Phụ sản Hà Nội trong top 10 bệnh viện được đánh giá chất lượng cao nhất của thành phố
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:41, 01/04/2023
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nhằm đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế, Sở Y tế thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng gồm 83 tiêu chí của Bộ Y tế. Tổng số bệnh viện đã được kiểm tra, đánh giá, phúc tra là 66/83 bệnh viện (đạt 79,5%); trong đó có 40/41 bệnh viện công lập; 26/42 bệnh viện ngoài công lập; 1/1 bệnh viện bộ, ngành.
Kết quả kiểm tra, đánh giá xếp loại, đoàn ghi nhận 10 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng cao nhất, gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Thanh Nhàn; Đa khoa Xanh Pôn; Tim Hà Nội; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa Đức Giang; Đa khoa Quốc tế Vinmec; Đa khoa Tâm Anh; Đa khoa Quốc tế Thu Cúc và Việt Pháp Hà Nội.
Bên cạnh đó, có 5 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng thấp. Qua đó, đoàn cũng đã đóng góp ý kiến để các đơn vị khắc phục những khó khăn, tồn tại, nỗ lực sáng tạo, nâng cao chất lượng bệnh viện, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, từ năm 2013, khi Bộ Y tế bắt đầu ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, nhiều bệnh viện tỏ ra không mặn mà và e ngại khi triển khai. Tuy nhiên, theo thời gian, quan điểm đó đã dần được thay đổi. Cho đến nay, “làn sóng” quản lý, cải tiến chất lượng đã lan rộng, tác động đến tất cả các vị trí trong bệnh viện, từ người lãnh đạo cho đến nhân viên hộ lý, bảo vệ.
“Thời gian qua, xác định tầm quan trọng của công tác quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện là “yếu tố sống còn”, Ban lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo quyết liệt, có cách làm mới. Tiếp cận với phương thức quản lý, cải tiến phù hợp thông qua đầu ngành quản lý chất lượng”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Đơn cử như đầu tư mở các khóa đào tạo về quản lý bệnh viện, cải tiến chất lượng cho đội ngũ lãnh đạo và chuyên trách; xây dựng chương trình hành động nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh...
Hằng quý, Sở Y tế thành phố tổ chức hội nghị về công tác khám chữa bệnh và quản lý chất lượng, qua đó, nhiều vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành Y tế, sau gần 3 năm dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Thế nhưng, so với những năm trước, qua đánh giá kết quả năm 2022, công tác quản lý chất lượng bệnh viện có sự thay đổi đáng kể, từ sự quan tâm của lãnh đạo các bệnh viện cho đến ý thức của nhân viên y tế, nhiều đơn vị đã triển khai các biện pháp cải tiến chất lượng trong khả năng của mình.
“Nhiều sáng kiến cải tiến rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm thiểu thời gian ghi chép hồ sơ bệnh án để dành cho công tác chăm sóc người bệnh; cải tiến phương pháp bình bệnh án để rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn; cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện; lắp đặt thêm ghế, quạt, cung cấp nước uống miễn phí... được triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, qua đó thay đổi diện mạo các bệnh viện một cách đáng kể”, bà Trần Thị Nhị Hà dẫn chứng.
Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế của Hà Nội thời gian qua. Đồng thời, đại diện Bộ Y tế đề nghị, ngành Y tế Thủ đô cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nhất là tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh...
Dịp này, Sở Y tế Hà Nội đã trao tặng giấy khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện năm 2022.