Tìm biện pháp cân đối cung cầu và bình ổn thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 14:41, 07/10/2010

(HNMO) - Bộ Công Thương cho biết, hầu hết các Sở Công Thương, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có phương án cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2010 và các tháng đầu năm 2011...


Những thông tin trên được Bộ Công Thương đưa ra trong Hội nghị trực tuyến bàn về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường trong ngày 6/10 do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì. Tham gia Hội nghị có đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành; đại diện Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Lãnh đạo Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đại diện một số doanh nghiệp lớn tham gia chương trình bình ổn thị trường như: Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co-op), Tổng Công ty Thương mại Sài gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thép...

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các điểm cầu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí và tại các điểm cầu ở các địa phương. Hội nghị đã tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu trong công tác bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu, các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu thực hiện Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ; (Ngày 06 tháng 4 năm 2010, Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Trong đó, nhiệm vụ điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá là nhiệm vụ quan trọng).



Xuất khẩu gạo.


Nguồn cung hàng hóa bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng


Tại hội nghị, Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ: Trong 9 tháng đầu năm 2010, mặc dù nên kinh tế gặp nhiều khó khăn như giá xăng, dầu, điện, giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào và nhập khẩu tăng; lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng còn cao, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay, tỷ giá ngoại tệ biến động, tình trạng thiếu điện ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong các tháng mùa khô; thiên tai dịch bệnh, cháy rừng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nông nghiệp, làm cho đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn... nhưng nhờ thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2010, đặc biệt là Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2010 và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước nên nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực.

Trong 9 tháng đầu năm, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng ở tất cả các nhóm hàng thiết yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất hàng hóa được phục hồi. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đến hết quý III đã tăng cao hơn kế hoạch đề ra cho cả năm (9 tháng tăng 13,8%, cao hơn mức kế hoạch đề ra cả năm là 12%); đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Tốc độ phát triển tiếp tục tăng đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế cho thấy nền kinh tế nước ta phát triển ổn định.

Tại hội nghị, các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua nhằm thực hiện công tác bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường trong nước đã đánh giá. Đó là, Bộ Công Thương thường xuyên rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu; Rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đấy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; Theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết bình ổn thị trường, nhất là với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

Đã ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ, sốt ảo


Theo Bộ Công Thương, nhờ có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, hiệp hội, tại một số thời điểm xuất hiện hiện tượng sốt giá đã được Bộ kịp thời xử lý. Theo đó, trong tháng 4 năm 2010, trước tình hình giá thép tăng do giá phôi thép và thép phế trên thị trường thế giới tăng cao, một số thương nhân đã đầu cơ, găm hàng chờ giá lên, có thể tạo nên khan hiếm giả tạo trên thị trường. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp làm việc với Tổng Công ty Thép Việt Nam và có các Quyết định số 1829/QĐ-BCT và 1830/QĐ-BCT lập đoàn kiểm tra giá thép. Sau khi Tổng Công ty thép Việt Nam chính thức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc không thiếu thép xây dựng và bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đồng thời các đoàn kiểm tra giá thép thực thi nhiệm vụ của mình, hiện tượng đầu cơ, găm hàng thép xây dựng đã được giải quyết.

Hay như, cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2010, nguồn cung trong nước của mặt hàng đường giảm sút. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động họp bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cân đối cung cầu và biện pháp bình ổn thị trường. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 30/2010/TT-BCT ngày 26 tháng 7 năm 2010 quy định việc nhập khẩu bổ sung đường theo hạn ngạch thuế quan lần thứ 2 năm 2010, giải quyết được nguồn cung đường, đặc biệt cho sản xuất nhân dịp Tết Trung thu.

Tiếp theo đó, trong tháng 8 năm 2010, sau khi có tin thương nhân nước ngoài thu mua gạo giá cao để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc số 8201/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long điều tra, xác minh thông tin, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường rà soát địa bàn, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xác định chính xác tình hình, có văn bản số 204/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã có công văn số 8559/BCT-XNK gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cơn sốt “ảo” giá lúa gạo nhanh chóng được xử lý.

Đề xuất 6 giải pháp bình ổn thị trường

Tại hội nghị, các Bộ, ngành cũng đã tập trung thảo luận và đề ra một số giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Bộ Công Thương cũng đã đề xuất sáu giải pháp bình ổn thị trường. Một là, khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.

Hai là, các đơn vị thuộc Bộ là chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để đưa vào sản xuất, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.

Ba là, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.

Bốn là, tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm,... đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.

Năm là, thông qua các ấn phẩm, trang web và bản tin công thương, kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của nhà nước, thị trường, giá cả, tình hình phát triển của ngành, các giải pháp điều hành của Chính phủ nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp sức ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa.

Sáu là, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chính sách, biện pháp cần thiết để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị Quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.

L.H