Tinh hoa đất Kinh kỳ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 06/10/2010

(HNM) - Trong ánh nắng yếu ớt hòa cùng không khí mát mẻ của mùa thu Hà Nội, men theo con đường gốm sứ, chúng tôi có mặt tại làng nghề Kiêu Kỵ, Gia Lâm để được nghe những khúc nhạc đập quỳ vang qua lũy tre làng, trải trên các cánh đồng từ nghìn năm vọng về. Kiêu Kỵ, ngôi làng nổi danh với nghề quỳ vàng bạc truyền thống đang rộn ràng cờ hoa hướng về Đại lễ.


Trỗi dậy một làng nghề


Thợ thủ công Kiêu Kỵ đang phủ các lá vàng quỳ lên tác phẩm. Ảnh: Nguyệt Ánh


Có lẽ, ai trong mỗi chúng ta khi đến thăm các di tích lịch sử, đình, chùa, miếu mạo, các công trình tín ngưỡng đều cảm thấy choáng ngợp bởi vẻ đẹp huyền bí, cổ xưa toát lên từ những pho tượng phật, hoành phi câu đối… lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Nét tinh xảo, huyền bí đầy chất tâm linh đó được tạo nên từ tình yêu nghề và đôi bàn tay khéo léo của người thợ quỳ vàng bạc. Các tác phẩm đó đã được người thợ phủ lên một chất liệu đặc biệt, đó là các lá vàng quỳ, bạc quỳ. Đưa chúng tôi đi bộ dọc đường làng, ông Vũ Danh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Kiêu Kỵ say sưa kể, nghề dát vàng nơi đây đã có lịch sử trên 500 năm, là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo. Từ những chỉ vàng thật, thỏi bạc thật được đập cho dài và mỏng gọi là đập diệp rồi cắt thành những mảnh nhỏ có bề ngang từ 0,4 đến 0,8cm. Những mảnh nhỏ này được đặt vào những lá quỳ (màu đen) hình vuông có cạnh dài khoảng 4cm. Những lá quỳ màu đen gọi là lá giống được kén từ loại giấy dó làm tranh Đông Hồ mỏng và dai được quét thêm một lớp mực tự chế làm từ loại bồ hóng đặc biệt trộn với keo da trâu.

Để minh chứng cho lời kể của mình, ông Sơn đưa chúng tôi đến thăm nơi sản xuất của cụ Nguyễn Thị Bích, năm nay 75 tuổi, người làm nghề từ lúc 8 tuổi. Đến đầu ngõ, người ta đã nghe thấy tiếng búa đập quỳ vọng ra rộn ràng, mạnh mẽ làm say lòng người. Nhìn cụ Bích với tấm lưng còng đang ngồi cặm cụi gấp những lá quỳ vàng, quỳ bạc khiến lòng tôi lắng lại, nghĩ về những thăng trầm thời gian, những biến cố lịch sử của làng nghề nơi đây. Cụ Bích cho biết, nghề quỳ vàng bạc là một nghề truyền thống độc nhất vô nhị của nước ta. Để ra được thành phẩm cuối cùng người thợ phải trải qua 35 công đoạn khá phức tạp khác nhau, nên một người thợ dù tài giỏi đến đâu cũng không thể làm hết các công việc. Đây cũng là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo, mà không một loại máy móc hiện đại nào có thể thay thế được đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công trong việc làm quỳ.

Kiêu Kỵ hôm nay

Đến Kiêu Kỵ hôm nay, khách có thể đi ô tô vào tận các xóm, ngõ trong làng. Từ đường trục chính đến các đường trong làng đều đã trải bê tông. Những dãy nhà cao tầng chóp xanh, chóp đỏ nối đuôi nhau mọc lên. Hàng chục xe ô tô con, xe vận tải ra vào vận chuyển hàng hóa đi các nơi khiến xóm làng trở nên tấp nập. Nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của con người ngày một lớn, đâu đâu, việc chỉnh trang và sơn son thếp vàng những đồ thờ cúng trong các đền chùa, đình miếu cũng được quan tâm. Điều đó đã khiến làng nghề Kiêu Kỵ phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng nghề Kiêu Kỵ đang vững bước đi lên xây dựng thương hiệu và tên tuổi hàng trăm năm của mình với nhiều sản phẩm đặc sắc. Nghề quỳ vàng, bạc nơi đây không chỉ tạo nên những sản phẩm tinh thần mà còn tạo cho người dân có được cuộc sống sung túc, đầy đủ. Ông Vũ Danh Sơn, Phó chủ nhiệm HTX công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ cho biết, nhiều hộ gia đình đã bỏ vốn lớn ra để làm quỳ theo quy trình khép kín, tận dụng tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào các khâu sản xuất. Thu nhập của người thợ làm quỳ vàng bạc tương đối cao, hơn hẳn so với sản xuất nông nghiệp. Tiền công của thợ làm quỳ vàng và quỳ bạc có 2 mức: Thợ nong quỳ và lướt giấy quỳ trung bình một ngày công được 7.000-8.000 đồng. Còn thợ đập quỳ có thu nhập cao hơn gấp 4-5 lần, một ngày công được 30.000-40.000 đồng. Bên cạnh đó, Kiêu Kỵ còn thu hút nhiều nhân lực khắp nơi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở những địa phương lân cận, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng, nguyên Chủ nhiệm HTX quỳ vàng, quỳ bạc Kiêu Kỵ tự hào cho biết, để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Kiêu Kỵ đã được UBND thành phố chọn là một trong 5 làng nghề chính được trưng bày giới thiệu sản phẩm tại vườn hoa Bách Thảo trong dịp Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội vừa diễn ra. Gian hàng với những pho tượng, hoành phi, tranh… dát vàng, bạc đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hiện, sản phẩm của Kiêu Kỵ ngày càng phong phú và đa dạng. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ góp mặt ở những công trình lớn trong nước như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… mà những sản phẩm dát vàng, bạc quỳ này còn được xuất khẩu ra nhiều nước châu Á, châu Âu.

Hòa chung không khí những ngày Đại lễ, người thợ Kiêu Kỵ đang và sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng, khắc ghi những dấu ấn phát triển của Thủ đô 1000 năm tuổi. Rời Kiêu Kỵ, trên chuyến xe trở về trung tâm Hà Nội với những hoạt động tưng bừng của 10 ngày Đại lễ, tôi thấy lòng ấm áp bởi những tình yêu rất đỗi giản dị mà cao quý của mỗi người dân Hà thành dành cho mảnh đất Thăng Long lịch sử.

Đào Huyền