Giữa mênh mông biển nước
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:31, 08/10/2010
Nhóm PV Báo Hànộimới lại thêm một ngày nữa lội dòng lũ để tiếp cận với các xã bị chia cắt của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh - những nơi nhiều ngày nay trở thành ốc đảo giữa mênh mông biển nước.
Tấm gương sáng giữa dòng Ngàn Sâu
Chiều ngày 7-10, không còn một con đò nào đưa chúng tôi đi vào thôn Chu Lệ, nhà cô giáo Trần Thị Hoa (SN 1975) tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đường ô tô vào xã bị chia cắt cả tuần nay, còn mỗi lối xuôi dòng Ngàn Sâu từ xã Hương Thủy, nhưng vì sợ trời tối, đường ra khó khăn nên không người nào trong xã dám đưa nhà báo xuống thực địa. Xúc động trước thịnh tình của nhóm PV báo Thủ đô mong muốn được vào tận nơi thắp cho cô giáo một nén nhang, anh Đạo, Hội phó Hội Nông dân huyện Hương Khê đang trực tại Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện đã tình nguyện đưa đường.
Chúng tôi đi băng qua các con đường đất đỏ trập trùng giữa bạt ngàn rừng rậm tiến sát dòng Ngàn Sâu. Đường ô tô gập ghềnh khó đi, có những đoạn cả đoàn gồm Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh và PV đã phải xuống xe hò nhau dô ta dẹp chướng ngại vật cho xe qua. Đến bờ sông thì xe buộc phải dừng lại, chúng tôi tiếp tục lội bộ luồn rừng lần tìm lối về xã Hương Thủy. Xã nhỏ như một ốc đảo bị chia cắt, chỉ còn mỗi đường tàu hỏa đi qua đây mỏng manh như một sợi chỉ để định hướng.
Có lẽ không chỉ ở xã Hương Thủy, thông tin cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh bị nước lũ cuốn trôi trong lúc đi cứu trường sắp bị ngập đã khiến độc giả cả nước vô cùng xúc động. Hình ảnh người giáo viên khi biết tin trường sắp bị ngập vào sáng 3-10, đã không ngại lũ dữ, khoác vội chiếc áo mưa đến trường cách nhà 4km để sơ tán đồ dùng dạy học sẽ sống mãi trong lòng người dân Hà Tĩnh. Tiếc thương cô, bất chấp gió to sóng dữ, nước sông Ngàn Sâu dâng cuồn cuộn do thủy điện Hố Hô xả nước về, hàng trăm người dân các xã xung quanh cùng lực lượng phòng, chống lụt bão xã Hương Thủy đã huy động tất cả thuyền bè ngược xuôi tìm kiếm trong nhiều ngày. Chiều 5-10, sau ba ngày thi thể cô giáo đã được tìm thấy. Đám tang cô giáo xúc động diễn ra giữa bốn bề nước lũ bao quanh.
Đi miết trên vệt đường sắt như sợi chỉ mỏng manh, bên dòng nước lũ chúng tôi gặp một người đàn ông chít khăn tang trắng ngồi thẫn thờ nhìn đám lễ trên mấy con thuyền sát bờ, khiến chúng tôi giật mình. Linh tính như mách bảo, chúng tôi không về kịp dự đám tang cô giữa dòng nước dữ nhưng cũng được tiếp xúc với một phần câu chuyện cảm động này nên cả anh Đạo và nhóm PV cũng lặng lẽ ngồi quan sát đám lễ trên chiếc thuyền con giữa bao la trời nước. Người đàn ông chít khăn tang đó chính là anh trai cô giáo Hoa, anh Trần Xuân Hảo vừa lặn lội từ Bình Dương ra dự đám tang em gái. Anh Hảo giọng nghẹn trong nước mắt: "Em gái tôi là niềm tự hào của cả nhà bởi tấm gương vượt khó. 12 năm dạy tại trường mầm non xã là 12 năm em đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Nghe tin em mất mà tôi rụng rời. Nhưng dù vất vả, lặn lội ra với em bao nhiêu tôi càng thấy ấm lòng khi hình ảnh dũng cảm của em đã in đậm trong lòng bà con trong vùng". Cô giáo Lê Thị Hoa Lài - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Thủy khẳng định: "Cô giáo Hoa là một giáo viên dạy giỏi, được đồng nghiệp trân trọng, học sinh và phụ huynh yêu mến. Cô mất đi là một mất mát lớn không những của nhà trường mà còn của bà con cả xã Hương Thủy".
Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao quà cho gia đình cô giáo mầm non Trần Thị Hoa ở xã Hương Thủy, Hương Khê (Hà Tĩnh) bị lũ cuốn trôi.
Theo lời anh Nguyễn Trung Tiệp, hàng xóm nhà cô giáo Hoa, 7h sáng 3-10 khi thấy nước lũ dâng cao, cô Hoa đã liều mình lội dòng nước lũ chảy xiết ra cứu trường, vớt đồ dùng học tập cho học sinh. Thấy vợ đi một mình, chồng cô là anh Nguyễn Văn Trung và một người bạn là anh Lê Trong Thông đã tình nguyện đi cùng. Qua hết con dốc Hối Hối băng qua đường sắt, cách trường chừng vài trăm mét nước Ngàn Sâu đột ngột dâng cao cuốn băng cô theo dòng chảy, anh Trung chỉ kịp với tay túm được vạt mũ bảo hiểm của vợ…
Chúng tôi ngồi chết lặng gần một giờ bên bờ Ngàn Sâu chứng kiến buổi lễ gọi hồn do người nhà và bà con trong xã Hương Thủy tổ chức để tri ân người đã mất. Chiếc thuyền ván nhỏ của anh Nguyễn Trung Tiệp đón chúng tôi tiến sát thuyền anh Trung - chồng cô giáo. Nỗi đau tột cùng đến quá đột ngột khiến anh không thể nói lên lời. Phải có người thân nâng đỡ anh mới run run đón nhận số tiền và quà hỗ trợ của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới trao tặng ngay giữa dòng nước. Sông Ngàn Sâu hôm nay đã bớt hung dữ, trận lũ vừa qua đã cướp đi nhiều sinh mạng, nhưng để lại tấm gương ngời sáng của một cô giáo đã hy sinh vì các em thơ.
Sống gần sông mà không ai bị lũ cuốn
Cũng chiều cùng ngày, một nhóm phóng viên khác của Báo Hànộimới đã có mặt tại chân cầu Phúc Đồng, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, đây là điểm tiếp viện nhu yếu phẩm cho vùng rốn lũ. Đứng trên cầu, nhìn biển nước bao la vẫn bao vây các xã Phúc Đồng, Phương Mỹ, Hà Linh… chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà nước vẫn ngập đến nóc. May mắn cho tốp PV là đã đi nhờ được chiếc xuồng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh để chuyển những món quà mang nặng nghĩa tình từ Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới giúp đỡ người dân vùng lũ lúc nguy nan. Hơn 2 giờ vượt qua gần 20km sông Ngàn Sâu, chúng tôi đã đặt chân đến Phương Mỹ. Làng quê nghèo với 631 hộ/3.179 nhân khẩu (cả xã có 16 xóm), nhà nào cũng bị ngập lút nóc. Con đường quen thuộc đến trung tâm xã còn chìm dưới 2m nước, việc đi lại của người dân tất thảy trông vào thuyền, ghe.
Sau cái bắt tay đầy cảm động với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Quân, chúng tôi ngược dòng đến thăm, chia sẻ với 10 gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Phương Mỹ. Tại ngôi nhà nhỏ, tứ bề nước lũ còn bao vây, ông Nguyễn Văn Đức, thôn 2, xã Phương Mỹ không cầm được nước mắt khi thấy PV Báo Hànộimới vượt qua dòng nước lũ nguy hiểm đến động viên, tặng quà cho dân trong lúc khó khăn. Vừa đưa cho đứa cháu ngoại 2 tuổi ăn tạm gói mỳ tôm chúng tôi vừa trao, ông Đức vừa kể: Khủng khiếp quá! Trong tích tắc, cơn lũ đã cuốn sạch toàn bộ tài sản, hoa màu, lợn, gà ra sông Ngàn Sâu. May cho gia đình ông và nhiều người dân nơi đây, khi nhận được thông tin mưa lũ đã chủ động sơ tán đến nơi an toàn nên không xảy ra thiệt hại lớn về người. Nơi đây là vùng sông nước, địa hình phức tạp, để sẵn sàng đối phó với lũ, nhà nào cũng đã chuẩn bị ghe hoặc thuyền để chủ động chạy lũ, thế nên trong đợt lũ vừa rồi cả xã không có ai bị thiệt mạng…
Vượt qua những ngõ xóm sâu hun hút, bùn đất, rác còn ngập ngụa trên ngọn tre, chiếc ghe đưa chúng tôi đến để động viên gia đình ông Nguyễn Duy Hùng, thôn Mỹ Trung. Mặc dù đã nỗ lực tiếp cận, nhưng chiếc ghe không thể nào vượt qua được vì con ngõ nhỏ, cây cối đổ nát chắn ngang đường. Hay tin chúng tôi đến, ông Hùng đã bơi xuồng ra tận nơi, ôm chầm lấy chúng tôi như những người thân lâu ngày không gặp. Trong sự xúc động đến vô bờ, ông Hùng gửi lời cảm ơn những người làm báo Đảng Thủ đô, không quản ngại đường sá xa xôi thăm hỏi, chia sẻ tình cảm, tặng quà gia đình. Ông Hùng cho rằng đây là nguồn lực tinh thần giúp ông và người dân vùng rốn lũ này sớm vượt qua cơn bĩ cực.
20h, bóng đêm đã bao phủ vùng rốn lũ, chiếc ghe vượt sông Ngàn Sâu ra đường Hồ Chí Minh. Trên đường đi, anh bạn đồng nghiệp Báo Hà Tĩnh cho biết, trận mưa lũ mấy ngày qua là cơn lũ lớn trên diện rộng hiếm gặp từ mấy chục năm nay. Đến ngày 4-10, toàn huyện có 17/22 xã bị ngập, chia cắt, trong đó có 8 xã ngập sâu là Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thủy, Lộc Yên, Gia Phố và Hương Đô. Nhiều nơi trong các xã này ngập đến 3-4m; thậm chí Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh có nơi ngập đến gần 5m. Mấy ngày nay, huyện đang tập trung ráo riết cho công tác cứu trợ; 6 xuồng liên tục chở mỳ tôm, nước uống cứu trợ nhân dân, quyết không để dân bị đói, rét... Đến chiều 7-10, nước lũ ở Hương Khê rút rất chậm. Toàn huyện vẫn chìm trong đục ngầu nước lũ, hàng ngàn hộ dân đang khổ sở chống chọi với lũ, với những thiếu thốn về lương thực, nước uống.
Sau mấy ngày ngâm trong mưa lũ, một số PV của Báo đã bị cảm, tuy nhiên không ai muốn ngưng nghỉ, bởi tất cả chúng tôi đều đau đáu một nỗi lo, ở đâu đó, giữa ngàn trùng biển nước, vẫn còn những hộ dân cần được trợ giúp. Và sớm mai, chúng tôi sẽ lại tiếp tục lên đường…
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, tính đến tối 7-10, số người chết do mưa lũ đã lên tới 51 người; 18 người mất tích và 19 người khác bị thương. Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với 33 người chết, 14 người mất tích và còn ngập 106 xã của 6 huyện; ước tổng thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trung ương và các địa phương tiếp tục nỗ lực đưa lương thực, nước uống đến với người dân vùng lũ. Ngoài việc cung cấp mỳ tôm, nước uống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã cấp 300.000 viên Aquatab, 2.000kg Cloramin B, 1.500kg PUR cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế để xử lý môi trường. Bộ Quốc phòng đã tổ chức 7 chuyến bay chở 5,6 tấn hàng (mỳ tôm và nước lọc) tiếp tế cho nhân dân vùng bị cô lập của Quảng Bình và trợ giúp chuyên chở 43 lượt người; điều 2 tàu hải quân tìm kiếm tàu bị nạn trên biển; bộ đội Biên phòng cử 145 lượt cán bộ, chiến sĩ với 16 phương tiện cứu 48 người/6 tàu. |