Khánh thành và gắn biển công trình tượng đài Thánh Gióng

Xã hội - Ngày đăng : 15:48, 05/10/2010

(HNMO) - Tượng đài Thánh Gióng là một công trình văn hóa tâm linh trọng điểm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sáng 5/10, tại khu Đền Sóc, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, Giáo hội phật giáo Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Đức Thánh Gióng.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã đến dự và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho công trình ý nghĩa này.



Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi lễ khánh thành và gắn biển tượng đài Thánh Gióng.

Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, để tưởng nhớ và tôn vinh những công lao trời bể của cha ông đã có công dựng nước, giữ nước và chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Thành phố Hà Nội đã quyết định triển khai xây dựng Tượng đài Thánh Gióng. Trong suốt một thời gian dài, có rất nhiều việc phải triển khai, trong đó gặp không ít khó khăn, vướng mắc từ khâu: lập dự án, sáng tác và lựa chọn mẫu tượng, lựa chọn địa điểm, huy động nguồn vốn, tổ chức thi công phần móng tượng trên điểm cao, địa chất phức tạp, đúc tượng đồng, vận chuyển, lắp dựng tượng…

Tuy vậy, với sự quan tâm chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và đóng góp công sức của các tầng lớp nhân dân, công trình đã hoàn thành. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật, quy mô lớn được xây dựng ngay tại khu vực lịch sử, huyền thoại đã thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và thể hiện long từ bi hỷ xả của Phật giáo Việt Nam.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao bằng công nhận công trình kỷ niệm 1000 năm TL-HN cho Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Trưởng ban quản lý dự án công trình tượng đài Thánh Gióng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cảm ơn Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã nhận trách nhiệm huy động tiền của để xây dựng tượng đài, biểu dương tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, cố gắng của tác giả, các thành viên Hội đồng nghệ thuật, nghệ nhân và thợ đúc đồng, đơn vị tổ chức thi công, các sở, ban, ngành, cán bộ và nhân dân huyện Sóc Sơn. Đồng thời, Thành phố Hà Nội ghi nhận tâm đức của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, bà con đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài đã đóng góp tiền của, sức lực và ủng hộ tinh thần cho công trình được hoàn thành.

Để phát huy hiệu quả và giá trị của công trình, Chủ tịch Thành phố đề nghị các cơ quan chức năng của Thành phố, huyện Sóc Sơn, Ban quản lý dự án và các đơn liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, khách thập phương đến thăm quan, du lịch và tham dự các hoạt động văn hóa, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, tạo thành quần thể đồng bộ, một cụm công trình văn hóa – tâm linh đặc biệt, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch, tín ngưỡng, vừa góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta.



Hình ảnh tượng đài Thánh Gióng
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ với đồng bào 3 điều tâm đắc, đó là: Tâm đắc về lòng yêu nước của Thánh Gióng; Tâm đắc về sức mạnh của Thánh Gióng; Và hơn nữa là Thánh Gióng có công lao và tài năng lớn nhưng không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi phong chức, phong tước, đánh giặc xong, thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản. Ngài ra đi khi nước nhà bình yên, khi giặc ngoại xâm không còn nữa, điều đó đáng cho tất cả chúng ta phải học tập.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh: “Tượng đài này xây dựng để trước hết chúng ta tỏ lòng thành kính với một vị Thánh đã có công với dân với nước và chúng ta tỏ lòng biết ơn tổ tiên nguồn cội đã có công dựng nước, giữ nước. Tượng đài này cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta phải biết giữ gìn những thành quả của ông cha ta để lại, phải bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên.  Đó là máu xương, là hồn thiêng sông núi, chúng ta phải truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau để họ thấm nhuần tinh thần này, để họ giữ vững đất nước tổ tiên, giữ vững được độc lập tự do của Tổ quốc và hơn thế nữa, chúng ta quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam XHCN đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong thời đại mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”.


Thánh Gióng là một trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn với huyền thoại cậu bé làng Phù Đổng dũng cảm đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Công trình Tượng đài Thánh Gióng được Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội (trước đây) khởi công từ tháng 7/2004 (giai đoạn 1). Tổng dự toán công trình ở giai đoạn thực hiện khoảng 60 tỷ đồng, trong đó phần đúc tượng gần 30 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2007, UBND TP Hà Nội quyết định chuyển giao Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng Tượng đài Thánh Gióng (giai đoạn thực hiện) theo phương thức xã hội hóa.

Ngày 26/1/2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND TP Hà Nội làm lễ đặt đá xây dựng Tượng đài. Tượng đài có chiều cao tới đỉnh là 14,02m, đường cong của tượng là 20m, mô phỏng hình ảnh vị Thánh trẻ tuổi tay mang tre ngà, thúc ngựa hướng về trời xanh. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất theo phương pháp thủ công, tổng trọng lượng khoảng 85 tấn và chia làm 5 thớt để đúc. Thớt đồng đầu tiên đúc phần người và ngựa tượng Thánh Gióng. Thớt cuối cùng đúc phần đế tượng, có trọng lượng lớn nhất, nặng trên 25 tấn.

Sau khi việc đúc tượng được hoàn thành, Tượng Thánh Gióng đã được rước lên đỉnh núi Đá Chông để lắp dựng vào ngày 19/5. Ngày 26/9 vừa qua, Giáo hội phật giáo Việt Nam đã tổ chức các nghi thức tâm linh như: Khai quang yên vị, Hô thần nhập tượng Đức Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương và cầu nguyện quốc thái dân an.

L.H