15 năm nữa, Việt Nam có đại học lọt top 200
Giáo dục - Ngày đăng : 11:25, 08/10/2010
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội ra đời là quyết tâm của Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp. Kinh phí phía Việt Nam vay đầu tư xây trường khoảng 150 triệu USD. Phía Pháp tài trợ giai đoạn đầu khoảng 100 triêu euro để xây dựng. Đây là trường ĐH duy nhất ở Việt Nam có khoa Hàng thông và Vũ trụ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng khóa 1 - Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội
Theo GS-TS Pierre Sebban - Hiệu trưởng nhà trường, thông qua các Liên minh đào tạo và nghiên cứu gồm hơn 60 trường ĐH, trường lớn và tổ chức nghiên cứu Pháp và các trường ĐH, viện, học viện và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam - trường đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu của Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Trường đào tạo và nghiên cứu 6 lĩnh vực liên ngành gồm: Công nghệ sinh học - Dược học, Nước - Môi trường - Đại dương học, Vật liệu - Công nghệ nano, Năng lượng, Khoa học và Công nghệ thông tin và Truyền thông (STIC), Hàng không vũ trụ.
Vẫn theo ông Hùng, khóa 1, trường tuyển được trên 30 sinh viên trong số 51 hồ sơ đăng ký. Sinh viên nhập học đều phải học 6 tháng dự bị tiếng Anh. Số thí sinh trúng tuyển đều có điểm đầu vào 3 môn đạt từ 19 điểm trở lên.
Sinh viên đang học tại một trường ĐH công lập chuyển sang Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội sẽ trả mức học phí tương đương với mức học phí tại trường ĐH đang học.
Phần chênh lệch sẽ được tài trợ bởi Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội. Mức học phí áp dụng cho những sinh viên còn lại là 150 US mỗi tháng.
"Bằng tốt nghiệp của sinh viên sẽ có chữ ký của Việt Nam và Pháp có giá trị làm việc ở khắp nơi trên thế giới" - ông Hùng cho hay.
Năm học 2010-2011 trường khai giảng với 1 lớp cử nhân Khoa học và Công nghệ (40 sinh viên) và hai lớp thạc sĩ chính quy (mỗi lớp 25 chỉ tiêu) các chuyên ngành Công nghệ Sinh học - Dược học và Khoa học Vật liệu - Công nghệ nano.