Kết luận thanh tra bình ổn thị trường xăng dầu, thép
Kinh tế - Ngày đăng : 14:29, 06/10/2010
Theo kết luận này, mặt tồn tại, khuyết điểm trong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công Thương được chỉ ra là công tác quản lý, phối hợp quản lý quy hoạch ngành thép với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, các ban quản lý khu công nghiệp chưa chặt chẽ, là những nguyên nhân dẫn đến đầu tư ngành thép vẫn còn tình trạng tràn lan, manh mún, đầu tư kém hiệu quả, thiếu khả năng cạnh tranh...
Công tác chỉ đạo, giám sát, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển theo nội dung của đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 còn hạn chế, dẫn đến hệ thống phân phối mặt hàng thép xây dựng chưa hình thành rõ ràng, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập khẩu với các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng; hiệu quả bình ổn thị trường theo chỉ đạo chưa cao, người tiêu dùng, các công trình xây dựng... chưa tiếp cận được giá bán theo chỉ đạo trong khi lợi nhuận Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Việc thu thập thông tin, phân tích, đánh giá chưa kịp thời, chính xác dẫn đến thời điểm ban hành, thời điểm gỡ bỏ Giấy phép xuất khẩu tự động chậm là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thép tồn kho trong năm 2008.
Công tác phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu, tái xuất xăng dầu chưa chặt chẽ, còn để một số đơn vị xuất khẩu, tái xuất xăng dầu không báo cáo; cơ chế phân phối sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất còn bất cập. Việc chỉ đạo xây dựng cơ chế phân phối nhằm tạo ra sự minh bạch trong kinh doanh, trong kiểm soát các khoản thu của ngân sách Nhà nước chưa kịp thời.
Trong quyết định thành lập Tổ điều hành thị trường trong nước và Quy chế hoạt động của tổ chưa quy định rõ trách nhiệm trong phối hợp, thu thập, cung cấp thông tin, phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường đối với các bộ, ngành, địa phương và các thành viên của tổ cũng như công cụ bảo đảm cho tổ thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Cục Quản lý thị trường chưa tổ chức thanh tra chuyên ngành thương mại theo nhiệm vụ được giao. Cơ cấu, tổ chức, lực lượng thanh tra chuyên ngành thương mại chưa được hình thành rõ ràng, thiếu lực lượng thanh tra viên, còn lẫn lộn giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra; chưa kiểm tra đối với 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng về một số nội dung cụ thể như về cơ chế chính sách, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp có liên quan rà soát các dự án đầu tư về thép, thực hiện nghiêm túc các quy định về cấp giấy phép đầu tư, thẩm định hồ sơ dự án; rà soát quy hoạch ngành thép một cách chi tiết và hiệu quả.
Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu với Chính phủ đẩy mạnh các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư dự án “thượng nguồn” (luyện quặng, sản xuất phôi từ quặng...); nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về một mối trong công nghiệp khai thác và cấp phép khai thác khoáng sản để bảo đảm xây dựng và thực hiện quy hoạch ngành thép có hiệu quả.
Bộ cũng cần rà soát, đánh giá hệ thống phân phối các sản phẩm thép, sớm hoàn thiện xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm thép, sớm hoàn thiện xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối một số hàng hóa thiết yếu đối với sản xuất và đời sống xã hội trong đó có xăng dầu và thép; nghiên cứu xây dựng “hàng rào hành chính” trong công tác nhập khẩu sản phẩm thép xây dựng.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm đo lường đối với hoạt động kinh doanh xăng động cơ, dầu diesel...; sửa đổi, bổ sung, ban hành tiêu chuẩn cửa hàng xăng dầu thay thế các quy định trước; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ áp dụng cho các dự án thép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với thép nhập khẩu.
Về xử lý hành chính, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, khuyết điểm của các tập thể, cá nhân thực hiện chưa đầy đủ theo thẩm quyền, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao; xem xét, xử lý đối với những dự án sản xuất thép chậm triển khai không có lý do chính đáng, dự án có công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, suất tiêu hao năng lượng cao và không phù hợp với định hướng phát triển của ngành thép.
Bộ Tài chính kiểm điểm trách nhiệm của Tổng Cục Hải quan để xảy ra việc Tổng Công ty Công trình giao thông I và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn xuất khẩu dầu FO với số lượng 121,4 tấn sang Campuchia nhưng không có Giấy phép xuất khẩu do Bộ Công Thương cấp./.