Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh
Chính trị - Ngày đăng : 15:36, 05/10/2010
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Toàn cảnh đại hội. (Ảnh: VietNamNet)
Đến dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận xét, nhìn lại 5 năm qua, trong bối cảnh quốc tế và trong nước vừa có cơ hội thuận lợi, vừa có khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu rất quyết liệt, có nhiều sáng kiến ứng phó, vượt qua thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế của thành phố đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tăng dần các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ cao; tổng sản phẩm nội địa có mức tăng bình quân 5 năm 11%.
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị được coi trọng và đẩy mạnh; hàng loạt công trình có quy mô lớn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhiều dự án về kết cấu hạ tầng đang triển khai, các khu đô thị mới đang hình thành, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.
Các vấn đề về an sinh xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, đời sống của nhân dân thành phố ngày càng được cải thiện, các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, văn hóa-xã hội đều có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố cũng đạt được những kết quả tích cực...
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương ý chí phấn đấu kiên cường, năng động, sáng tạo, tinh thần "cùng cả nước, vì cả nước" của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân thành phố trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những ưu điểm, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế đang cản trở bước phát triển đi lên của thành phố như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chưa cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa và ngành công nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng quá tải, nhất là lĩnh vực giao thông và tình trạng ngập nước gây bức xúc cho nhân dân; quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều yếu kém. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; khoa học và công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục; phát triển giáo dục-đào tạo, y tế còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn hạn chế; hệ thống chính trị chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Về phương hướng, nhiệm vụ của Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh thứ nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Hai là, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất đất nước, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế có vị trí quan trọng của cả nước. Vì vậy, phải nhận thức đúng vị trí, vai trò và trách nhiệm lớn lao của thành phố trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong giai đoạn tới, Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục phát triển nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á; phát huy tốt vai trò vùng kinh tế động lực, tạo sức lan tỏa, giúp đỡ các tỉnh, thành phố khác phát triển.
Ba là, thành phố cần chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, làm rõ hơn các tiêu chí xác định thế nào là Thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, và phải luôn nhìn ra thế giới, trước hết là các thành phố lớn trong khu vực để tự kiểm nghiệm mình, định ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cụ thể sao cho đúng tầm một thành phố trung tâm về nhiều mặt của đất nước.
Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của thành phố.
Cùng với các nhiệm vụ trên, Tổng Bí thư đề nghị thành phố phải quan tâm hơn nữa việc phát triển và nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn cơ cấu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tiếp tục lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."
Tại Đại hội, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày Báo cáo Chính trị, nêu rõ nhìn chung, năm năm qua, diễn biến phức tạp trên thế giới và những khó khăn trong nước đã có những tác động bất lợi, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu ngăn chặn lạm phát, suy giảm kinh tế, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.
Kinh tế từng bước hồi phục, kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể được củng cố và phát huy vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường; kinh tế tư nhân phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng nâng tỉ trọng dịch vụ cao cấp, từng bước giảm dần tỉ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, phát triển nông nghiệp đô thị; quản lý và phát triển đô thị đạt một số kết quả; hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế với các tỉnh được mở rộng; khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế... có bước phát triển tích cực; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chương trình giảm nghèo theo tiêu chí mới góp phần cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực; vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy.
Vị trí, vai trò của thành phố đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước ngày càng được khẳng định, tiếp tục có những đóng góp vào quá trình hoàn tiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hình thành những quan điểm, chủ trương, chính sách đổi mới, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Báo cáo Chính trị đã nêu lên những hạn chế, yếu kém và phân tích những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, thành phố tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết; huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển nhanh, bền vững, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; làm tốt vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đóng góp ngày càng lớn cho cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Từ nay đến 8/10, Đại hội kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII; quyết định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đề ra những giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2010-2015.
Đại hội cũng sẽ bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI./.