Họ đã xúc phạm niềm tự hào dân tộc của người dân Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 07:12, 06/10/2010
Niềm vui về ngày trọng đại, thiêng liêng này là của cả dân tộc, những con Lạc, cháu Hồng trên dải đất hình chữ S. Vậy mà trong mấy ngày qua, trên vài trang web của cá nhân xuất hiện một số bài viết, thể hiện những cách nhìn, những luận điểm lạc lõng và vô lối.
Với luận điểm lạc lõng và vô lối, họ cố tình tách ra khỏi dòng chảy cảm xúc của cả cộng đồng để phủ nhận âm hưởng chung hừng hực khí thế hào hùng, niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam ở khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc.
Rồi từ đó, họ tự lập luận và "phân tích" trên cơ sở của những "gạch đầu dòng" định sẵn trong đầu, cố tình bóp méo những sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết. Họ viết rằng: Khoảng 54 hoạt động chính dự kiến diễn ra trong 10 ngày Đại lễ; bắn pháo hoa trên 29 điểm; khoảng 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và khoảng 38 buổi của các đoàn ngoài nước...; cuộc diễu binh lớn khoảng 30 ngàn người; cuộc múa hát của khoảng 10 vạn người và vô số cuộc khác; các cuộc này, rất nhiều, rất lớn, rất tốn tiền, nhưng đều có nội dung na ná như nhau, hời hợt và vô bổ...
Ta có thể dễ dàng nhận thấy ở đó một thái độ thờ ơ, vô cảm.
Tôi đã có dịp tiếp xúc với những chiến sĩ quân đội sẽ tham gia diễu binh trong dịp Đại lễ. Từ những nam quân nhân ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu" đang còn rèn luyện trên ghế nhà trường cho tới những nữ quân nhân đã xây dựng gia đình, gác việc nhà sang một bên để có thể yên tâm tập trung trong hơn 2 tháng trời luyện tập. Tất thảy trong những con người ấy đều toát ra niềm vinh dự, tự hào được góp sức mình vào ngày lễ trọng của Thủ đô, của đất nước. Tôi cũng đã từng gặp nhiều học sinh tiêu biểu, đại diện cho học sinh Thủ đô tham gia khối diễu hành, chăm chỉ miệt mài tập luyện sau giờ học. Rồi những công nhân cần mẫn làm việc khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ để ngày mai mỗi con đường, góc phố của Thủ đô đẹp hơn, sạch hơn. Trong cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng" do UBND TP Hà Nội, Báo Hànộimới và Trung ương Đoàn tổ chức vừa tổng kết mới đây, có những người như cụ Vũ Duy Bình năm nay tròn 100 tuổi, hay em Ngô Hoàng Khánh Văn mới học lớp 2 cũng tham gia. Đáng trân trọng lắm bởi những con người ấy đã gửi gắm trong bài thi cả tấm lòng và tình yêu nồng cháy và chân thành đối với Thủ đô 1000 năm tuổi. Còn nhiều, còn rất nhiều câu chuyện đầy cảm động như việc 30 học sinh khuyết tật kiên trì trong hơn một tháng trời để hoàn thành bức tranh giấy nghệ thuật, hay một thợ nề bình dị ở huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) ròng rã trong 6 năm để hoàn thành 100 con rồng uốn từ tre ngà dâng lên Đại lễ... Ngay như những đoàn nghệ thuật của khắp các địa phương trong cả nước những ngày này tập trung về Hà Nội cùng chung vui và phục vụ quần chúng nhân dân. Thử hỏi những ca sĩ, nghệ sĩ ấy, khi biểu diễn "cháy" hết mình với công chúng Thủ đô và cả nước tại những sân khấu ngoài trời quanh Hồ Gươm lộng gió thu, họ có nghĩ tới những đồng tiền bồi dưỡng? Những lễ hội cần thiết, nhưng tiết kiệm, nhằm ghi ơn các thế hệ cha ông, giáo dục truyền thống, nâng cao trách nhiệm và vị thế của Thủ đô với cả nước, rồi những chương trình vì một thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại. Ở đó ai ai cũng thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia, được góp sức mình cho Thủ đô giàu đẹp.
Vậy mà khi viết những dòng chữ (như chúng tôi đã đề cập) để đưa lên mạng, một số người đã bỏ qua tất cả thực tế ấy, coi thường tất cả những tình cảm sâu sắc và chân thành ấy, để rồi cho rằng những sự kiện đang diễn ra với sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người (như cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng") là hời hợt, vô bổ. Không hiểu họ nghĩ gì khi còn là một con dân nước Việt?
Không chỉ có vậy, họ còn cho rằng: Ít nhất 94.000 tỷ đồng tiền thuế của dân Việt Nam đã được chi ra cho đám "rồng rắn" và Đại lễ, cho cái hội chứng một ngàn lẻ một cái ăn theo..., chi phí đến khoảng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm...
Họ căn cứ vào đâu mà tự cho mình cái quyền đứng ra phán quyết trịch thượng như vậy? Có thể 94.000 tỷ đồng đã được chi ra, thậm chí là nhiều hơn con số đó. Song, số tiền đó chi cho những việc gì? Sao họ không dám kể ra? Mới đây nhất, ngày 3-10, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc chính thức thông xe và được gắn biển Đại lộ Thăng Long là công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu họ cố tình không biết thì cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là dự án khởi công từ tháng 3-2005, giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 1-2006, công trình đại lộ được coi hiện đại nhất Việt Nam này có tổng mức đầu tư là trên 7.500 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương là hơn 1.800 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của TP Hà Nội). Đối với Thủ đô, tuyến đường này nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đặc biệt là nhằm phát triển Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, một trong những dự án có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển mở rộng Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại và văn minh. Rồi dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) đã hoàn thành và được gắn biển "Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" không lẽ cũng xếp vào dạng "ăn theo" Đại lễ? Đáng chú ý đây là công trình cầu lớn nhất từ trước tới nay do công nhân, kỹ sư của ngành cầu Việt Nam thiết kế và xây dựng. Hà Nội đã thực hiện dự án này nhằm hoàn thiện quy hoạch Vành đai II, nâng cao năng lực hạ tầng, góp phần giải quyết những bức xúc trong giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh miền duyên hải và Đồng bằng sông Hồng... Những công trình đồ sộ, đặc biệt quan trọng, gắn liền với tổng thể hạ tầng, liên quan chặt chẽ đến đời sống dân sinh Thủ đô, đó là đầu tư chiều sâu, đầu tư cho tương lai như vậy, thế mà họ vẫn phủ nhận giá trị đích thực của nó thì quả là rất đáng bị lên án!
Đúng là đất nước ta chưa giàu, điều kiện chưa phải là dư dả, tiêu một đồng phải tính toán, dù kinh phí đó từ ngân sách nhà nước hay của các tập thể, DN, người dân... đóng góp thì tựu trung lại cũng là của cộng đồng, của xã hội. Đã có những công trình, dự án đã phải dừng hẳn việc triển khai sau khi cân nhắc, xem xét là "chưa phù hợp", khi dư luận vẫn còn những ý kiến trái chiều. Đó là sự dân chủ, tôn trọng các ý kiến đóng góp của người dân và các tầng lớp trong xã hội! Lấy ví dụ cụ thể là việc lãnh đạo TP Hà Nội trực tiếp đề xuất Chính phủ cho phép dừng việc xây dựng 5 cổng chào ở các cửa ô dẫn vào thành phố. Tương tự như vậy là việc đề xuất không triển khai dàn kèn đồng (gồm 1.000 người) và dàn hợp xướng (cũng gồm 1.000 người) biểu diễn dịp Đại lễ; Không xây dựng khu lưu giữ hiện vật gửi tới ngàn năm sau... Hà Nội cũng chủ động đề xuất không thực hiện việc "bắn" mây phòng thời tiết xấu (mỗi lần "bắn" như vậy để ngăn mưa trong 3 ngày sẽ phải chi phí mất hơn 1 triệu USD), như vậy thành phố tiết kiệm được một số tiền không nhỏ dành để giải quyết nhiều vấn đề dân sinh cần thiết khác…
Ngay những ngày này, vào buổi tối, cả Hà Nội tràn ngập sắc màu của các loại đèn trang trí. Song, ngay cả trong chuyện đó, vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng đã từng là đơn đặt hàng của lãnh đạo thành phố chuyển cho ngành chức năng từ một năm trước đây. Do vậy, đèn sợi đốt đã được dần thay thế bằng đèn Led, vừa bảo đảm độ chiếu sáng, vừa tiết kiệm được điện năng tiêu thụ (chỉ bằng 1/10 tới 1/8 đèn sợi đốt), lại thêm sự ưu việt về tuổi thọ. Hoặc như việc tặng quà cho các đại biểu, khách mời dịp Đại lễ cũng được lãnh đạo thành phố cân nhắc, tính toán sao cho bảo đảm lịch sự, chu đáo, song phải tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức...
Lãnh đạo thành phố luôn quyết liệt và nhất quán trong việc xóa đói giảm nghèo, dành tiền chi cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, cải tạo hồ, cải tạo môi trường, làm sạch, đẹp đường phố… Quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là tổ chức Đại lễ hết sức tiết kiệm, nhưng phải thể hiện được tâm thế của Thủ đô, của quốc gia, phải có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, đồng thời những công trình, chương trình mừng Đại lễ phải là những công trình, chương trình phục vụ quốc kế, dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Trước ngưỡng Đại lễ để bước vào thiên niên kỷ mới đúng là phía trước thành phố còn nhiều việc phải làm với không ít những khó khăn, thách thức, song chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những gì đã và đang thực hiện. Bộ mặt Thủ đô cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân là minh chứng rõ nét nhất cho những thành tựu đạt được. Vì vậy, những suy nghĩ, lập luận của ai đó đưa ra thiếu căn cứ thực tế, gò ép theo những động cơ cá nhân là thứ lạc lõng giữa dòng chảy của thời đại, xúc phạm niềm tự hào dân tộc của tất cả người dân Việt Nam!