Bài 5: Điểm giữa của đất nước

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 06/10/2010

(HNM) - Huế là kinh đô dưới thời Nguyễn, triều đại lâu nay bị


Đất kinh sư


Cửa Ngọ Môn, cổng chính phía Nam Hoàng thành Huế.    Ảnh: Yến Ngọc


Lịch sử dân tộc Việt ghi nhận hai sự nghiệp lớn nhất, là tiến về phía Nam và đắp đê, làm thủy lợi; Ma Văn Kháng viết thế trong một tiểu thuyết. Hẳn đây không phải phát hiện của nhà văn, mà là từ giới sử. Trên mảnh đất chữ S ngày nay từng cư trú nhiều vương quốc Chăm, Phù Nam, một phần Chân Lạp… với các nền văn hóa khác nhau. Có những cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình mở cõi: thế kỷ XIV, Vua Trần Anh Tông gả Công chúa Huyền Trân (từng có tên phố ở Hà Nội) cho Vua Chiêm Chế Mân, đổi lấy hai châu Ô, Rý, là vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay. Năm 1471, Vua Lê Thánh Tôn đánh tới Bình Định, Phú Yên bây giờ, qua một vùng phía Nam rộng rãi bèn đặt tên "Quảng Nam". Thế kỷ XVI đầy chộn rộn: nhà Lê quá tệ, lưu danh những "Vua Quỷ", "Vua Lợn" trong dân gian. Họ Mạc chiếm Thăng Long, Trịnh Kiểm đưa Vua Lê vào Thanh vừa phò vừa chèn ép, giết Nguyễn Uông là người nhà bên vợ. Sợ bị hại, người em là Nguyễn Hoàng xin vào nhậm trị Thuận Hóa, một cách tự đày. Truyền thuyết ghi việc Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân vật rất có ảnh hưởng khi đó, khuyên Nguyễn Hoàng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", tức là qua được đèo Ngang thì yên ổn lâu đời được.

Ai mà ngờ cuộc trốn chạy năm 1558 ấy mở ra một chương kỳ vĩ cho lịch sử Đại Việt. Dừng chân đầu tiên ở Ái Tử, vùng đất nghèo kiệt, 9 chúa Nguyễn lập 8 thủ phủ, tiến mãi về Nam, vừa chạy Tây Sơn, cự lại quân Mạc vừa chinh phục các tộc Chăm, tràn sang Đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình "mở cõi" này không phải chỉ "mang gươm" như câu thơ Huỳnh Văn Nghệ, mà có cả gả bán, ái ân, hòa trộn văn hóa, tín ngưỡng… Lưu dân đi theo chúa Nguyễn, đa phần từ Thanh - Nghệ, đều gan dạ, rắn rỏi, không ít du thủ, du thực. Vậy mà cũng có lúc ớn lạnh: Đến đây đất nước lạ lùng/con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh.

Với sự giúp đỡ của thế lực bên ngoài, Nguyễn Phúc Ánh đánh thắng triều Tây Sơn đầy lục đục, lên ngôi năm 1802, thống nhất đất nước, mở đầu triều đại sẽ chấm dứt ở Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, 1945. Hẳn là từ khi Quang Toản suy yếu, có cơ lấy lại "đất các chúa Nguyễn", vị vua khai triều tương lai đã đau đầu về việc thiết lập kinh đô ở đâu. Thăng Long đất đẹp nhưng dân tình, sĩ phu đói khổ, đầy bất mãn, tâm tưởng vọng Lê còn tràn ứ. Vùng Thuận Quảng vốn là bản bộ, nằm ở vị trí trung độ, cân phân đất nước, mấy trăm năm đã là tiền đề để phân tranh với Đàng Ngoài. "Miền núi miền biển đều hợp về, đứng giữa miền Nam, miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng…, sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi" (Đại Nam nhất thống chí). Đời chúa 8 lần di dời thủ phủ, thì 2 lần làng Phú Xuân được chọn. Vả, mồ mả 9 chúa đều để ở Thuận Hóa, không đóng đô ở Kẻ Huế (chữ Alexandre de Rhode dùng năm 1653) thì ở đâu!

Kinh sư ra đời, dựa vào hệ thống sông Hương, Kim Long, Bạch Yến. Theo cố GS Trần Quốc Vượng, việc ấy không nằm ngoài quy luật định đô có sông trước, sông sau của người Việt, như Hoa Lư với hệ sông Đáy, Luy Lâu với hệ sông Dâu, Thăng Long với hệ sông Nhị, Cổ Loa với hệ sông Hoàng Giang, Gia Định (một thủ phủ) với hệ sông Sài Gòn. Theo thuật phong thủy nghiêm ngặt, tòa thành lên dần dần trông hướng Đông Nam, lấy núi Ngự Bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường, bên tả có cồn Hến làm rồng chầu, hữu thì cồn Dã Viên làm hổ phục. Muốn cân bằng khí, mồ vua mả chúa (âm) để cả bên Tây, đối với phần dương là kinh thành, chợ búa bên Đông. Đem so với khoa học ngày nay, việc chọn ấy có cơ sở. Hướng thành hợp câu "lấy vợ đàn bà làm nhà hướng Nam". Khá cao so với xung quanh, Phú Xuân thoát nước dễ, đất chịu được tải, mực nước ngầm ổn định, xung quanh là hệ sinh thái và tập dân cư đa dạng, có đầm phá, rừng, biển, trung du để cấp nguồn sản vật phong phú. Và để thủ hiểm thì Huế khá vững vàng, với Trường Sơn phía Tây, sông Gianh, Hoành Sơn phía Bắc, đèo Hải Vân, sông Thu Bồn phía Nam.

Định đô ở nơi thủ hiểm, nhà Nguyễn từ bỏ tư duy mở, bang giao rộng, tỏ mặt ra bên ngoài của Lý Công Uẩn; liệu có phải là một bước lùi?

Đô mới đã định, lại "phát sinh" những vấn đề. Thuận Hóa mênh mông đồng cát, ngập lụt liên miên… không thể là một trung tâm kinh tế. Cung cấp cho triều đình - bộ máy hành chính trung ương là lúa gạo Quảng Nam, thậm chí Gia Định, cam Canh, bưởi Diễn, giấy Bưởi… từ Bắc. Vai trò cựu đô phải hạ xuống. Theo TS Phan Thanh Hải (TT Bảo tồn di tích cố đô Huế), Gia Long đổi chữ "Long" (rồng) trong "Thăng Long" thành "Long trọng", rồi Minh Mạng đặt lại tên "Hà Nội" - thành thị trong sông, cái ý nghĩa khá vô hại, bắt hạ thấp mặt thành xuống 70 phân, quy mô phủ đệ bé đi, ngang cấp tỉnh thôi.

*
Ngắm nghía thiên địa nhân xong, ba năm sau khi lên ngôi, năm 1805, Vua Gia Long cho khởi công xây thành lũy. Sử chép Nguyễn Văn Yến và Đỗ Phúc Trạch được chọn nghiên cứu và lập thiết kế, nhưng căn cứ vào kiến trúc Vauban kiểu châu Âu, có lẽ người Pháp có vai trò ở đây. 27 năm lúc làm lúc nghỉ, có khi làm xong phải trùng tu ngay, đến năm thứ 13 triều Minh Mạng thì xong. Trong mắt thương gia Pháp Auguste Borel, "bài thơ kiến trúc kinh thành", "kỷ vật tài năng, trí tuệ của người lao động" ra đời khá man rợ: "…80.000 người bận rộn xây cất bức tường thành đồ sộ bằng gạch… Nhà vua nghĩ sự khốn khổ sẽ giữ được dân trong vòng nô lệ hèn hạ…, rút tỉa hết tất cả mọi tài nguyên đáng nhẽ để làm cho đất nước thịnh vượng, ngăn chặn sự tiến bộ…". "Dân giàu có sẽ khó bảo, phải để chúng đói rách" còn là một "điểm nhấn lớn" trong tư tưởng của Gia Long.

Thành Huế có ba vòng, xây kiên cố. Ngoài cùng là Phòng thành hình vuông mỗi chiều gần 2.500m, 10 cửa, bên ngoài là hệ thống hào, có vai trò quân sự trọng yếu nhất. Bên trong là Hoàng thành, cũng vuông vức mỗi chiều khoảng 600m, 4 cửa, phía sau là Ngọ Môn, điện Thái Hòa, vườn Cơ Hạ, Thái Miếu, Thế Miếu… Phần ruột là Tử cấm thành, chỗ vua và hoàng hậu ở, có điện Cần Chánh, Càn Thành, Kiến Trung, cung Khôn Thái… Thành còn hồ Tịnh Tâm thả sen, lầu Tàng Thơ, thật ra là thư viện triều đình, và khu Lục bộ để các quan làm việc. Đến Huế năm 1819, thuyền trưởng Pháp Lerey ghi lại: "Đây nhất định là pháo đài đẹp nhất và đều đặn nhất ở Ấn Độ Chi Na, kể cả pháo đài Williams ở Calcuta và Saint George ở Madrats do người Anh làm". Trong khi đó, sách vở ghi về cựu đô thời kỳ này lại cho biết "Thăng Long toàn tranh tre kể cả nhà quan, cháy một cái đi vèo tất cả".

Kinh đô còn những kiến trúc phục vụ cho sinh hoạt cung đình: đàn Nam Giao tế Trời đất, Hổ Quyền để vua tôi xem voi, cọp đánh nhau. Và Văn Miếu với hàng bia tiến sĩ, Võ Miếu kỷ niệm tướng đảm lược. Bờ Nam chi chít lăng tẩm in dấu ấn kiến trúc từng thời kỳ. Vào những năm ba mươi thế kỷ trước, học giả Phạm Thượng Chi nhận xét trên Tạp chí Nam Phong rất thú vị, rằng lăng Gia Long đơn sơ chỉ mấy trụ biểu, cho thấy hùng khí của bậc khởi nghiệp, lăng Tự Đức so lại thì đầy "hư văn". Tóm lại, những gì phục vụ cho sinh hoạt xa hoa của cung đình dần dần được từng đời vua cất lên, từng nấy nơi chỉ dừng lại vài phút, xem hết cũng vài tuần lễ. Xen giữa công cuộc xây dựng kỳ khu này là những cuộc bình định tiếp về phương Nam, phương Bắc, có khi dẹp loạn ngay tại chỗ. Và phất lên buôn bán Hội An, dệt vải Điện Bàn, vựa lúa Nam Kỳ. Thật khó kể hết vai trò của nhà Nguyễn khi mở rộng bờ cõi, khai thác những vùng đất mới.

Với những dạng thức cấu trúc kể trên, khi xét công nhận di sản văn hóa thế giới, Huế được UNESCO đánh giá là "điển hình về đô thị hóa và kiến trúc của một kinh đô phòng thủ, thể hiện quyền lực của vương quốc phong kiến cổ của Việt Nam ở thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ XIX".

Huế ít di tích hơn Hà Nội nhưng tạo ấn tượng cổ kính hơn nhiều vì chúng tập trung thành quần thể, không bị xâm lấn, ít hư hại. Thành phố hiện nay rộng 71km2, trong khoảng 36 vạn dân có chừng 15 vạn người sống trong vùng lăng tẩm, khu vực 1 và 2 của kinh thành… Chả thể "dọn" họ đi, nên vấn đề "chung sống với di tích" vô cùng trầm trọng.

Hoàng Định (còn tiếp)