thu được kết quả ra sao?
- Việc kết nối thu với NH nhằm hạn chế tiền mặt trong giao dịch tài chính, Bộ Tài chính, nhất là Kho bạc Nhà nước đã kết nối với 5 NH, gồm 3 NH thương mại quốc doanh (Công thương, Đầu tư Phát triển, Nông nghiệp) và 2 NH thương mại cổ phần (Tienphong Bank và Liên Việt). Các NH này đã triển khai thu thuế từ người dân, DN, tạo ra một mạng lưới thu rộng lớn, phục vụ cả trong giờ và ngoài giờ hành chính, rất thuận lợi cho người nộp thuế. Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều NH tham gia dự án thu thuế qua NH. Về nguyên tắc, sau này, Kho bạc Nhà nước sẽ không tổ chức thu nữa, mà toàn bộ việc thu thuế sẽ do các NH thu hộ.
Theo đánh giá bước đầu, việc kết nối thu với NH đã được triển khai hiệu quả. Hệ thống thông tin về số phải thu, phải nộp đã được kết nối thông suốt giữa các NH và kho bạc. Khi người nộp thuế đến, NH chỉ việc gõ mã số của thông báo nộp thuế vào hệ thống cơ sở dữ liệu, toàn bộ thông tin như số tiền phải nộp, nộp về khoản mục gì… đều đã hiện sẵn. Như vậy, sẽ giảm nhiều thời gian cho cả người nộp thuế và các cơ quan thu thuế.
- Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của ngành khi triển khai các dịch vụ tài chính công điện tử?
- Khi triển khai dịch vụ tài chính công điện tử, chúng tôi cũng gặp những khó khăn chung giống như nhiều dịch vụ công khác đang được cung cấp ở nước ta. Bởi, dịch vụ công điện tử vẫn đang là khái niệm mới với nhiều người dân, DN. Thậm chí, nhiều người dân, DN vẫn thích thực hiện theo hình thức truyền thống hơn là dịch vụ điện tử, vì đã thành thói quen và họ mặc định suy nghĩ, nếu có giao tiếp trực tiếp, khi gặp vướng mắc có thể giải đáp được ngay. Để triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, theo tôi ngoài nỗ lực của các bộ, ngành, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn, tăng khả năng dễ sử dụng của dịch vụ để người dân, DN quen dần. Mặt khác, người dân và DN cũng phải tự nâng cao năng lực sử dụng dịch vụ cho bản thân mình...
- Xin cảm ơn ông!