Điểm giữa của đất nước

Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 07/10/2010

(HNM) - Đi bộ ở Huế, nhâm nhi mấy câu ấy, thấy nhà thơ Thu Bồn thật là giỏi. Cái hình thái thành phố có con sông hiện lên rõ quá. Từ bờ sông Hương nhìn thấy những kiến trúc quan trọng nhất, và từ những nơi ấy đâu đâu cũng thấy thấp thoáng dòng sông.

Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Đi bộ ở Huế, nhâm nhi mấy câu ấy, thấy nhà thơ Thu Bồn thật là giỏi. Cái hình thái thành phố có con sông hiện lên rõ quá. Từ bờ sông Hương nhìn thấy những kiến trúc quan trọng nhất, và từ những nơi ấy đâu đâu cũng thấy thấp thoáng dòng sông. Cái hồn thành phố từ đấy mà ra chứ đâu. Nghĩ thế, để rồi tiếc cho nhiều đô thị phía Bắc đã nhốt xong cái hồn của mình, như Hà Nội với sông Hồng, Hà Nam với sông Châu, Hà Giang với sông Lô…

Hương Giang thơ mộng, yên bình. 


Tâm thức Huế không dễ tìm hiểu. Con người kín đáo, khó bộc lộ, chả “nhã nhặn như Hà Nội, hiện đại như Sài Gòn, chân chất như khu Năm”. Đàn bà không đẹp (hay đẹp đã đi?), da khô, ngỏ câu chi cũng “dạ”. Nên chi, cứ “nhặt” từng đoạn, từng mẩu kể lại, đành gọi nó là “tâm thức” vậy.

Trở lại với cuộc mở cõi về Nam của người Việt, rồi đến cuộc trốn chạy của Nguyễn Hoàng. Đó là cuộc sinh tồn gây loạn ly, chia cắt, cát cứ, tổn hại sinh linh. Mặt khác, nó lại là sự bứt phá khai mở đầy quả quyết của thế lực mới làm nên nền kinh tế thông giao. Nhiều giá trị văn hóa phi vật thể hình thành lên từ đây…

Chẳng hạn, Nguyễn Hoàng và các chúa sau thật khéo vận những giai thoại dân gian vào mình. Đến vùng đất cao, nghe sở tại kể “sấm truyền”, rằng người đàn bà áo đỏ hiện về nói sẽ có chân chúa xây ở đây ngôi chùa, ông bèn xây chùa tại đó. Bản thân dựa vào ý thức hệ Nho giáo để bình thiên hạ, nhưng đạo Nho đề cao trung quân mà Đoan Quận công (Nguyễn Hoàng) thì không thể không cảm thấy mình là phản thần của nhà Lê. Nên ông hoằng dương Phật giáo để an đằng tâm linh trong dân. Chùa mọc lên chi chít trên đất Thuận Hóa vì thế, chủ yếu là dòng Đại Thừa từ Bắc vô.

Một mặt lập đình thờ thành hoàng, chăm chép gia phả như lối Bắc, mặt khác họ Việt hóa nữ thần Po Nagar thành Thiên Yana Diễn Ngọc Phi thờ ở điện Hòn Chén, sáng ra thắp hương khấn thần Đất. Khi vào phục vụ chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ, vốn con nhà ca kỹ, đã “chế” ra thứ lễ nhạc cung đình sơ khai từ nhạc Bắc với nhạc Chăm.

Có thể thấy gì về “hiện tượng” người Huế thành công nhiều trong ngạch ngoại giao trong các chính thể gần đây? Có lẽ có ảnh hưởng từ không gian khép kín của những ngôi nhà vườn quan lại, trong đó kẻ ăn người ở phải kín miệng, ra ngoài không bép xép “tai vách mạch dừng”. Và các chúa Nguyễn nữa. Nhiều năm trời độc lập hoàn toàn với Đàng ngoài Lê Trịnh, mà mãi đến Nguyễn Phúc Khoát họ mới xưng vương. Kinh đô nhiều biến động bể dâu, nay Lê - Trịnh mai Nguyễn thì ăn nói phải chừa đường rút. Kinh nghiệm sống dạy con người ta thu mình, tự hào, hoài cổ đấy mà thật kín đáo, kín đến âm thầm, lắm khi bị coi là “chảnh”.

Nhà vườn có ảnh hưởng lớn trong tâm hồn Huế. “Tứ đại gia tộc” Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng và Hà Thúc sinh ra lắm khoa bảng, quan lại. Trước khi cáo lão vài năm, họ mua gỗ dựng nhà rường, xây vườn hoa non bộ, trồng chè, rồi về sống chậm, khoan thai giữa thiên nhiên. Làm thơ, viết sách, họ để lại những dấu ấn văn hóa trong cộng đồng. Thành phố nhỏ, mấy chục năm qua chỉ nhích lên trên con số ba chục vạn dân chút ít, mà không ít trí thức độc lập, nghĩa là cứ ngắm nghía mảnh bát, màu men gốm cổ mà gọi ra bao nhiêu điều từ quá khứ. Độc lập không có nghĩa là đối lập với chính quyền hiện thời, chỉ là không ăn lương nhà nước, biên chế trong trường này viện nọ. Nhiều người nằm lòng chương điển Thánh hiền, đọc được chữ Phạn, lắm tiến sĩ mới phải đến hỏi. Nhưng họ chả có mấy nhu cầu “để lại cho đời” tác phẩm này nọ, chỉ tham gia giảng các khóa học của nhà chùa. Sau năm 1975, thuyền khai thác cát sỏi “múc” lên dưới lòng sông Hương hằng hà sa số đồ cổ, họ mua lại để đầy trong nhà, không sang đi bán lại, sáng ra pha ấm chè ngắm nghía. Có người đi các làng, dòng họ lập phả rồi sưu tập về sắc phong, văn bản. Trí thức độc lập, dù ở tầm địa phương cục bộ hay đã tới “trình” khái quát, so sánh được, là một đặc sản của Huế. Lọ mọ, khuôn phép, khép kín, lắm lúc tồn cổ đến gàn dở, trong người họ như có khu vườn nhỏ, ai biết thì khai thác được, không thì thôi.

Nhờ những tàng ẩn như thế trong tâm thức - từ trí thức đến dân thường, Huế giữ được vẻ riêng cho mình, chưa bị pha phách, lai tạp. Người lớn tuổi còn nhớ những năm từ 1965, tràn vào miền Nam, người Mỹ phát hành đô la đỏ chỉ mua được ở hệ thống PX. Hàng hóa bộ máy quân sự đem ra quá rẻ và nhiều, bán đổi thành một đặc quyền, thay đổi tàn bạo diện mạo các đô thị. Sài Gòn đã đành, nhưng Đà Nẵng bị ảnh hưởng nhanh chóng thứ văn hóa tiêu thụ của Mỹ. Chỉ cách chưa đầy trăm cây số về phía Bắc nhưng bản năng Huế tự vệ đến là kín trước nền văn hóa tiêu thụ này. Đàn bà vẫn áo dài tha thướt, đi lại nói năng đúng phép. Bốt Mỹ hồi đó không đóng trong Đại Nội mà ra xung quanh, tập trung mạn Phú Bài, tức là cũng né phản ứng của “đám dân phong kiến”.

Mấy chục năm sau, Huế dường như vẫn đủng đỉnh, chả cần vội vàng đua chen. Nhà cửa có thể hẹp nhưng lăng mộ cất lớn, thờ cúng kiêng kỵ rất kỹ. Thành phố nhỏ nhắn, đường xá rộng, ít tắc xe, khẩu trang “ninja”, đã đành, mà đầu trọc với tóc vàng sành điệu thì như là của hiếm. Thanh niên đi xa, dù chả giàu có, “ăn cái tép bưởi phải cắn đôi”. Đôi khi những cái đó làm họ khó hòa đồng. Họ mặc kệ.

Là nơi tập hợp con người, sản vật tứ xứ, Huế, từ thuở kinh đô, hình thành nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. “Hội tụ, kết tinh, nâng cao đến mức cung đình”, ấy là quy luật. Có thể thấy điều ấy trong món ăn uống, cao lương mĩ vị hay chỉ khoai đậu chay tịnh, thì mâm bát cũng phải “trình bầy” cho sướng con mắt. Nhã nhạc (đã được công nhận di sản văn hóa UNESCO), múa cung đình là đặc sản của quan viên, có những trình thức rất nghiêm ngặt. Hồn nhiên hơn, không bác học bằng, ca Huế lại gần gũi người bình dân, hợp với phong cảnh mênh mông đầm phá. Và nhắc đến tâm thức Huế mà quên hình ảnh con sông Hương thì không đủ. Trải dài làm minh đường, chỗ tựa cho kinh thành đã đành, nó còn tạo nên những tâm hồn, sự thơ mộng trong cốt cách. Đến nỗi mà lần đầu từ Hà Nội vào, học giả Thượng Chi thốt lên: “Sông Hương như cô gái đương thì”…

Hướng đi nào?
Bước sang thời kỳ đổi mới, nhất là giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ mặt các đô thị lớn trong nước thay đổi hẳn. Từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng cho chí Cần Thơ, Vinh… đều nhô lên tầm cao mới, những kiến trúc chọc trời, các khu kinh tế đặc trưng. Có những câu hỏi lớn xuất hiện với đất đế đô cũ: hiện đại hóa, công nghiệp hóa có nhất thiết phải đập cái cũ đi để làm mới? Có nên “hòa” vào “phong trào” xây cảng nước sâu, làm nhà máy đường như các tỉnh miền Trung để nâng thu nhập quốc dân? Và về tính cách dân cư, người Huế có nên ăn nhanh đi hối hả cho ra người hiện đại, hay cứ giữ lấy “khu vườn con con” trong mình?...

Rất nhiều cuộc hoạch định, ý tưởng, trù tính được bàn thảo. Không ít dự án hoành tráng mang về: làm nhà lớn bên bờ sông Hương, trên cồn Dã Viên, khách sạn ở đồi Vọng Cảnh… Rất may là tất cả không lên được, khi lãnh đạo thành phố và tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời được cái điều “Ta là ai, ta nên tồn tại thế nào?”.

Du lịch - ngành công nghiệp không khói - được củng cố, đẩy lên hàng đầu, đi kèm là những nhà vườn, làng nghề, dịch vụ, kì cuộc liên hoan, lễ hội. Huế chả có cái mát mẻ của Đà Lạt. Với khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, mưa dầm thối đất, có cái gì để lôi du khách từ khắp thế giới bỏ tiền về đây, nếu không phải hệ thống đền đài, lăng tẩm, chùa chiền hòa quyện trong thiên nhiên. Đập bỏ chúng đi xây cái mới, Huế vừa mất đặc trưng vừa không thể bằng Hà Nội, Sài Gòn. Nên chi giữ lại, tu bổ, khai thác. Nhà cửa xây cất không được cao quá đường hợp với mặt nước sông Hương một góc cố định. Nhờ vào sự tỉnh táo trên, từ năm 2005 đến 2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 14,2%, trong đó tỷ trọng du lịch, dịch vụ, thương mại chiếm tới 71%. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển theo hướng sạch, giữ lấy gương mặt, môi trường thanh bình cho cả vùng. Cũng trong 5 năm qua, cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực đã hình thành, số công ty TNHH tăng từ 46 lên 937, số doanh nghiệp tư nhân từ 509 lên 1.312. Doanh thu du lịch ngày một tăng, chứng tỏ vị trí mũi nhọn của mình, chẳng hạn dự kiến năm 2010 đạt tới 830 tỷ đồng.

“Ta là ai, ta nên tồn tại thế nào?”. Đại hội Đảng bộ thành phố mới đây đã dứt khoát với câu trả lời tìm ra. Huế càng phải là Huế. Cạnh thế mạnh du lịch, thành phố quyết tâm giữ lấy truyền thống xưa nay: là một trung tâm giáo dục đào tạo, văn hóa khoa học. Nhưng cũng không đơn giản, khi Đà Nẵng láng giềng có chính sách thu hút người tài bằng đất; nghe nói thạc sĩ về đầu quân nhận 30 triệu đồng, còn mức cho tiến sĩ là 100 triệu.

Huế với Thăng Long - Hà Nội
Thăng Long kể từ năm 1010, Huế từ 1802, Hà Nội từ 1945, là Thủ đô của nước Việt Nam, nghĩa là đô thị trung tâm. Dễ hiểu, là quan hệ của các vùng đất đó rất khăng khít, san sẻ, đóng góp, chuyên chở cho nhau từ nhân tài, vật lực đến nền nếp phong tục. “Chảy xuôi”, thì phải kể đến Huyền Trân đổi đất, Nguyễn Hoàng mở cõi, mang theo hồn cốt Thăng Long. Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Trọng Hợp (Thanh Trì), Cao Bá Quát (Gia Lâm) đều đã được triều Nguyễn đánh giá rất cao, nhất là về thi tài (Câu Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán truyền là của Tự Đức). “Chảy ngược”, là Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi làm sôi lòng bao tấm lòng yêu nước đất Bắc. Nguyễn Tri Phương, vị võ tướng bảo vệ Hà Nội, hy sinh tại đây là người con của Huế.

Cùng với Sài Gòn, Huế và Hà Nội là các thành phố kết nghĩa. Chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước… và ngày nay, tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa, giai đoạn nào mối liên hệ ấy cũng bền chặt, trở thành một truyền thống tốt đẹp.

Hoàng Định