Khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm TL cho Bảo tàng Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 13:51, 06/10/2010

(HNMO) – Trong những ngày kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhân dân Thủ đô và cả nước vui mừng đón thêm một sự kiện có ý nghĩa lớn - Bảo tàng Hà Nội được khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là công trình văn hóa tiêu biểu ghi dấu ấn Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới và phát triển.


Sáng 6/10, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP Hà Nội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình Bảo tàng Hà Nội. Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội; Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo – Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Hồng Quân - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Hoàng Tuấn Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch... cùng đông đảo quan khách, đại sứ quán các nước, nhân dân Thủ đô và từ các tỉnh, thành trong cả nước đến dự.



Cắt băng khánh thành Bảo tàng Hà Nội.


Báo cáo về quá trình triển khai xây dựng Bảo tàng Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói: Để đáp ứng được nhu cầu, tìm hiểu và giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ của nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu thì việc Hà Nội cần có một bảo tàng xứng đáng với vai trò Thủ đô của cả nước, đúng tầm với bề dày lịch sử lâu đời và oai hùng là điều hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, Bảo tàng Hà Nội đã được Qui hoạch nằm trong tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005; và Bảo tàng Hà Nội đã được xác định Qui hoạch chi tiết thuộc khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 739/QĐ-BXD ngày 22/4/2005.

Với ý nghĩa quan trọng trên, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo triển khai hoàn thành công trình Bảo tàng Hà Nội để chào mừng ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức phát động cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình Bảo tàng Hà Nội, với 13 phương án dự tuyển. Sau các vòng tuyển chọn nghiêm túc, Hội đồng xét chọn đã chọn được phương án kiến trúc mang mã số PA-01 của đơn vị Tư vấn liên danh GMP-Internationnal GmbH–Inroslackner AG (Gmp-Ilag) - Cộng hoà Liên bang Đức làm phương án để hoàn thiện, triển khai lập dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao bằng công nhận kỷ niệm 1000 năm TL-HN cho công trình Bảo tàng Hà Nội.


Tiếp đó, đến ngày 05/10/2006, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4432/QĐ-UBND phê duyệt chọn phương án kiến trúc Bảo tàng Hà Nội với diện tích xây dựng công trình khoảng: 11.952m2, diện tích sàn xây dựng là 30.208m2, được xây dựng trên khu đất có diện tích 53.963m2. Công trình Bảo tàng Hà Nội được thiết kế là một công trình có hình dáng kiến trúc đặc biệt, với kết cấu dàn mái treo sàn rất phức tạp; có hình dáng giật cấp từ thấp lên cao, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, các tầng trên lớn hơn, các phía vươn ra ngoài so với tầng dưới một khoảng là 8,4m với các tầng chức năng như: Tầng hầm 2 có diện tích 3.000 m2 dành cho việc lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật; Tầng hầm 1 với diện tích khoảng 10.000m2 bao gồm hội trường 500 chỗ ngồi, phòng họp đa năng 270 chỗ và hệ thống kho chuyên dụng của Bảo tàng; Các tầng (từ tầng 1 đến tầng 4) là không gian trưng bày và các phòng làm việc của Bảo tàng Hà Nội; ngoài ra còn có hệ thống hạ tầng ngoài nhà đồng bộ, hiện đại với cảnh quan đẹp.

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Công trình được thực hiện theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), do Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và XD Việt Nam (VINACONEX) là nhà đầu tư. Công trình Bảo tàng Hà Nội được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2008.

”Trong quá trình triển khai dự án mặc dù gặp không ít khó khăn bởi những lý do khách quan và chủ quan, nhưng được sự quan tâm, ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành thuộc TP để thực hiện cơ chế đặc thù, tạo sự linh hoạt, hiệu quả, cùng với sự đồng lòng quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công nhân viên chủ đầu tư, nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu, những người lao động trên công trường; Sau gần 30 tháng kể từ ngày khởi công, vượt qua nhiều khó khăn, đến nay công trình đã hoàn thành” – ông Hùng bày tỏ.

Trong quá trình triển khai, công trình đã tập trung được các lực lượng chuyên nghiệp, dẫn đầu trong các lĩnh vực tư vấn, thi công như: Tổng Công ty Vinaconex; Viện kinh tế, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng; Liên danh Trung tâm Công nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – Bộ Xây dựng; cũng như các nhà thầu tư vấn quốc tế như liên danh GMP-ILAG, Tư vấn thẩm tra độc lập Connell Wagner (phần kết cấu mái); các nhà thầu thi công...
Ông Hùng cũng cho biết, song song với công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình, phần nội dung trưng bày của dự án cũng được lãnh đạo TP chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan tích cực triển khai thực hiện. Trong tháng 03/2009 và tháng 06/2009 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Kịch bản trưng bày Bảo tàng Hà Nội mở rộng và Nhiệm vụ thiết kế nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội.

Tiếp theo đó, Công ty Tư vấn Story Inc (Newzeland) – đơn vị Tư vấn thiết kế nước ngoài đã được UBND TP phê duyệt lựa chọn làm nhà thầu chính thực hiện gói thầu Tư vấn thiết kế Tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Đến nay, Thiết kế Tổng thể phần nội dung trưng bày đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định, Tư vấn đang hoàn chỉnh trình TP phê duyệt, chuẩn bị cho giai đoạn thiết kế chi tiết.

Hơn nữa, để phục vụ cho chào mừng ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo công tác Trưng bày hiện vật, cổ vật tại tầng 1 và tầng 2 của Bảo tàng; tại tầng 3 và tầng 4 với Triển lãm ảnh Hà Nội Xưa và Nay cùng với sự góp mặt của các bộ sưu tập hiện vật, cổ vật của các tổ chức và cá nhân tiêu biểu.


Ngay sau khi mở cửa, đông đảo khách quốc tế đến tham quan Bảo tàng.


Có thể thấy, phần trưng bày bước đầu tuy được thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng vẫn khá đầy đủ, tạo ra được một không gian Bảo tàng phong phú về hiện vật, cổ vật, tranh ảnh giới thiệu được một phần những dấu ấn lịch sử gắn liền với Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi. Trong thời gian tới công tác trưng bày của Bảo tàng Hà Nội sẽ tiếp tục được thực hiện. Sau khi hoàn thành việc trưng bày, Bảo tàng Hà Nội sẽ gửi tới nhân dân Thủ đô và cả nước, bạn bè quốc tế một thông điệp về tình yêu và lòng tự hào với Thăng Long – Hà Nội thông qua một câu chuyện với đầy đủ chủ đề và chuyên đề trưng bày.

Mặt khác, tại Bảo tàng Hà Nội hiện nay còn có thêm khu vực trưng bày ngoài trời của Hội sinh vật cảnh của TP Hà Nội và các Tỉnh thành phố bạn đến làm sinh động, tươi đẹp thêm không gian của Bảo tàng với nhiều tác phẩm sinh vật cảnh nghệ thuật độc đáo, phong phú.

Vui mừng phát biểu tại buổi lễ khánh thành và gắn biển Bảo tàng Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói: Thăng Long – Hà Nội qua dòng chảy thời gian, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, luôn là nơi tụ hội tinh hoa, tỏa sáng khí phách của Thủ đô văn hiến – anh hùng. Trong nhiều năm qua, nhân dân Thủ đô luôn mong muốn, Hà Nội sớm phê duyệt việc xây dựng bảo tàng, là nơi lưu giữ, trưng bày các giá trị văn hóa lịch sử. Bảo tàng Hà Nội hôm nay được hoàn thành bề thế, đẹp về kiến trúc, phong phú về nội dung trưng bày, là biểu hiện sinh động cho sự phát triển của thời đại Hồ Chí Minh...

Bên cạnh niềm vui trên, Bí thư cũng lưu ý, do thời gian hoàn thành gấp, nhiều hiện vật quan trọng của Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa được trưng bày, do đó, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải nghiên cứu trưng bày tiếp; tổ chức bộ máy quản lý hữu hiệu để Bảo tàng Hà Nội phát huy được vai trò lưu giữ, thông tin về các giá trị vật thể và phi vật thể, phục vụ cho mục đích nghiên cứu, giáo dục đến các thế hệ mai sau. Bí thư cũng vui mừng công bố, trong một vài ngày tới, TP sẽ khởi công một công trình văn hóa lớn, là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội, đó là công trình Nhà hát Thăng Long, sẽ hoàn thành sau 3 năm xây dựng.

Bày tỏ niềm xúc động lớn lao khi công trình Bảo tàng Hà Nội đã được hoàn thành và gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: Đã từ lâu chúng ta ao ước Hà Nội có một bảo tàng của riêng mình vì Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm của văn hóa, giáo dục, là nơi kết tinh và tỏa sáng văn hóa Việt Nam. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội nếu không được bảo vệ, lưu giữ, chúng ta sẽ không chỉ có tội với các cổ nhân mà còn có lỗi với thế hệ mai sau... Bảo tàng Hà Nội đã được hoàn thành, niềm ao ước bấy lâu đã thành hiện thực. Đến tham quan Bảo tàng Hà Nội, chúng ta hiểu thêm được lịch sử Việt Nam, Thăng Long – Hà Nội. Trong thời gian tới, Bảo tàng Hà Nội cần làm tốt chức năng bảo tồn, để lữu giữ các giá trị văn hóa – lịch sử cho con cháu muôn đời mai sau.

Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ khánh thành và gắn biển Bảo tàng Hà Nội:











Lan Hương