Miền Trung ngập chìm trong mưa lũ

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 06/10/2010

(HNM) - 5h30 trời bắt đầu hửng. Nhận lệnh từ Tòa soạn, nhóm phóng viên Báo Hànộimới từ ngã ba Hương Khê ngược về QL1 nhằm tâm lũ Quảng Bình thẳng tiến.


Địa bàn Hà Tĩnh mưa đã yên, nhưng vừa bước tới đèo Ngang chúng tôi đã gặp trận mưa xối xả. Dù mưa gió mịt mù, nhưng chúng tôi rất vững dạ bởi biết tin có một đoàn công tác của báo cũng đang xé mưa vào Quảng Bình, mang theo tấm lòng của những người làm báo Đảng Thủ đô đến với bà con vùng lũ. Vượt đoạn đường khó đầu tiên trên QL1A thuộc địa bàn xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nước ngập tràn nóc capo ô tô, xe chúng tôi bị kẹt lại giữa biển nước mênh mông. Không thể tiếp tục hành trình bằng xe ô tô, nhóm PV khoác vội áo rét lao lên thuyền, lội trên đường ngập tiếp cận những vùng bị cô lập...

Tìm đường vào vùng lũ lụt


Lực lượng cứu hộ tiếp cận những địa bàn ngập sâu trong nước Ảnh: DH


Hàng đoàn xe từ Hà Tĩnh sang Quảng Bình bị kẹt cứng tại điểm ngập đầu tiên ngay đầu cầu Nhân Thọ 1, lý trình km 619 + 780 QL1A cùng chúng tôi. Cánh lái xe tải siêu trường siêu trọng ì ạch vượt qua khúc ngập sóng vỗ oàm oạp ước chừng dài nửa cây số nhìn xe ô tô 4 chỗ "cứu trợ lũ lụt" của chúng tôi lắc đầu ngao ngán, khuyên không nên đi sâu vào trong bởi càng đi vào Quảng Bình, QL 1A càng bị chia cắt, có chỗ ngập sâu 1,5m. Nhiều lái xe cho biết, họ đã phải nằm lại các huyện Quảng Ninh, Minh Hóa, Lệ Thủy mấy hôm nay, giờ mới ra đến quốc lộ. Từ điểm tắc trên cầu Nhân Thọ 1 vào huyện lỵ Quảng Trạch hơn 10km, chúng tôi phải ngồi trên con thuyền chòng chành vượt sóng cả. Cũng chính trên chặng đường này bao hình ảnh về tình người trong bão lũ đã hiện lên thật cảm động.

Ngôi nhà cao nhất xóm của vợ chồng bác Trần Ky - Trần Lành ở thôn Nhân Thọ, xã Quảng Thọ mấy ngày nay là nơi trú ngụ và để bà con trong thôn làm kho chứa nhờ đồ đạc. Khi nước bắt đầu ùa về xối xả, bác Trần Ky tình nguyện lao ra đường hướng dẫn giao thông và dọn dẹp củi rác cho xe yên tâm qua lại. Rạng sáng 5-10, bác Ky đã kịp cứu sống ba mẹ con chị hàng xóm Trần Thị Lân. Nhà bác Ky và chị Lân nằm hai bên đường QL1A chỉ cách nhau vài chục mét. Lũ ùa về trong đêm giữa lúc ba mẹ con chị Lân còn đang say giấc nồng, chỉ kịp bế con từ giường lên gác xép thế là nước đã ngập tràn qua cả giường nằm. Nước càng ngày càng lớn, buộc chị phải công kênh thằng cu út Trương Văn Hùng 5 tuổi lên cổ, dắt tay thằng cả Trương Văn Hoàng 9 tuổi lội nước ngang ngực vượt lũ tìm đường lên QL1A. Đêm tối đen, có những lúc hụt hơi chị Lân tưởng như chết đứng khi chỉ thấy tay thằng Hoàng chới với trên dòng nước. Giữa lúc nguy kịch đó, rất may bác Ky và một số người hàng xóm đã đến kịp bế vội thằng Hoàng đang sắp bị lũ cuốn trôi và đỡ mẹ con chị Lân lên nơi cao ráo. Nhà bác Ky và bác Lành trở thành ngôi nhà thứ 2 của ba mẹ con chị Lân.

Khi đã tìm được chỗ trú chân, chị Lân lại hăng hái giúp đỡ bà con lỡ độ đường, như nấu hộ gói mỳ tôm, luộc hộ quả trứng gà, giúp cho chai nước... Chị Lân, bác Ky, bác Lành trở thành những người thân của những người bị kẹt lại trên dòng xe dài dằng dặc đầu cầu Nhân Thọ 1. Bản thân nhóm PV chúng tôi cũng được những người dân tốt bụng đó giúp đỡ tận tình suốt hơn 14 tiếng bị kẹt lại trên đường.

Theo thông tin chúng tôi nắm được từ Ban chỉ huy PCLB huyện Quảng Trạch, mưa lớn trên địa bàn huyện và nước từ thượng nguồn sông Gianh dồn về gần tuần qua đã làm phần lớn các xã bị ngập nước. Thị trấn Ba Đồn cũng bị nước lũ cô lập ở một số vùng, nhiều tuyến đường và khu dân cư bị ngập từ 1m đến 1,6m. Toàn huyện có 31.500 nhà dân bị ngập lụt, trong đó có 23.000 nhà ngập từ 1m trở lên. Từ 12h ngày 4-10, địa bàn các xã vùng nam, xã Phù Hóa và một số thôn của xã Cảnh Hóa đã bị chia cắt hoàn toàn. Các trường học đã phải cho học sinh nghỉ học trong ngày 4 và 5-10. Các trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, chợ ở các xã vùng nam và ven sông Gianh cũng đều bị ngập nặng, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Vào giữa trưa 5-10, có 3 chiếc tàu ở khu vực Hòn La và Cửa Ròn đã bị sóng đánh chìm, trong đó có 1 tàu của ngư dân xã Quảng Phúc, cả 6 người trên tàu đều may mắn thoát nạn; 1 tàu của xã Cảnh Dương, trên tàu có 8 người, cứu được 7 người, còn 1 người mất tích. Chiếc tàu còn lại là của Ban CHQS huyện Quảng Trạch đi tiếp tế cho đảo Hòn La. Như vậy, hiện tại trên địa bàn huyện đã có 2 người bị mất tích trong đợt mưa lũ này.

Trong hai ngày 4 và 5-10, huyện Quảng Trạch tập trung tất cả các lực lượng và phương tiện chi viện của tỉnh đến ứng cứu cho nhân dân các xã. Hàng trăm hộ dân ở vùng thấp trũng, nhà ngập sâu đã được các lực lượng di dời đến nơi an toàn. Ông Trần Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến 16h ngày 5-10, huyện đã đưa được hơn 700 thùng mì tôm và 300 thùng lương khô đến cho người dân vùng lũ.

Nhiều nơi đang cần cứu trợ khẩn cấp


Những đoạn quốc lộ 1A bị nước lũ chia cắt. Ảnh: Dương Hiệp

Qua điện thoại, giọng ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa như lạc đi cho biết: "Từ ngày 2-10, xã Tân Hóa đã bị ngập, ngày 5-10-2010 nước ngập tới 1,3m, mức kỷ lục từ trước đến nay. Người dân trong xã phải đưa các tài sản giá trị lên trần nhà; trâu bò lùa lên những nơi cao ráo; hơn 400 chiếc thuyền được huy động làm phương tiện cho nhân dân đi lại trong mùa mưa lũ...". Ông Bình thông báo, do mưa lớn quá, nước lên nhanh, đến đêm mùng 4, sáng ngày mùng 5 thì 100% nhà dân với 678 hộ, 3.068 khẩu bị ngập đến nóc. Toàn xã theo thống kê chưa đầy đủ có gần 500 trâu bò bị chết và bị cuốn trôi, rất may đến thời điểm này chưa có thiệt hại về người.

Vượt lũ vào xã Tân Hóa, chúng tôi quặn lòng chứng kiến tình cảnh các hộ dân phải tạm trú tại các trường học cao tầng chưa bị ngập và những vùng lèn cao. Sáng 5-10, 200 thùng mì tôm đầu tiên, lương khô và nước uống đã đến với người dân vùng lũ Tân Hóa, tuy nhiên do nước lớn, phương tiện vận chuyển khó tiếp cận nên lương thực, nước uống đến được tay người dân rất ít. Ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: "Trước tình trạng ngập lụt nặng nề tại xã Tân Hóa, UBND huyện thống nhất dành cho địa phương này lương thực, thực phẩm, nước uống trong điều kiện mà huyện có thể đáp ứng được, UBND huyện cũng đã điện báo với tỉnh nhờ trực thăng của Quân khu IV tiếp ứng vì các tuyến đường đến huyện đều bị ngập lụt. Hiện tại chúng tôi ưu tiên dành 2 thuyền máy chuyên chở 7.000 thùng mì tôm, lương khô, nước uống; 500m2 vải bạt; áo quần... vào cứu trợ cho nhân dân vùng lũ Tân Hóa".

Tại huyện Quảng Ninh, các lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng chi viện của tỉnh xuống giúp dân di dời được 340 hộ dân với 757 nhân khẩu đến nơi an toàn, trong đó có 27 người phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, vào lúc 23h ngày 4-10, các lực lượng trên địa bàn huyện đã di dời được 50 hành khách trên tuyến xe từ phía Nam ra bị ngập nước ở khe Chấn Thủy và sáng 5-10, cứu hộ được 3 công nhân bị nước cuốn ở khu vực Khe Ngang.

Sau một ngày ngâm mình trong lũ ở Quảng Bình, 22h nhóm PV mới quay về được cầu Nhân Thọ 1. Lúc này nước lũ vây lấy hai đầu đường, không thể tiến vào sâu được khi cả khu vực mất điện và nước ngày càng dâng cao buộc chúng tôi phải nhờ tới sự giúp đỡ của Cứu hộ 116 đưa xe qua khỏi chỗ ngập quay trở về. Để tìm được nơi có điện truyền tin bài về Tòa soạn xe đã phải lao qua màn mưa đêm suốt quãng đường hơn 50km tới thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Mưa lạnh buốt rả rích trong đêm khiến tất cả thành viên trong đoàn không tài nào chợp mắt, ai cũng cầu mong trời tạnh mưa và mau sáng để sớm chuyển những phần quà cứu trợ đến với những hộ dân còn đang ngập chìm trong lũ dữ.

Lũ lụt khiến giao thông đình trệ
(HNM) - Theo Bộ GTVT, nhiều tuyến giao thông quan trọng ở miền Trung vẫn đang bị tê liệt do lũ lụt. Cụ thể, trên quốc lộ (QL) 1, đoạn qua Quảng Bình nhiều đoạn bị ngập sâu, trong đó đoạn từ km673-km696 (TP Đồng Hới) ngập từ 0,6m đến 1,1m gây tắc đường. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt ta luy dương tới 40 điểm tại Quảng Bình, làm ùn tắc 10 vị trí. Tại Quảng Trị, tuyến này bị sạt 43 điểm ta luy dương, 4 vị trí bị tắc đường…
Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, tình hình cũng hết sức căng thẳng khi nhiều đoạn bị sạt ta luy dương ngập hoặc cuốn trôi đường ray. Trong ngày 4 và 5-10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ngừng chạy 6 chuyến tàu Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và trả tiền mua vé cho hành khách. Ngành đường sắt đã huy động nhân lực, vật tư khắc phục sự cố.


Nguyễn Đức



* Qua thông tin bằng điện thoại, chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Thừa Thiên Huế cho biết, đến chiều 5-10 tại huyện Quảng Điền, nhiều xã vùng trũng như Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước… vẫn còn ngập trong nước từ 0,3 đến 0,5m; một số đê ven phá và kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng. Khoảng 1.200 ngôi nhà bị ngập và 800ha rau màu bị nước lũ nhấn chìm gây hư hỏng hoàn toàn... Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 7.200 ngôi nhà bị ngập, chủ yếu ở các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy và TP Huế. Ước tổng thiệt hại về sản xuất và các công trình gần 42,5 tỷ đồng.

Anh Tuấn - Hữu Hoài - Dương Hiệp